Tâm tình Nghệ nhân ưu tú
Sở VH-TT&DL vừa trang trọng tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 18 nghệ nhân ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Các nghệ nhân đã bày tỏ niềm xúc động trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng thời chia sẻ những tâm tình, trăn trở về bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà mình đã dành trọn cuộc đời cống hiến.
Nghệ nhân ưu tú Đinh Chương (77 tuổi, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh; lĩnh vực trình diễn nhạc cụ dân tộc Bana K’riêm):
Bên cạnh niềm vui đón nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, là nỗi niềm trăn trở trước thực tế ngày càng mai một bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh nói chung. Nếu chúng ta không có những biện pháp cương quyết, phấn đấu thực hiện thì tôi cho rằng độ khoảng 5 năm nữa sẽ mất dần các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào. Hiện nay, lớp trẻ người dân tộc thiểu số từ 15 - 20 tuổi ở nhiều làng của huyện Vĩnh Thạnh không biết đánh chiêng, không muốn hát dân ca tiếng Bana, mặc trang phục truyền thống...
Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Để khắc phục được tình hình này, thì không chỉ riêng ngành văn hóa, mà cần có sự quan tâm của các sở, ban, ngành và Đảng ủy, chính quyền địa phương để xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Tôi mong muốn cùng với một số nghệ nhân có sự am hiểu, uy tín khác hằng năm đi đến các xã, các làng để nắm bắt tình hình và tuyên truyền vận động, truyền dạy cho bà con, nhất là lớp trẻ người dân tộc thiểu số ý thức giữ gìn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Để thực hiện điều này, cũng mong được sự quan tâm hỗ trợ của UBND huyện, Trung tâm VH-TT-TT, Phòng VH-TT huyện Vĩnh Thạnh.
Nghệ nhân ưu tú Hồ Thanh Long (67 tuổi, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước; lĩnh vực lễ hội truyền thống, trình diễn hát múa bả trạo):
Ở thôn tôi có sẵn truyền thống nên nhiều người trẻ đến xin vào đội bả trạo, tạo điều kiện để tôi cùng với một số người tâm huyết khác tuyển chọn, tập luyện duy trì chất lượng ổn định của đội bả trạo. Tôi mong muốn các địa phương ven biển khác trong tỉnh cũng vận động được lực lượng trẻ tham gia tập luyện, biểu diễn bả trạo. Bởi có những nơi chưa làm được điều này, như ở khu 1 TP Quy Nhơn có mời tôi đến hướng dẫn tập luyện để lập đội bả trạo, nhưng cuối cùng không tìm được đủ người nên chưa thực hiện được.
Mỗi đội chèo bả trạo ở mỗi địa phương đều có những nét riêng do tiền nhân trước kia dàn dựng dựa vào thực tế ở địa phương. Vì vậy, tôi cho rằng chất lượng sẽ nâng cao nếu ngành văn hóa tập hợp tất cả đội bả trạo trong tỉnh cùng giao lưu, trao đổi và thống nhất dàn dựng một bài bả trạo mang đặc trưng riêng, đặc sắc của Bình Định để biểu diễn thống nhất tại các lễ hội cầu ngư trong tỉnh.
Nghệ nhân ưu tú Hà Thị Hạnh (50 tuổi, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn; lĩnh vực trình diễn nghệ thuật tuồng):
Cùng với 4 diễn viên các đoàn tuồng không chuyên được công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, tôi thực sự xúc động. Được vinh danh rồi, tôi lại thấy trách nhiệm nặng nề hơn trước thực tế thế hệ diễn viên trẻ kế cận hiện nay rất khó tìm. Để trở thành diễn viên tuồng, ngoài đam mê phải chịu khó khổ luyện lâu dài, nên các em, các cháu hiện nay khó mà dấn thân trong tình hình mai một, theo nghề không đủ sống.
Các nghệ nhân chúng tôi luôn trăn trở, tâm huyết đối với việc truyền dạy, gầy dựng lớp diễn viên kế cận giữ gìn nghệ thuật tuồng Bình Định đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng “lực bất tòng tâm” nên rất cần các cấp lãnh đạo, ngành văn hóa có những hình thức tổ chức hoạt động, hỗ trợ như thế nào để thu hút được những người trẻ hiện nay luyện tập và gắn bó với tuồng. Có như vậy thì chúng tôi mới có cơ hội truyền dạy.
Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Đào (92 tuổi, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn; lĩnh vực nghệ thuật bài chòi dân gian):
Nhớ nghề nên năm ngoái khi đã 91 tuổi, tôi vẫn giấu con cháu một thân một mình đi hô bài chòi tại một số chợ ở Phù Cát, Phù Mỹ. Tôi chỉ hát các tuồng xưa tích cũ vậy mà vẫn thu hút đông già trẻ, nam nữ đến nghe. Nhiều người bán hàng còn nói cụ cứ ngồi một chỗ ngay gian hàng của con mà hô hát. Sau hai ngày đi hô bài chòi, tôi được thưởng tiền hơn 2 triệu đồng. Điều này làm tôi hết sức xúc động, nhận ra bài chòi dân gian hiện nay vẫn chưa bị quên lãng, mà vẫn được người dân quê đón nhận nồng nhiệt. Có khả năng Tết đến, tôi lại đi hô bài chòi phục vụ bà con.
Được phong tặng Nghệ nhân ưu tú, tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm với môn nghệ thuật này, nên mong muốn được ngành văn hóa tạo điều kiện, cơ hội để biểu diễn phục vụ thêm nhiều người và đem tất cả những gì mình biết về bài chòi cổ truyền dạy cho lớp trẻ.
HOÀI THU (ghi)