Những cuộc “kết duyên” trong khoa học
22 năm làm nên 11 cuộc Gặp gỡ Việt Nam (GGVN), với sự tham dự của hàng ngàn nhà khoa học quốc tế. 5 năm về Bình Ðịnh, 5 lần “Gặp gỡ” với hơn 2.300 nhà khoa học quốc tế. Hành trang dày dặn ấy chứa đựng nỗi niềm “đau đáu” của những người đi tìm con đường để Việt Nam “nối duyên” với khoa học thế giới.
Các nhà khoa học quốc tế tham dự GGVN lần thứ XI tại Bình Định.
Đến và trở về…
Tháng 8.2015, TP Quy Nhơn diễn ra nhiều sự kiện hội nghị của GGVN lần thứ XI, các cuộc làm việc, tiếp xúc với công chúng của 3 giáo sư (GS) đoạt các giải thưởng quốc tế danh giá. Đó là nữ GS gốc Việt Lưu Lệ Hằng - người được trao 2 giải thưởng Kavli và Shaw năm 2012, được so sánh như giải thưởng Nobel thiên văn (lĩnh vực này không có giải Nobel); GS George Fitzgerald Smoot - đoạt giải Nobel Vật lý năm 2006, GS Jerome Friedman - đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990.
Họ đã có mặt ở TP biển Quy Nhơn. Người dân Quy Nhơn có dịp được nhìn thấy những nhà khoa học quốc tế thích thú khi đặt chân trên chiếc xe buýt, được uống cà phê và được trao đổi rất thoải mái về khoa học, về những chuyện “trên trời dưới biển” của họ trong diễn đàn, bên lề hội nghị, hay tranh thủ giữa những buổi ăn trưa... Thật đời thường và thân thiện!
GS George Smoot - đoạt giải Nobel Vật lý 2006 - giao lưu với học sinh ưu tú Việt Nam và Bình Định, trong lần thứ hai ông về Bình Định tham dự chương trình GGVN lần thứ XI.
Lần thứ hai đến với Bình Định, lúc thư thái nhất là khi GS George Fitzgerald Smoot ngồi nhìn về phía cây cầu, dòng nước chảy ở Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành. Vị GS năm nay đã ở tuổi xưa nay hiếm khiến chúng tôi xúc động khi ông dùng từ “trở về Bình Định” thật tự nhiên, gần gụi, như khi ông nói về quê hương của mình.
Còn nữ bác học Lưu Lệ Hằng - không chỉ ghi dấu bằng những giải thưởng cao quý mà họ của bà còn được đặt tên cho một thiên thạch Asteroid 5430 Luu - cũng gọi đây là sự trở về đầy cảm xúc. Năm 1995, trong chương trình GGVN được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Lưu Lệ Hằng - khi ấy vẫn còn rất trẻ và chưa có danh tiếng - trình bày khám phá về Vành đai Kuiper. Nghe xong mọi người cũng chỉ cười, vỗ tay, chứ chẳng mấy hình dung ra được điều Lưu Lệ Hằng nói. 20 năm sau, chị về Bình Định, với GGVN lần thứ XI khi công trình ấy đã được thế giới vinh danh bằng 2 giải thưởng. Một sự trùng hợp hiếm có.
Không kể nữ bác học Lưu Lệ Hằng, bao nhiêu lần GGVN được tổ chức thì có bấy nhiêu sự góp mặt của những nhà khoa học Việt Nam đình đám trên thế giới, như nhà vật lý trẻ Đàm Thanh Sơn, GS Trịnh Xuân Thuận, GS Phạm Quang Hưng…
GS Lưu Lệ Hằng (thứ 2, bên phải) về Bình Định, tham dự GGVN lần thứ XI.
Những người đi “nối duyên”
Có một điều ít ai biết rằng, năm 2016 là thời điểm khoa học thế giới vinh danh 50 năm người đi “nối duyên” cho khoa học - GS Trần Thanh Vân. 50 năm thiết lập các mối quan hệ, tình cảm và sự tin cậy với các nhà khoa học quốc tế từ khi họ còn trẻ, chưa có danh tiếng. “Tình nghĩa bạn bè giữa chúng tôi rất sâu đậm. Nhưng cũng phải nói rằng, các chương trình hội nghị khoa học tại Việt Nam cũng phải hấp dẫn, có chất lượng. Bởi vì các GS Nobel rất bận, họ được mời đi khắp nơi trên thế giới. Nếu mình tổ chức một chương trình mà hàm lượng khoa học không cao thì họ sẽ cân nhắc” - GS Trần Thanh Vân chia sẻ.
Nhìn lịch làm việc dày đặc, đắn đo khi nhận lời phỏng vấn, hay những cuộc gặp mặt ngắn ngủi hiếm hoi với ông ngay tại Quy Nhơn cho tôi cảm giác ông đang tìm mọi cách đưa hết cả “kho tàng tình nghĩa bạn bè” đến với Việt Nam. Cảm giác như khi ông ra đi thì tất cả những điều ấy sẽ biến mất, nên còn sức lực thì ông còn cố gắng làm.
Mời gọi các nhà khoa học ấy về Việt Nam giống như mời khách sang về chơi nhà còn khó vậy. Việt Nam mình còn nghèo, con cháu không đủ tiền để xây một ngôi nhà đẹp mời khách đến chơi. Thôi thì, mình xây một phòng khách nhỏ thôi, nhưng phải đủ đẹp để mời khách đến. Khách đến được rồi, khách sẽ giúp chúng ta xây một ngôi nhà hoàn chỉnh!
GS Trần Thanh Vân
Mỗi năm một hai chuyến về quê, còn kênh làm việc hằng ngày trực tiếp với ông là anh Trần Thanh Sơn - thư ký của GS Trần Thanh Vân tại Việt Nam. Bây giờ, Tổ hợp không gian khoa học vẫn đang tiến hành đúng lộ trình. GS lại tổ chức đoàn tình nguyện viên đi các nước để tìm đối tác hỗ trợ, giúp đỡ cho dự án Tổ hợp không gian khoa học. Rồi đầu tháng 12.2015, hoạt động đào tạo nhân lực trình diễn cho tổ hợp cũng được khởi động… Rồi kế hoạch tổ chức GGVN lần thứ XII vào năm tới, với 1.600 nhà khoa học quốc tế tham dự 11 hội nghị khoa học. Đến nay, đã có 5 nhà khoa học đoạt giải Nobel chắc chắn đến Bình Định, trong đó có GS Takaaki Kajita (Nhật Bản) - một trong 2 tác giả đoạt giải Nobel Vật lý năm 2015. Còn những “người quen” của GGVN như GS George Smoot, GS Jerome Friedman, GS Lưu Lệ Hằng cũng đã có cái hẹn về... Bình Định.
Ăm ắp, ngồn ngộn những kế hoạch, hoạt động khoa học để mở đường cho khoa học Việt Nam đến gần với khoa học quốc tế, mở đường cho những nhà khoa học trẻ… GS Trần Thanh Vân quan niệm, những người trẻ là những người của tương lai. Tổ chức hội nghị không phải để chỉ có những người có danh tiếng đến, vì những người danh tiếng đã là của quá khứ, mà chúng ta cần cho tương lai. Và, càng nhiều cuộc gặp gỡ càng tốt, cơ hội “nên duyên” sẽ càng lớn. Ông ví von: “Mời gọi các nhà khoa học ấy về Việt Nam giống như mời khách sang về chơi nhà còn khó vậy. Việt Nam mình còn nghèo, con cháu không đủ tiền để xây một ngôi nhà đẹp mời khách đến chơi. Thôi thì, mình xây một phòng khách nhỏ thôi, nhưng phải đủ đẹp để mời khách đến. Khách đến được rồi, khách sẽ giúp chúng ta xây một ngôi nhà hoàn chỉnh!”.
Trong ý tứ của ông, chúng tôi hiểu ông đang muốn nói về những dự án khoa học đang thành hình tại Quy Nhơn và những người đã, đang đi cùng ông trên con đường đầy ý nghĩa, nhưng cũng lắm gian nan, khó nhọc này. Đó không chỉ là những “người bạn lớn”, mà còn là những câu chuyện hưởng ứng tích cực của lãnh đạo Trung ương, tỉnh Bình Định và TP Quy Nhơn.
Những dấu nối và mắt xích quan trọng ấy là cơ sở để nỗ lực đưa khoa học Việt Nam đến gần khoa học thế giới sẽ trở thành hiện thực…
mai hoàng