Từ “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” của Cristophoro Borri:
Chữ Quốc ngữ phôi thai ở Nước Mặn
Nhà truyền giáo Cristophoro Borri (1583-1632) đến Đàng Trong năm 1618. Sau đó phần lớn thời gian ông lưu lại tại Nước Mặn (Bình Định). Đến năm 1622 ông sang Macao. Trong thời gian truyền giáo tại Nước Mặn, cùng hai linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina, ông viết tác phẩm “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” bằng tiếng Ý, đây là tài liệu in đầu tiên có một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai.
Christophoro Borri (Christoforo Burrus, Burro, Bruno, Boro, Barri, Bravo, Brono) sinh năm 1583 tại Milan (Ý), vào Dòng Tên năm 1601 ở Arona (Ý), năm 1615 đi Goa, năm 1616 tới Áo Môn, năm 1618 cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng) rồi vào ở cư sở truyền giáo Nước Mặn. Borri đã viết: “ông ở Đàng Trong 5 năm, và năm 1622 bỏ xứ này hoàn toàn” [2]. Năm 1622 ông về Áo Môn, năm 1623 về Goa, rồi về Bồ Đào Nha khoảng năm 1625, dạy Toán học và Thiên văn học tại Đại học Coimbra của Dòng Tên, năm 1630 về Rôma và mất ở đây năm 1632 [3]. Trong số các nhà truyền giáo đến Đàng Trong đầu thế kỷ XVII, Linh mục Christophoro Borri là người ghi sử liệu khá nhất về việc truyền giáo ở Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1622.
Năm 1618 linh mục dòng Tên Cristoforo Borri đến Ðàng Trong. Sau đó phần lớn thời gian ông lưu lại tại Nước Mặn (nay thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh) trước khi sang Macao vào năm 1622. Trong thời gian truyền giáo tại Nước Mặn, ông cùng 2 linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina, viết tác phẩm “Tường trình về Khu Truyền giáo Ðàng Trong” bằng tiếng Ý, đây là tài liệu in đầu tiên có một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai.
- Trong ảnh: Ðài tưởng niệm 3 linh mục dòng Tên: Cristophoro Borri, Francesco Buzomi (người Ý), Francisco de Pina (người Bồ Ðào Nha) đặt tại nhà ông Võ Cự Anh - ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước.
Một tác phẩm viết về Việt Nam
Tác phẩm “Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong” của Christophoro Borri có 231 trang khổ 9cm x 12cm, viết bằng tiếng Ý, được in tại Rôma năm 1631, nhưng quyển sách này ông viết từ những năm hoạt động truyền giáo ở Nước Mặn (1618-1622) cùng hai Linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina, chữ Quốc ngữ trong “Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong” là thứ chữ được viết vào những năm 1618-1622. Bởi vì, năm 1622 Borri rời Nước Mặn đi Macao, và khi về Châu Âu chắc ông không sửa lại những từ tiếng Việt trước khi đem xuất bản. Đây là cuốn sách đầu tiên bằng một thứ ngôn ngữ Châu Âu, hoàn toàn viết về Đàng Trong, đặc biệt phần nhiều viết về Nước Mặn, Qui Nhơn. Có lẽ, “Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong” là tác phẩm được dịch và in nhiều lần nhất trên thế giới trong những năm 1631-1633, trong 3 năm này, sách được dịch ra nhiều thứ tiếng: Pháp, La tinh, Hà Lan, Đức, Anh và xuất bản tới 9 lần tại Roma, Lille, Rennes, Paris, Vienne, Louvain, London. Từ năm 1704-1990, còn được xuất bản 8 lần bằng các tiếng Anh, Pháp, Việt. Hai lần xuất bản gần đây nhất bắng tiếng Pháp và tiếng Việt do các dịch giả: Lieutenant-Colonel Bonifacy và Hồng Nhuệ [4].
Bản dịch tiếng Việt của Hồng Nhuệ (Nguyễn Khắc Xuyên), Nhà xuất bản Thăng Long, Nhà in Thiên Hà, năm 1989. Dịch giả Hồng Nhuệ phiên dịch sang Việt ngữ từ bản Pháp ngữ, xuất bản ở Lille, năm 1631. Bản Pháp ngữ này còn thiếu chương XI, phần II, của nguyên bản Ý ngữ (bản đầu tiên) in tại Rôma, năm 1631. Vì vậy, trong bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ cũng không có chương XI, phần II [5].
Phần I cuốn sách nói về xã hội Đàng Trong, Phần II tường thuật về hoạt động truyền giáo ở đây. Tác giả giới thiệu về: vị trí địa lý, thời tiết, đất đai phì nhiêu, dân chúng no đủ, nhiều loại trái cây khác lạ với châu Âu, voi, tê giác, cá thịt nhiều và ngon, tơ tằm, thương mại, chính trị, quân sự, nhà ở, con người, tiếng Việt, y phục, y khoa, học hành… Nói chung, Borri hết lời ca tụng đất nước và con người xứ Đàng Trong, chủ yếu là vùng đất miền biên viễn của Đại Việt – Pulucambi / Qui Nhơn.
Tác phẩm “Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong”.
Chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai
Tác phẩm “Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong” của Christophoro Borri là tài liệu in đầu tiên có dùng một số chữ Quốc ngữ La tinh hóa hiện nay biết được. Borri sử dụng số lượng lớn từ Quốc ngữ để chỉ các vật thông thường, tên người, tên đất. Và chính Borri là người đã sử dụng số lượng chữ Quốc ngữ nhiều nhất so với các tác giả khác viết cùng thời. Theo tác giả Hoàng Xuân Việt cho biết: “Ông Thanh Lãng đã đếm được trong bản dịch của Bonifacy có đến 94 từ Quốc ngữ, và trong một tài liệu viết tay, ông viết: “Có rất nhiều chữ mang hình thức hệt như ngày nay. Thí dụ: tui, biết, Macao, mọi, càn.v.v…”” [6].
Tuy nhiên, chữ Quốc ngữ Borri đã sử dụng trong đó là chữ La tinh hoá chưa có qui cách chặt chẽ, từ của ông dùng nặng về cách phiên âm theo tiếng Ý: Cacciam: “Kẻ Chàm”, Con gnoo: “con nhỏ”…, có chữ phiên âm theo tiếng Bồ Đào Nha: Chiampa: “Champa”, sayc chiu: “sách chữ” và chưa thấy dấu ghi thanh, ngoại trừ dấu được ghi như dấu huyền của chữ Quốc ngữ sau này là có sẵn trong văn tự ghi tiếng Ý: chià “trà”… Có lẽ, do hạn chế các con chữ của nhà in lúc đó chưa có những dấu ghi thanh mà Borri có thể đã sử dụng khi ông soạn thảo văn bản, nên tất cả các dấu ghi thanh: sắc, nặng, ngã (như chữ Quốc ngữ ngày nay) trong “Tường trình” đều được sử dụng như dấu huyền: Dàdèn, Lùt, Dàdèn, Lùt “Đã đến lụt, đã đến lụt”, maqui, macò “ma quỉ, ma quái”. Ngoài ra, có một số từ Quốc ngữ Borri đã dùng chữ thay các dấu: “sắc”, “ngã”, “hỏi” (như chữ Quốc ngữ ngày nay): doij “đói”, mocaij “một cái”, onsaij “ông sãi”, con gnoo “con nhỏ”…; có nhiều chữ viết liền với nhau theo cách viết đa âm tiết của ngôn ngữ châu Âu: mocaij “một cái”, tuijciam “tôi chẳng”, omgne “ông nghè”…; còn thiếu nhiều nguyên âm, mà sau này được ghi bằng chữ Quốc ngữ như: ă, â, ê, ư, ô, ơ: Nuoecman “Nước Mặn”, sayc chiu “sách chữ”…; chưa có các chữ để ghi các phụ âm: đ (doij “đói”), x (scin “xin”), v (bau “vào”…); thiếu những chữ ghép đôi / ghép ba như về sau để ghi biểu thị một số phụ âm đơn “mặt lưỡi, gốc lưỡi, quặt lưỡi, mũi,…” như: ch, gh, nh, tr, ng, th, gi, ph, ngh (Ciam “chẳng”, sayc kim “sách kinh”, gnoo “nhỏ”, omgne “ông nghè”, Quignin “Qui Nhơn”, laom “lòng”…); một số phụ âm kép Borri dùng đã bị đào thải trong quá trình cải tiến chữ Quốc ngữ, không còn trong tiếng Việt hiện đại, như: tl thay bằng tr (tlom “trong”), gn thay bằng nh (gnoo “nhỏ”…). Chữ Quốc ngữ Borri sử dụng trong “Tường trình” nguyên bản tiếng Ý như sau:
Nuoecman/Nuocmon/Nuocman “Nước Mặn”, Cacciam “Kẻ Chàm”, Chiuua “Chúa”, Chiampa “Champa”, Ciam “chẳng”, tuijciam biet “tôi chẳng biết”, doij “đói”, da an nua, da an het “đã ăn nửa, đã ăn hết”, scin mocaij “xin một cái”, Dàdèn, Lùt, Dàdèn, Lùt “Đã đến lụt, đã đến lụt”, chià “trà”, Quignin “Qui Nhơn”, Quamguya/Quanghia “Quảng Nghĩa”, Renran: “Ran Ran, tức sông Đà Rằng, Phú Yên”, Nayre “nài, nài voi”, sayc kim “sách kinh”, sayc chiu “sách chữ”, cò “có”, omgne “ông nghè”, onsaij “ông Sãi”, onsaij di lay “ông Sãi đi lại”, maa “ma”, maqui, macò “ma quỉ, ma quái”…
Cristophoro Borri (hay còn được biết với các cái tên như: Christoforo Burrus, Burro, Bruno, Boro, Barri, Bravo, Brono) sinh năm 1583 tại Milan (Ý), vào dòng Tên năm 1601 ở Arona (Ý), năm 1615 đi Goa, năm 1616 tới Macao, năm 1618 cập bến Cửa Hàn (Ðà Nẵng) rồi vào ở Nước Mặn.
Năm 1622 ông về lại Macao, năm 1623 về Goa (Ấn Ðộ), rồi về Bồ Ðào Nha khoảng năm 1625, dạy Toán học và Thiên văn học tại Ðại học Coimbra của dòng Tên. Năm 1630 ông về Roma và mất ở đây năm 1632.
Trong số các nhà truyền giáo đến Ðàng Trong đầu thế kỷ XVII, Cristophoro Borri là người ghi lại khá đầy đủ - nếu không muốn nói là đầy đủ và chi tiết nhất về việc truyền giáo ở Ðàng Trong từ năm 1618 đến năm 1622.
Tất cả những chữ Quốc ngữ La tinh hóa tìm thấy trong các bản tường trình viết tay từ Ma Cao gửi về cho Bề trên Cả Dòng Tên ở La Mã trong những năm 1620-1621 là: bức thư của João Rodrigues Giram viết bằng tiếng Bồ Đào Nha vào năm 1620, hai bức thư của João Roiz và Gaspar Luis viết bằng tiếng Bồ Đào Nha và bằng tiếng La tinh vào năm 1621, được các Linh mục không biết tiếng Việt “sao y” từ các báo cáo của các thừa sai từ Đàng Trong gửi về Ma Cao vào những năm 1619 và 1620, còn rất “thô sơ”, thường là những từ riêng lẻ và chỉ tên người tên đất như: Unsai “ông sãi”, ungue “ông nghè”, Cacham “Kẻ Chàm”, Nuocman “Nước Mặn” …[6]. Nhưng chữ Quốc ngữ của Borri trong tác phẩm “Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong” ngoài những từ riêng lẻ tên người, tên đất, Borri đã viết những cụm từ / câu gồm từ 3 đến 6 từ, diễn tả một hiện tượng, một sự việc hoặc một hành động …: tuijciam biet “tôi chẳng biết”, scin mocaij “xin một cái”, onsaij di lay “ông Sãi đi lại”, da an nua, da an het “đã ăn nửa, đã ăn hết”, Dàdèn, Lùt, Dàdèn, Lùt “Đã đến, lụt, đã đến, lụt” … đáng chú ý là, chữ Quốc ngữ của Borri đã xuất hiện một số cấu trúc câu phức tạp hơn và được viết theo lối cách ngữ như chữ Quốc ngữ ngày nay, chẳng hạn, có hai câu như sau: Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam ? “Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng?” (Đạo Hoa Lang là danh từ chỉ đạo của người Châu Âu), Muon bau dau christiam chiam ? “Muốn vào đạo christiam chăng?” [8]. Đây là những câu tiếng Việt đầu tiên được ghi bằng chữ Quốc ngữ viết theo mẫu tự La tinh “khá hoàn chỉnh” của các nhà truyền giáo Dòng Tên trong quá trình sáng tạo, hình thành chữ Quốc ngữ nhằm để giao tiếp với người bản xứ, phục vụ công việc truyền giáo tại Nước Mặn.
Những chữ, cụm từ / câu đơn giản và cấu trúc câu phức tạp bằng chữ Quốc ngữ sớm nhất, tìm thấy trong tác phẩm “Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong” của Borri nêu trên, đã đủ cơ sở để kết luận là chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai?
Theo Roland Jacques: “Thời kỳ sáng tạo mãnh liệt của chữ viết tiếng Việt theo mẫu chữ La Tinh bắt đầu từ năm 1618 và chấm dứt năm 1651, nghĩa là năm xuất bản cuốn từ điển và cuốn giáo lý bằng chữ viết theo mẫu tự La Tinh. Công cuộc sáng tạo này được các linh mục dòng Tên người Bồ Đào Nha chủ trương và tiến hành. Đối với thời kỳ này thì cho đến ngày nay người ta chỉ mới có được một hai chứng từ vắn tắt. Hiện tại, tài liệu xưa nhất có liên quan và được ghi vào danh mục là một bức thư thường niên (lettre annuelle) gửi từ Đàng Trong, do linh mục dòng Tên người Bồ Đào Nha là linh mục Gaspar Luis ký vào năm 1621; nhưng bức thư ấy chỉ có được năm từ riêng lẻ. Những dấu thanh điệu xuất hiện lần đầu tiên năm 1626 dưới ngòi bút của linh mục António de Fontes. Lần theo các báo cáo thường niên được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha hay tiếng Latin dành cho các độc giả Âu châu, và được sao lại ở Macao, ở Lisboa, hay ở Rôma, bỡi những nhà sao chép không biết tiếng Việt, ta có được hai ba mươi chữ riêng lẻ, mà linh mục dòng Tên Đỗ Quang Chính đã lọc ra cho khoảng thời gian từ 1621 đến 1656. Chỉ có mỗi một câu trọn vẹn ghi trong một tác phẩm người Ý là Cristophoro Borri ấn hành tại Âu châu năm 1631, nhưng cách phân tích phát âm thì còn rất sai sót. Theo ý kiến chung, muốn có được một văn bản liên tục bằng tiếng Việt, dù là viết bằng chữ Nôm hay bằng mẫu tự Latin, thì phải đợi cho đến năm 1650” [9].
Christophoro Borri đã nhận xét, tiếng Việt tuy khó nhưng lại “du dương” “giống như bản nhạc liên hồi”, người nào có tài về âm nhạc, biết phân biệt âm thanh, thì tiếng Việt là tiếng dễ dàng nhất đối với họ, và qua 6 tháng học tập, Borri đã nói chuyện và “giải tội” được. Ông thú nhận rằng, muốn hiểu và nói được tiếng Việt hoàn toàn, phải dành ra bốn năm trọn để học [10].
Ba tài liệu viết tay có chữ Quốc ngữ đầu tiên hiện biết, được viết ở Ma Cao bỡi các tác giả: João Rodrigues Giram, João Roiz và Gaspar Luis vào năm 1620 và 1621. Đây là các bản tường trình hàng năm của tỉnh Dòng Tên Nhật Bản do Linh mục João Rodrigues Giram và João Roiz soạn bằng tiếng Bồ Đào Nha, và của Gaspar Luis viết bằng tiếng La tinh gửi về cho Bề trên Cả Dòng Tên ở La Mã dựa theo các báo cáo ở Đàng Trong. Mặc dù, Giram, Roiz và Luis chưa sang Việt Nam nhưng trong ba tài liệu viết tay của các ông, người ta có thể tìm thấy một số chữ Quốc ngữ như: Unsai: “ông sãi”, ungue: “ông nghè”, Cacham: “Kẻ Chàm”, Nuocman: “Nước Mặn” …
Ngoài ra, những tài liệu viết tay thời kỳ này có chữ Quốc ngữ do các Linh mục khi đang truyền giáo ở Đàng Trong viết, hiện còn được lưu giữ gồm có: bản sao bức thư của Francisco de Pina viết năm 1623, bức thư của Alexandre de Rhodès viết năm 1625, bản tường trình của Gaspar Luis viết năm 1626, bản tường trình của Antonio de Fontes viết năm 1626, bức thư của Francesco Buzomi viết năm 1626.
Đến thời gian này, nhiều thừa sai người ngoại quốc đến hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong đã nói được tiếng Việt và tất cả những bức thư của các thừa sai nêu trên đều có sử dụng một số từ ghi bằng chữ Quốc ngữ, nhưng cũng chủ yếu là những từ thông thường dùng để chỉ tên người và tên đất, không có một bức thư nào thể hiện những câu chữ Quốc ngữ như trong tác phẩm “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” của Borri. Tuy nhiên, chữ Quốc ngữ năm 1626 đã có tiến triển mới, đó là lối viết cách ngữ và hệ thống “dấu” dần dần được áp dụng, dấu “sắc” và dấu “ớ” được dùng sớm nhất, trong bức thư của Francesco Buzomi viết năm 1626: xán tí “Thượng đế”, thien chũ “Thiên Chúa”, Ngaoc huân “Ngọc Hoàng”; bản tường trình của Antonio de Fontes viết năm 1626: Nuóc man, ben dá, Nhít La Khấu.
Sau 5 năm sống ở Nước Mặn hoạt động truyền giáo (1618-1622), Christophoro Borri đã viết một bản “Tường trình” khá dài, rất lạc quan và triều mến. “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” là tác phẩm đầu tiên của người nước ngoài viết về xứ Đàng Trong, một “bài ca” ngợi khen đất nước và con người Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XVII, ngay sau khi xuất bản, sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, là tác phẩm hàng đầu giới thiệu cho nhiều nước trên thế giới biết đến đất nước Việt Nam rừng vàng, biển bạc, con người Việt Nam hiếu khách, bao dung, quảng đại …
Các bản “Tường trình” thường niên báo cáo về Bề trên Cả Dòng Tên ở La Mã cho biết: Pina thông thạo tiếng Việt nhất so với các thừa sai đang hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong lúc bấy giờ, không có nghĩa là Pina là người giỏi ký hiệu phiên âm La tinh hóa chữ Quốc ngữ - có công đầu trong phiên âm sáng tạo hình thành chữ Quốc ngữ như một số nhà nghiên cứu đã nhận định. Bởi lẽ, nói giỏi tiếng Việt và ký hiệu phiên âm La tinh hóa chữ Quốc ngữ là hai lĩnh vực khác nhau. Dịch giáo lý, chuyển ngữ kinh từ tiếng La tinh ra tiếng Việt hoặc La tinh hóa chữ Quốc ngữ, ngoài nghe, nói được tiếng Việt, cần phải có một kiến thức nhất định về lĩnh vực ngôn ngữ học.
Một tình yêu người Việt, tiếng Việt
Mặc dù, Christophoro Borri không thông thạo tiếng Việt bằng Pina hoặc Alexandre de Rhodes sau này, nhưng ông cũng đủ hiểu biết tiếng Việt để giảng giáo lý Kitô cho giáo dân người Việt tại Nước Mặn mà không cần phiên dịch. Chính ông, là người đã cho chúng ta nhiều hiểu biết nhất về cách ký hiệu phiên âm chữ Quốc ngữ bằng tiếng La tinh của các thừa sai Dòng Tên khi giao tiếp với người Việt trong buổi đầu sáng tạo hình thành chữ Quốc ngữ. Cách ký hiệu phiên âm La tinh hóa chữ Quốc ngữ của Borri mặc dù được viết trong những năm 1618-1622, nhưng gần với chữ Quốc ngữ ngày nay hơn so với Pina (người giỏi tiếng Việt nhất lúc bấy giờ) và một số nhà truyền giáo khác trong giai đoạn 1615-1626.
Tác phẩm “Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong” của Borri là tài liệu in đầu tiên và duy nhất bằng tiếng nước ngoài, trong đó có một số chữ Quốc ngữ, được viết trong những năm 1618-1622 khi ông hoạt động truyền giáo ở Nước Mặn cùng hai Linh mục Buzomi và Pina. Và theo Hoàng Xuân Việt: “chúng ta có thể tạm cho rằng cách phiên âm tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ là dựa trên hệ thống ký hiệu phiên âm Ý – Bồ. Hệ thống ấy là cơ sở ban đầu để hình thành chữ Quốc ngữ, tạo điều kiện cho nó trưởng thành và phát triển. Hệ thống ấy là khuôn thước để chữ Quốc ngữ được thể hiện được tính thống nhất và phổ cập của tiếng Việt thế kỷ 17” [11].
Như vậy, chữ Quốc ngữ trong tác phẩm “Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong” của Linh mục Christophoro Borri viết bằng tiếng Ý, được in tại Rôma năm 1631, là chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai mà các nhà truyền giáo Dòng Tên đã sử dụng trong giao tiếp, hoạt động truyền giáo tại cư sở Nước Mặn / Pulucambi / Qui Nhơn vào những năm 1618-1622 và được Borri chép lại.
NGUYỄN THANH QUANG
Chú thích:
[1] Christophoro Borri, Relatione della nvova Missione delli PP. Della Compagina di Giesv, al Regno della Cocincina, scritta dal Padre Cristophoro Borri Milanese della medesima Compagina. Che fù vno de primi ch’entrorono in detto Regno. Alla Santina di N. Sig. VRBANO PP. OTTAVO. In ROMA, per Francesco Corbelletti. MDCXXXI. Con licenza de’ Svperiori.
[2] Christophoro Borri, Relatione, sdd, tr. 219,221;
[3] Đỗ Quang Chính, SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, Nxb An Tôn & Đuốc Sáng, tr. 52,53.
[4] Đỗ Quang Chính, SJ, sdd, tr. 29;
[5] Đỗ Quang Chính, SJ, sdd, tr. 30.
[6] Hoàng Xuân Việt, Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 125.
[7] Đỗ Quang Chính, SJ, Lịch sử chữ Quốc ngữ, 1620 , Sài Gòn, 1972, trang 24–27; tái bản tại Paris, Đường Mới, 1985. Lm. Luiz dùng từ Quốc ngữ ít hơn Lm. Roiz, hình thức cũng giống nhau, trừ chữ Ungué (ông Nghè) và Bancô (Bàn Cổ).
[8] Christophoro Borri, Relatione, sdd, tr. 61, 62, 109.
[9] Roland Jacques, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Định hướng Tùng Thư 2004, tr. 199-201.
Kho lưu trữ tại Rôma của dòng Tên còn giữ một văn bản chữ Nôm, với cách phiên âm bằng mẫu tự La Tinh và bản dịch La Tinh, có lẽ được viết vào năm 1648 (Jap.sin. tập 80, tờ 78V-79) : Đây là một văn kiện phê chuẩn bản văn tiếng Việt được sử dụng cho công thức rửa tội, do nhiều thầy giảng Bắc Kỳ ký tên.
[10] Christoforo Borri, Relation , sdd, tr. 7.
[11] Hoàng Xuân Việt, sdd, tr.161.