Bình Ðịnh và... hoa
Tản văn của TRÀ BAN
Cả nước chơi hoa chứ không riêng gì Bình Ðịnh. Nhưng có lẽ cách “chơi” của vùng đất này với hoa thì lạ lắm. Nói là vô cùng lạ cũng không hề quá. Thật!
Bé vui Xuân. Ảnh: NGỌC LỐI
Hoa tặng vợ
Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, sau khi đánh tan tác hơn 20 vạn quân Thanh, có lẽ một trong những việc tiếp theo làm bận lòng người anh hùng lúc ấy là… tìm món quà gì đây để gửi vô Phú Xuân tặng Ngọc Hân - người vợ trẻ đang ngóng tin chồng? Thắng trận xứng tầm với một bậc quân vương, liền ngay đó là một người đàn ông. Mà đàn ông thì nghĩ ngay đến vợ, nhất là vợ vừa trẻ vừa xinh lại vừa tài giỏi.
Bấy giờ, xác giặc còn ngổn ngang gò đống, kinh thành còn nghi ngút bụi tro, gửi quà gì cho vợ lúc này, quả là bài toán khó. Khó ở chỗ, món quà ấy không chỉ đơn thuần là quà, nó còn là một thông điệp báo tin vui cho mọi người ở hậu phương nữa. Cuối cùng thì vua Quang Trung đã chọn cành đào ở làng Nhật Tân làm quà tặng. Cũng là nghe giai thoại kể vậy chớ hồi ấy có phim ảnh gì đâu mà ghi lại để “làm bằng”! Nhưng hậu thế có thể tin rằng, cành đào còn vương mùi thuốc súng ấy là món quà được vị vua trẻ tuổi chọn để gửi tặng vợ mình ở Phú Xuân đang đợi tin chiến trận từng ngày. Cành đào như là một phần của Thăng Long ngày Tết. Nó là biểu tượng của niềm vui và sự thanh bình. Không cần phải báo tin thắng trận, nhận được cành đào là nhận cả một mùa xuân tươi vui rồi. Sau hai ngày vượt qua 36 trạm, cành đào từ Thăng Long đã có mặt trên đất Phú Xuân vào đêm mùng 7 tháng Giêng năm Kỷ Dậu để trao cho Ngọc Hân trong niềm vui òa vỡ. Trong sử sách xưa nay, có lẽ đó là món quà độc đáo nhất của một vị vua tặng vợ mình sau khi thắng trận.
Ảnh: HOÀNG SA
Bảo tồn hoa sim vì… thơ?
Hôm tháng 11 năm rồi, giới văn nghệ Bình Định “phao tin”: vì bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan mà đích thân chủ tịch tỉnh này ra quyết định bảo tồn 300 hecta sim tại huyện An Lão! Mức độ khả tín về lời đồn kia không biết tới đâu, song văn bản để bảo tồn hàng trăm hecta sim tại huyện miền núi này là có thật.
Một nhà thơ sồn sồn có đọc cho con mình câu thơ của một nhà thơ đàn anh mà ông rất thích: “Hoa sim tím quả sim cũng tím/ Đồi treo đầy những túi mật trung du”. Thằng con hỏi: “Túi mật trung du là nó như thế nào bố ơi?”. “Là những trái sim chín mọng ấy mà”. Dễ có đến 90% trẻ con ngày nay không biết trái sim là gì. Vì vậy, nghe người ta khen
câu thơ “Tím cả chiều hoang biền biệt” của Hữu Loan nên chúng cũng… khen kiểu “té nước theo mưa” chứ chẳng thể nào cảm nhận được cái màu tím ấy nó hoang hoải ra sao với anh chàng vệ quốc đoàn khi người mình yêu không còn nữa.
Bảo tồn hàng trăm hecta sim để đón khách du lịch nhằm mang lại nguồn lợi về kinh tế thì rõ rồi, nhưng có lẽ niềm vui của các em học sinh sẽ được nhân đôi nếu như vừa được đặt chân lên vùng trung du xa ngái ấy lại vừa tận mắt chứng kiến những đồi sim bạt ngàn mà lâu nay chúng chỉ biết qua… thơ. Từ những đồi sim ấy, nhất định sẽ không chỉ có sim, mà nhiều hơn sẽ là không gian cảnh quan, là môi trường và có khi sẽ thành một vùng văn hóa chứ chẳng chơi.
Mai vàng. Ảnh: LÊ HOÀNG
Mai chưng trên ghế, hoa mọc trên đồi
Ba năm trước, anh bạn đồng nghiệp từ Sài Gòn về quê Thanh Hóa ăn Tết bằng ô tô riêng nên lần đầu tiên chứng kiến “rừng” mai Bình Định, bày dọc theo quốc lộ 1, vùng An Nhơn, Phù Cát hàng chục cây số. Anh mua một chậu về chưng Tết kèm lời dặn bố sau khi Tết xong: “Bố mang ra vườn, bón phân hai đợt, tưới nước đều, sang năm ắt có hoa”, như cách chỉ dẫn của người bán mai. Người bố làm y lời dặn nhưng Tết năm sau, mai thì còn đó mà chẳng thấy hoa. Nghe đồng nghiệp kể vậy, anh bạn cùng cơ quan, là dân Tuy Phước nói luôn: “Về nói bố cậu để mai trên ghế, hoa sẽ nở quanh năm!”. Anh bạn Thanh Hóa ngơ ngác trước cách nói lái của dân Bình Định.
Cũng nhằm quảng bá cho “mai Bình Định”, nhân ngàn năm Thăng Long, ngành văn hóa có nhã ý mang 1.000 chậu mai ra Hà Nội để “giao lưu” với hoa đào. Kế hoạch không thành, có lẽ cả trăm xe tải cũng không đủ sức để tải từng ấy sự lãng mạn vượt ngàn cây số ra Thủ đổ chỉ để “giao lưu” trong ba ngày Tết rồi thành… củi khô. Thôi thì mai đành ở nhà, đem chưng trên ghế cho nó lành vậy.
Trồng hoa ở công viên, ở đường phố thì nơi nào cũng có nhưng trồng hoa trên núi thì chỉ ở Bình Định. Năm hecta hoa giấy, trồng trên núi Bà Hỏa hẳn hoi. Không phải ngẫu nhiên mà dân Quy Nhơn đặt tên hòn núi ấy là Bà Hỏa. Hèn chi chỉ có gai chà là và đá ở đấy mà thôi. Ý tưởng chọn núi Bà Hỏa để hoa giấy dung thân là cách làm của người Bình Định. Chịu hạn, dễ trồng, không cần chăm sóc, hoa vẫn rực rỡ ngay trong những ngày hè oi bức, đó là hoa giấy. Hoa mai vàng dưới phố, hoa giấy đỏ non cao. Chưa thấy nơi đâu, chơi hoa như người Bình Định. Nhứt hạng!
T.B