Bệnh trĩ - nguyên nhân chính là táo bón
Bệnh trĩ là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn. Bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn. Bệnh tuy ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nặng nề nên bệnh nhân thường bỏ qua; bệnh ở vùng kín đáo nên bệnh nhân thường ngại khám, nhất là phụ nữ.
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh trĩ là người bệnh thường xuyên bị táo bón, đi đại tiện lâu, phân khô cứng, buồn mà không đi được, phải rặn mạnh hoặc một vài ngày mới đi đại tiện một lần. Khi đại tiện, người bị táo bón phải dùng sức để rặn đẩy phân ra ngoài. Việc rặn này sẽ gây ra áp lực xuống trực tràng và đoạn cuối vùng lược. Sự cọ xát lâu ngày giữa phân và phần nối tiếp giữa trực tràng và hậu môn khiến phần này phình to sau mỗi lần đi đại tiện. Lâu dần các tĩnh mạch vùng này bị giãn và phình lớn tạo nên những búi trĩ gây đau đớn và chảy máu cho người bệnh, thậm chí là nứt kẽ hậu môn khiến vùng hậu môn bị tổn thương nặng nề.
Thêm một nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ là do ăn ít chất xơ (có thể thu nạp qua trái cây và rau xanh, ngũ cốc, các loại đậu, đỗ, khoai lang, đu đủ...). Phụ nữ sinh nhiều con cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh trĩ. Áp lực lên bụng được tăng lên trong khi mang thai làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch hậu môn và những cố gắng trong khi sinh con cũng gây nhiều sức căng lên các tĩnh mạch này…
Đáng chú ý, có một số trường hợp mắc bệnh trĩ nặng nề nhưng không đến bệnh viện khám, điều trị mà tự ý đến thầy lang để điều trị bằng cách bôi lá, thuốc không rõ nguồn gốc khiến cho vùng hậu môn càng bị lở loét, hoại tử nặng nề, gây khó khăn cho điều trị. Có nhiều trường hợp phải đưa ruột ra để làm hậu môn tạm, sau khi phía dưới điều trị tạm ổn mới mổ đóng hậu môn tạm lại. Tuy nhiên, với những trường hợp như thế thường để lại di chứng rất nặng như xơ hẹp hậu môn gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chính vì vậy, khi có các dấu hiệu sau nên đi khám:
- Chảy máu: Lúc đầu chảy máu rất kín đáo, tình cờ bệnh nhân phát hiện khi nhìn vào giấy chùi vệ sinh sau khi đại tiện hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn. Về sau mỗi khi đại tiện phải rặn nhiều do táo bón thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Muộn hơn nữa, cứ mỗi lần đại tiện, mỗi lần đi lại nhiều, mỗi lần ngồi xổm máu lại chảy. Có khi máu chảy rất nhiều bắt bệnh nhân phải vào cấp cứu. Đôi khi máu từ búi trĩ chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng rồi sau đó mới đi cầu ra nhiều máu cục.
- Sa búi trĩ: Thường xảy ra trễ hơn sau một thời gian đi đại tiện có chảy máu, lúc đầu sau mỗi khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, sau đó khối đó tự tụt vào được. Càng về sau khối lồi ra đó to lên dần và không tự tụt vào sau khi đại tiện nữa mà phải dùng tay nhét vào. Cuối cùng khối sa đó thường xuyên nằm ngoài hậu môn. Búi trĩ có thể tắc mạch gây đau nhức hoặc loét rỉ máu rỉ dịch, thậm chí hoại tử.
BS PHẠM VĂN PHÚ