Hoài Nhu và chuyện hòa nhập trên đất Mỹ
Tuy không hẳn tiêu biểu cho hành trình của những thanh niên đang tìm đường du học nhưng khó khăn mà Nguyễn Hoài Nhu đối mặt trong những ngày đầu đến Mỹ cũng như nỗ lực vượt qua nó và giành học bổng của ba trường đại học danh tiếng xem ra lại có thể khơi gợi nhiều bài học cho những bạn trẻ đang ước mơ bước chân ra với thế giới rộng lớn bên ngoài.
Cho đến giờ, Nguyễn Hoài Nhu không quên cảm giác khi nhận được giấy báo học bổng nhập học của Đại học Havard và hai trường đại học khác cũng vào hàng đầu của Mỹ. “Cảm giác bay bổng cứ như trong mơ vậy”- Hoài Nhu nói. Mấy ai biết, tám năm trước, Nhu vẫn còn là một cô học sinh phổ thông lớp 7, lần đầu tiên từ Quy Nhơn đặt chân tới Mỹ với bao lạ lẫm. Lạ từ những món ăn, bạn bè, cách sống, suy nghĩ. Vậy mà nay, không chỉ mình Havard, mà có tới ba trường đại học hàng đầu của Mỹ quyết định cấp học bổng toàn phần cho Nhu.
Nguyễn Hoài Nhu
Trúng tuyển bốn trường đại học top đầu của Mỹ
Hoài Nhu theo gia đình sang Mỹ từ năm 2008, giữa khi Nhu đang học lớp 7 Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Quy Nhơn). “Lúc đầu đi học ở Mỹ, mình không bao giờ nghĩ tới việc sẽ có cơ hội được học tại Harvard vì đầu vào rất khó. Thế rồi, đầu năm lớp 9, mình may mắn được học trong chương trình International Baccalaureate - chương trình học bằng tú tài quốc tế nâng cao cho học sinh cấp 3 ở Mỹ. Trong quá trình học, mình được tiếp xúc với nhiều giáo viên giỏi và bạn bè tốt. Đó là động lực để thúc đẩy mình trau dồi và học hỏi nhiều hơn. Tuy vậy, trong hai năm đầu tiên của cấp ba, mình cũng chỉ nghĩ sẽ cố gắng hết sức để có thể vào trường đại học ở cùng tiểu bang Florida - nơi mình đang sống thôi. Đến năm lớp 11, mình bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn và cố gắng phát huy hết khả năng mà mình có trong học tập cũng như công tác xã hội.
Qua kỳ thi SAT (một kỳ thi chuẩn hóa học sinh cấp 3 cần phải tham gia để đăng ký vào trường đại học - P.V), điểm SAT mình đạt được cũng khá cao (2240) nên mình thêm tự tin nộp đơn vào các trường đại học lớn như: Harvard, Yale và Stanford. Mình thấy may mắn khi sự cố gắng và kỳ vọng của mình được đền đáp khi cả ba trường mình nộp đơn đều nhận. Nhưng niềm vui lớn nhất là khi cả ba trường thông báo là mình được học bổng toàn phần trong suốt 4 năm học đại học, mỗi năm gần 72.000 USD và tổng số tiền mình nhận được từ mỗi trường trong 4 năm lên tới 288 ngàn USD”- Nhu kể.
Là học sinh duy nhất của trường trúng tuyển vào bốn trường đại học của Mỹ nhưng Hoài Nhu còn tự hào vì đã thành “valedictorian” của trường cấp ba (học sinh có điểm số cao nhất và là thủ khoa tốt nghiệp của trường).
“Khó nhất là chiến thắng bản thân”
Nhu không thể nói hết những khó khăn trong ngày đầu đến Mỹ. Khó khăn đầu tiên, cũng như bao học sinh hay sinh viên khác, là chuyện bất đồng ngôn ngữ. Ba tháng đầu, khả năng nói và hiểu tiếng Anh của Nhu còn hạn chế so với các bạn cùng lớp. Nếu các bạn Mỹ đọc một cuốn sách trong 1-2 ngày, Nhu phải dành ít nhất 1 tuần mới xong. Nhưng khó khăn lớn nhất với Nhu là học sinh Mỹ vốn rất dạn dĩ và thường xuyên đưa ra ý kiến, cho dù những ý kiến đó có thể không đúng. Còn Nhu, cũng như đa phần học sinh Việt Nam khác, có tâm lý sợ nói sai nên ngại phát biểu. “Cái khó nhất là vượt qua chính mình, nghĩa là vượt qua bản tính ít nói và sự thiếu tự tin”- Nhu nói.
Và Nhu tích cực kết bạn với bạn học cùng trường, cùng lớp; tham gia những hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ như câu lạc bộ toán học; làm tình nguyện ở ngoài trường cũng như tham gia nhiều hoạt động khác như thể thao, nhảy, chơi nhạc cụ, hùng biện... Nhờ vậy, Nhu không chỉ cải thiện được khả năng ngôn ngữ mà dần mạnh dạn lên.
“Bây giờ, nếu mình có thể cho chính mình một lời khuyên và quay lại 8 năm trước, chắc chắn mình sẽ tự khuyên mình nên phát biểu ý kiến và chia sẻ suy nghĩ của mình cả trong và ngoài lớp nhiều hơn. Bất kể suy nghĩ của mình đúng hay không, đó vẫn là cơ hội để trao đổi những suy nghĩ của mình với người khác và là cơ hội để nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh”- Nhu nói.
Hoài Nhu tham gia dạy tiếng Anh ở Nhật Bản mùa hè 2015.
Hãy cứ cố gắng hết mình
Được nhận vào ba trường đại học tốp đầu của Mỹ, cuối cùng, Hoài Nhu chọn Havard bởi ngoài việc ngành khoa học máy tính (Computer Science) ở Đại học Harvard rất tốt, trường còn có nhiều lớp khác để học sinh trau dồi kiến thức xã hội, giúp học sinh sau này ra trường có thêm bản lĩnh để trải nghiệm với nhiều công việc trong cuộc sống.
“Có rất nhiều điều về TP Quy Nhơn mà mình luôn nhớ. Là thầy cô và bạn bè, những người đã dìu dắt và giúp đỡ mình khi mình học tại Trường THCS Lương Thế Vinh. Mình rất yêu và nhớ hương vị những món ăn Quy Nhơn như bún cá Nguyễn Huệ, ốc Mai Xuân Thưởng và bánh hỏi Diên Hồng... Dù nơi mình ở cũng có đồ ăn Việt Nam nhưng mình cảm nhận không nơi nào có các món ăn ngon bằng Quy Nhơn”.
Bây giờ thì Nhu đang học năm thứ ba tại Harvard. Ngoài học, Nhu còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng tình nguyện và ngoại khóa như giúp đỡ và làm bạn với trẻ em bị ung thư, làm người hỗ trợ (mentor) cho các bé lớp ba có hoàn cảnh khó khăn, dạy học miễn phí cho các học sinh lớp dưới và là tình nguyện viên dưới sự hỗ trợ của thị trưởng quận nơi Nhu đang sống…
Khi được hỏi về một lời khuyên cho những bạn trẻ cũng đang nuôi ước mơ du học, Nhu nói: “Mình hy vọng rằng, nếu các bạn có cơ hội được đi du học thì hãy dùng cơ hội này để tìm thêm những cơ hội khác tốt hơn chứ đừng mãn nguyện với những gì bạn có. Và nếu các bạn mơ ước thực hiện điều gì thì hãy cố gắng hết mình để đạt nó. Bởi nếu chẳng may bạn không đạt điều bạn muốn, bạn vẫn có quyền tự hào rằng, mình đã cố gắng hết sức mình.
Nếu các bạn có thời gian ngoài việc học thì hãy tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, đó có thể là nơi bạn tìm thấy thêm những đam mê khác, trau dồi kỹ năng sống cũng như học tập thêm những điều mới mẻ từ những người bạn có cùng sở thích hoặc những anh chị đã có nhiều kinh nghiệm. Tích cực tham gia hoạt động cộng đồng cũng là một yếu tố quan trọng để các bạn có thêm cơ hội khi nộp đơn cho các trường đại học lớn ở Mỹ”.
KHẢI NHÂN