Chuyện ghi ở tâm dịch sốt xuất huyết
Từ năm 2015 đến những ngày đầu năm 2016, TP Quy Nhơn vẫn là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) cao nhất tỉnh. Ở Quy Nhơn, phường Đống Đa là địa bàn nóng nhất, trở thành tâm dịch với số ca bệnh cao và hàng loạt vấn đề trong công tác phòng chống dịch.
Cả năm 2015, toàn tỉnh có 2.726 ca SXH, TP Quy Nhơn “đội sổ” với 828 ca. Ca bệnh SXH ở TP Quy Nhơn tăng nhanh từ tháng 8 và rất nhanh trong tháng 11-12.2015. Chỉ trong 2 tháng cuối năm, toàn thành phố ghi nhận tới 518 ca; và dẫn đầu là phường Đống Đa với 70 ca, trong đó có 1 ca tử vong. Từ đầu năm 2016 đến nay, Đống Đa tiếp tục ở tốp đầu khi có đến 46 ca mắc mới.
Phun hóa chất diệt muỗi tại tổ 36, khu vực 7, phường Đống Đa vào sáng 26.1.
Bọ gậy đủ nơi
Theo Trưởng trạm Y tế phường Đống Đa Trà Văn Trinh, tình hình dịch SXH trên địa bàn đặc biệt phức tạp từ cuối tháng 12.2015. 30 ca bệnh ghi nhận trong một thời gian ngắn đều tập trung ở khu vực 9. Nhiều người dân ở đây dùng lốp xe máy phế thải bỏ chà dụ cá mú trú ẩn để câu. Mùa đông, hơn 700 lốp xe như thế được vớt lên bờ, vứt chỏng chơ ở các bãi đất trống. Thêm vào đó, một số hộ nuôi gà đá chêm máng nước hằng ngày cho gà uống, nhưng không súc rửa. Đây chính là 2 nguồn bọ gậy “khủng khiếp” khiến dịch SXH bùng phát.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của phường đã ra quân quyết liệt, trực tiếp “xăn tay áo” cùng nhân viên y tế, cộng tác viên y tế khu vực cột chùm lốp xe để xử lý. “Tuy nhiên, một số hộ chây ỳ có ý ngăn cản, ngay cả một tổ trưởng dân phố cũng không đồng ý dọn dẹp lốp xe. Chúng tôi phải làm mạnh, định đưa xe tải ra xúc lốp xe đưa đi hủy thì mới giải quyết hết”, bác sĩ Trinh cho biết.
Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khiến SXH bùng phát ở phường Đống Đa. Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Hữu Phúc cho hay, các vũng nước mưa ở nhiều công trình đang thi công chính là những ổ bọ gậy khó đối phó. Địa bàn rộng, nhiều tuyến đường có lắp hố ga ngăn mùi kiểu mới cũng là nơi sinh sôi nảy nở bọ gậy. Từ 19 đến 21.1, cán bộ y tế phường đã chia thành 5 nhóm xử lý hóa chất bằng thuốc Abate 1SG cho 878 hố ga có bọ gậy trên 56 đoạn đường.
Xe tuyên truyền lưu động về phòng chống SXH trên địa bàn phường Đống Đa ngày 26.1.
Người dân vẫn thờ ơ
Dù số ca mắc tăng cao và đã có tử vong, nhưng ý thức của người dân trong công tác phòng chống SXH vẫn rất hạn chế. Ngay trong đợt phun hóa chất diệt muỗi được triển khai ở cả 13 khu vực, 32 hộ dân ở tổ 28, khu vực 6 và 2 hộ ở khu vực 5 không hợp tác. Trưởng trạm Trà Văn Trinh phải đến hiện trường, đề nghị khu vực trưởng lập biên bản các hộ không cho phun, báo về UBND phường và Ban chỉ đạo phòng chống dịch, nếu có ai trong khu vực mắc SXH sẽ chịu trách nhiệm. Đến lúc này, các hộ mới mở cửa cho phun, chưa cần đến hỗ trợ của Công an và Tư pháp phường.
Ngay tại khu vực 9, địa bàn nóng nhất, khi tổ diệt bọ gậy hướng dẫn xong thì có đến 9 hộ còn nguyên lu thạp chứa bọ gậy, bởi chủ nhà chỉ “gật gù” cho xong chuyện. Trạm Y tế phải phối hợp với cán bộ khu vực tự tay đi đổ, dọn dẹp. Không khó để nhận ra sự thờ ơ của người dân khi trực tiếp tham gia đợt phun hóa chất diệt muỗi tại tổ 36 khu vực 7 vào sáng 26.1. Chỉ trong 1 tuần, địa bàn này có 2 ca mắc mới nên phải xử lý hóa chất ngay, dù được thông báo trước nhưng vẫn có nhiều nhà kín cổng cao tường. Nhiều người xua tay nói bâng quơ: “Trời mưa lạnh mà, muỗi đâu nữa mà phun”, đoạn nhanh nhảu khép cửa.
Tại nhà số 12/26 đường Phùng Khắc Khoan, cụ ông Nguyễn Ngân lắc đầu quầy quậy khi được yêu cầu mở cổng cho máy phun hóa chất vào nhà. Bà Phan Thị Kim Tơ, cộng tác viên y tế khu vực hết lời ngọt nhạt phân tích nhưng không ăn thua. Phải đến khi ông Trinh đến đòi lập biên bản, ông Ngân mới miễn cưỡng mở cổng. Ông Nguyễn Thanh Hương, người dân tổ 36, thẳng thắn: “Phun hóa chất diệt muỗi mà nhà phun nhà không, muỗi nhà này bay qua nhà khác thì cũng bằng không!”.
“Chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh, thành phố chỉ đạo sát sao, quyết liệt đến cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, hội đoàn thể các phường, xã phải có biện pháp xử lý nghiêm túc khi phát hiện ổ bọ gậy trong nhà của đảng viên, học sinh, hội viên phụ nữ, thanh niên, nông dân, cựu chiến binh... Có vậy mới đạt được mục tiêu diệt bọ gậy trong từng gia đình, dịch SXH mới được đẩy lùi”, ông Trinh khẳng định.
NGUYỄN VĂN TRANG