Bài chòi tham gia chiến đấu
Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng, những câu hát bài chòi đã vang lên cùng dân công, bộ đội ra tận chiến trường động viên chiến đấu, hoặc thường trực ở địa phương cổ vũ sản xuất, chia sẻ, động viên nhân dân vùng lên đánh giặc. Bài chòi trở thành một thứ vũ khí “vô hình nhưng mạnh mẽ”.
Năm 1962, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn khốc liệt, Đoàn Văn công giải phóng Bình Định (ĐVCGP) được thành lập và thường xuyên hành quân đến vùng tranh chấp với địch, vùng giải phóng để phục vụ chiến đấu, phục vụ nhân dân và tuyên truyền địch vận. Những vở kịch bài chòi tiêu biểu của Đoàn thời kỳ này có “Súng Mỹ lòng ta” (1964, tác giả Võ Xuân Đào), “Sóng gầm Phước Lý” (1965, Nguyễn Tuấn Anh), “Chỉ một con đường” (1966, Hoàng Ngọc Ẩn), “Một mạng người” (1966, Đào Hồng Cẩm), “Ba cha con” (1972, Phan Ngạn)...
Vở ca kịch bài chòi tuyên truyền cách mạng “Ba cha con”(tác giả Phan Ngạn sáng tác năm 1972) được Đoàn Văn công giải phóng biểu diễn rất thành công.
“Sức mạnh cảm hóa”của bài chòi
Một trong những buổi diễn thành công đáng nhớ của ĐVCGP trong những năm tháng phục vụ kháng chiến, đó là lần đến Đồng Dụ (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn). Trong đêm diễn đầu tiên, một số lính bảo an ở đồn Đồng Phó đã cải trang đến xem thử chương trình ra sao. Coi xong những người lính bảo an này có lẽ trở về đã trằn trọc suy nghĩ nên đêm diễn thứ hai, họ mang theo thực phẩm tặng các thành viên trong đoàn, đồng thời sau đó mang súng ra vùng giải phóng nộp cho cách mạng.
Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng khi nhắc về những năm tháng những lời ca bài chòi phục vụ rất hiệu quả cho cách mạng, ông Trần Văn Tới (65 tuổi) - nguyên Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định - vẫn xúc động đến nghẹn ngào. “Năm 1972, tôi bắt đầu tham gia biểu diễn trong nhiều vở kịch bài chòi của ĐVCGP. Thời điểm ấy thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên, đã có thêm nhiều tiết mục bài chòi được sáng tác để tuyên truyền vận động bà con tiếp tục ủng hộ cách mạng, đấu tranh chống sự đàn áp của địch, kêu gọi binh lính Ngụy buông súng quay về với chính nghĩa. Những kịch ngắn bài chòi như Hạt muối Bác Hồ, Đường ra mặt trận, Đường ra phía trước... hay độc tấu bài chòi Nhớ Di chúc Bác, Bình An uất hận... của Đoàn đi đến đâu đều tạo được hiệu ứng cảm xúc hưởng ứng mạnh mẽ cho người dân, góp phần cảm hóa quân địch. Tại điểm biểu diễn ở Thuận Ninh (Tây Sơn), tiết mục độc tấu bài chòi “Thư gửi anh lính Cộng Hòa” của Đoàn đã tạo sức lay động tình cảm mạnh mẽ khiến cả một trung đội lính bảo an quyết định buông súng đi theo cách mạng...”, ông Tới kể.
Bài chòi tuyên truyền cách mạng còn có sự lan tỏa rộng hơn nhờ nhiều giọng hát bài chòi ngọt ngào ở cơ sở tham gia các đội tuyên truyền binh địch vận ở các địa phương trong tỉnh thời kháng chiến chống Mỹ. Bà Đặng Thị Thoại (quê ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) hồi tưởng: “Tôi hát bài chòi được nhiều người rất thích nghe, nên sau thời gian thoát ly làm y tá phục vụ thương binh trên núi, Ban Tuyên huấn huyện Phù Mỹ đã điều tôi về tham gia Đội Tuyên truyền Binh địch vận của huyện vào năm 1971. Chúng tôi đi đến khắp các khu đồn trong huyện, hát bài chòi kêu gọi binh lính địch buông súng, quay về với nhân dân. Đội tuyên truyền thường đào hầm cách đồn địch khoảng vài trăm mét. Đêm đến, tôi lại cầm loa đứng trên miệng hầm hát bài chòi sang phía đồn địch. Khi bị bắn, mình nhảy xuống hầm trú ẩn. Hết đợt đạn, lại nhảy lên hăng say ca bài chòi cả đêm...”.
Vở “Huyền thoại về tiếng hát” được chọn biểu diễn mở màn Liên hoan sân khấu Dân ca kịch Bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc 2011.
Đi vào “huyền thoại”
Không thể nào quên những năm tháng sát cánh bên đồng đội cùng tiếng hát bài chòi “băng qua lửa đạn”, ông Trần Văn Tới đã viết nên kịch bản “Huyền thoại về tiếng hát”. “Kịch bản là niềm tâm huyết ấp ủ trong nhiều năm về những câu chuyện người thật, việc thật của ĐVCGP đã có những đóng góp xứng đáng đi vào huyền thoại; đồng thời là sự sẻ chia những gian khổ, mất mát hy sinh của những người đồng đội tôi đã ngã xuống”, ông Tới rưng rưng tâm tình.
Vở “Huyền thoại về tiếng hát” (tác giả Trần Văn Tới, chuyển thể Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn NSƯT Hoài Huệ) được Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định dàn dựng lần đầu tiên vào năm 2005, đã chinh phục đông đảo khán giả và đoạt được 1 giải B (không có giải A) của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Vở diễn này cũng được chọn biểu diễn mở màn Liên hoan sân khấu Dân ca kịch Bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc 2011, giúp cho các diễn viên trẻ có những “chất liệu cảm xúc” tưởng nhớ về các thế hệ diễn viên đi trước của chính đoàn mình trong kháng chiến.
“Huyền thoại” bài chòi cách mạng được bồi đắp từ những gì rất gần gũi… Như khi còn sống ông Nguyễn Xuân Đào - nguyên Phó ĐVCGP Bình Định - đã chia sẻ qua những dòng hồi ký: “Tôi vừa nhớ lại trong nỗi bồi hồi vừa tự hỏi vì sao bài chòi lại có sức cảm hóa lòng người sâu sắc như thế. Rồi tôi nhẩm lại trong đêm những câu hát đã theo mình khắp nẻo chiến trường, và ứa nước mắt nhận ra một điều đơn giản rằng những câu hát ấy mộc mạc quá, chân thực quá, rằng sức mạnh cảm hóa của nó chính ở lời ca dung dị không chút cầu kỳ, ở giọng điệu gần gũi với tình cảm của người miền Trung, người Bình Định. Và nó còn được chuyển tải đến người nghe từ những trái tim đầy nhiệt huyết của đồng đội tôi thuở ấy...”.
HOÀI THU