Luận về “nhá đòn” và “trở bộ” trong võ Bình Định
Khi luận về hai động từ “nhá đòn”và “trở bộ”trong võ Bình Định, xin được khu biệt phạm vi nghiên cứu nội hàm trong không gian trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện hữu và khoảng thời gian từ thời phong trào nông dân Tây Sơn.
“Tầm chương trích cú” trong nhiều pho Đại Từ điển tiếng Việt hiện có, chúng tôi chưa tìm thấy một định danh về từ loại và cắt nghĩa cụ thể cho hai từ “nhá đòn” và “trở bộ”. Đặc điểm nổi bật của võ cổ truyền Việt Nam là võ trận, được trui rèn qua hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, nên chưa dám quả quyết “nhá đòn” và “trở bộ” là võ pháp chỉ có trong võ Bình Định. Song điền dã thực tế qua nhiều lò võ trên địa bàn Bình Định, trực quan chúng tôi nhận thấy, ngay từ khi mới nhập môn luyện các thế, các bộ, hầu như môn sinh nào của môn phái võ Bình Định cũng ít nhiều được các thầy võ nói đến “nhá đòn” và “trở bộ”.
“Nhá đòn” sơ hiểu là đòn đánh nhá, mục tiêu nhằm thăm dò đối thủ ra ngón đòn gì để từ đó quyết định ra những đòn chắc đánh chắc thắng. “Nhá đòn” còn mang nội hàm là đòn nghi binh - cài thế trước khi ra đòn thật. “Trở bộ” sơ hiểu là thay đổi “bộ” trong tấn công và thủ thế khi giao đấu. Bởi đối phương có thể ra nhiều ngón đòn khôn lường, nếu không “trở bộ nhanh” sẽ dính đòn. Tóm lại, “nhá đòn” và “trở bộ” là võ pháp đòi hỏi sự mưu lược, nhanh đòn và biến ứng trí tuệ của võ sĩ theo môn phái võ Bình Định.
Hoàn toàn thuần Việt, cô đúc, chuẩn xác, có nội hàm khái quát cao, hai động từ “nhá đòn” và “trở bộ” nếu không khởi sinh thì cũng được hun đúc từ đất võ Bình Định. Luận trên phương diện từ vựng, “Nhá đòn” - “Trở bộ” đã bổ sung cho kho tàng tiếng Việt hai từ mang tính thuật ngữ võ học của một môn phái, song đã được vận dụng và thể hiện thành “Binh lược” trong “Binh thư” của lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
TS PHAN TRỌNG HẢI