Mùa vui trên đất chiến khu xưa
Xã Cát Sơn, huyện Phù Cát là vùng chiến khu ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, chính quyền và nhân dân nơi đây không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Năm 1964, Tỉnh ủy Bình Định chọn Đồi Chè - nằm giữa thôn Thạch Bàn và Hội Sơn, thuộc xã Cát Sơn - làm khu căn cứ cách mạng vì có địa hình núi rừng hiểm trở, đảm bảo các yếu tố phòng ngự chiến lược. Tại đây, quân đội Mỹ nhiều lần càn quét, nhưng đều thất bại trước tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân ta.
Khu căn cứ chiến khu xưa giờ trở nên trù phú với những cánh đồng lúa xanh mơn mởn trải dài.
Một thời hào hùng
Tiêu biểu như trận đánh vào đầu tháng 10.1965, khi đó, quân Mỹ dùng hàng trăm lượt máy bay B52, máy bay ném bom và pháo binh bắn vào khu căn cứ; rồi đổ quân chiếm các điểm cao nhằm tiêu diệt lực lượng của ta. Quân, dân ta đã kiên cường bám giữ trận địa, quần nhau với địch liên tục từ ngày 10 - 15.10.1965, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề.
Cũng tại căn cứ Đồi Chè, cuối tháng 3.1971, địch bất ngờ dùng máy bay trực thăng đổ quân xuống các khu cao điểm; đồng thời, chúng ném hàng trăm tấn bom, đạn, chất độc, hơi cay hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta. Suốt 9 ngày đêm, các lực lượng vũ trang của ta đã chiến đấu kiên cường, diệt và làm bị thương hàng trăm tên.
Đại tá Trần Huệ, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, bồi hồi nhớ lại: Khi ấy, tôi là Đại đội trưởng Đại đội An ninh vũ trang, chỉ huy các chiến sĩ bám trụ chiến đấu để bảo vệ hậu cứ. Địch sử dụng các loại pháo hạng nặng, máy bay ném bom cày xới nát vùng Đồi Chè. Thế nhưng, mỗi lần chúng muốn xông lên chiếm điểm chốt chặn đều bị quân ta đánh trả, gây thiệt hại nặng nề.
Khởi sắc
Sau năm 1975, hòa bình lập lại, nhưng chiến khu xưa Cát Sơn còn gặp vô vàn khó khăn, gian khổ, nhất là việc người dân địa phương đối mặt với hiểm nguy do tàng tích của bom, mìn còn sót lại. Trong công cuộc khai hoang, vỡ hóa để phát triển kinh tế, không ít người dân Cát Sơn gánh chịu thương tật hoặc tử nạn do vướng phải bom, mìn.
Khó khăn là vậy, nhưng Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Cát Sơn không hề sờn lòng; họ hăng say lao động sản xuất, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh. Những công sức mà chính quyền và người dân Cát Sơn không ngại hy sinh, gian khổ “gieo trồng” cuối cùng cũng cho “quả ngọt”.
Không phải là ăn cơm mới mà cứ nhắc hoài chuyện cũ, hay là than nghèo kể khổ, nhưng cho đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, người dân Cát Sơn vẫn còn thường xuyên thiếu thốn lương thực, phải chạy ăn từng bữa. Nhắc như vậy để thấy cảnh người dân Cát Sơn nay không chỉ “ăn no, mặc ấm” mà còn “ăn ngon, mặc đẹp” là một bước tiến dài.
Năm 2015, Cát Sơn đạt tổng giá trị sản xuất gần 61.200 triệu đồng, tăng 6.140 triệu đồng so với năm 2014. Tổng thu nhập địa phương đạt 134.210 triệu đồng, tăng gần 33.800 triệu đồng so với năm trước. Thu nhập bình quân đầu người/năm trên 25 triệu đồng, tăng hơn 6 triệu đồng so với năm cũ. Tổng sản lượng lương thực đạt hơn 3.230 tấn; bình quân lương thực đầu người/năm đạt 604 kg.
So với năm 2010, hiện nay, cơ cấu kinh tế của xã Cát Sơn chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Riêng trong năm 2015, giá trị sản xuất trong lĩnh vực này đạt trên 17.400 triệu đồng, tăng 3.115 triệu đồng so với năm 2014.
Hạ tầng nông thôn ở Cát Sơn được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn chỉnh. Những con đường bê tông thẳng tắp trải dài; hệ thống điện phủ khắp đến từng nhà; hệ thống thủy lợi, kênh mương được đầu tư khép kín; các điểm trường học, trạm y tế xây dựng khang trang, tạo nên một Cát Sơn trù phú, đầy sức sống.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND xã Cát Sơn, bộc bạch: “So với những địa phương khác trong huyện, Cát Sơn còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà chúng tôi tự ti, hay ỷ lại cấp trên. Chúng tôi không ngừng phát huy nội lực; đồng thời, tìm hướng đi mới, vận động người dân nỗ lực xây dựng kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.
Mùa màng tươi tốt giúp người dân Cát Sơn có cái Tết đầy đủ, sung túc.
- Trong ảnh: Người dân thôn Hội Sơn thu hoạch ớt vào dịp cuối năm.
Rộn ràng mùa vui
Về Cát Sơn vào những ngày cuối năm Ất Mùi 2015, chúng tôi cảm nhận được không khí Tết đang len lỏi vào từng gia đình nơi đây. Dù bận rộn với công việc đồng áng cuối năm, nhưng người dân vùng chiến khu xưa không quên trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp vườn tược để chuẩn bị đón năm mới.
Đi khắp nơi trong xã, nhà nào chúng tôi cũng bắt gặp những khóm vạn thọ đang đua nhau khoe sắc; tiếng cười nói của người dân hòa lẫn với âm thanh, giai điệu của những ca khúc mùa xuân rộn ràng khắp xóm làng. Trẻ con tung tăng đùa vui khoe quần áo mới; người già khấp khởi đón một cái Tết hứa hẹn đủ đầy và sung túc.
Bà Võ Thị Bảy - người dân ở thôn Hội Sơn - phấn khởi: “Tết nào cũng vui, nhưng Tết năm nay càng vui hơn vì người dân ở đây có được một năm làm ăn khấm khá, được mùa. Lũ nhỏ đã rạo rực đòi ba mẹ mua quần áo đẹp; thanh niên sắm mới, hoặc sửa sang xe máy, trang bị dàn nhạc gia đình... háo hức chờ Tết từng ngày”.
Một mùa Xuân mới đang về trên căn cứ cách mạng Cát Sơn với rất nhiều khởi sắc. Chúng tôi tin rằng, rồi đây, Cát Sơn sẽ không ngừng “vươn mình lớn dậy”, xứng đáng với truyền thống lịch sử một thời gian khổ mà hào hùng.
VĂN LỰC