Hát cho dân tôi nghe
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền văn hóa (TTVH) ở cơ sở, những năm qua, Ðảng ủy - Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa ở khu vực biên giới biển, đảo của tỉnh. Hoạt động này góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo của Tổ quốc.
Để làm tốt công tác trên, hàng năm, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định phối hợp với Sở VH-TT&DL chỉ đạo Đội TTVH Bộ đội Biên phòng và Đội tuyên truyền lưu động Trung tâm văn hóa tỉnh xây dựng các chương trình phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở 253 thôn, khu phố ven biển thuộc 33 xã, phường (ở 5 huyện, thành phố) trong tỉnh, kết hợp tuyên truyền ngư dân vươn khơi bám biển, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng điểm sáng văn hóa, ANTT khu vực ven biển.
Liên khúc hát múa “Đi theo tiếng gọi Bác Hồ” của Đội TTVH Bộ đội Biên phòng tỉnh biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.
Đa dạng sắc màu
Hàng năm, hai đơn vị phối hợp tổ chức 5 - 6 đợt (mỗi đợt ít nhất 4 đêm diễn) tuyên truyền tại các xã, phường ven biển, thu hút đông đảo quần chúng các địa phương ven biển, đảo đến xem. Để bà con và các chiến sĩ vùng biển được thưởng thức chương trình biểu diễn sinh động, những người làm chương trình đều cố gắng lồng ghép nhiều thể loại: ca, múa, kịch thông tin tuyên truyền.
“Tôi mong muốn các chương trình như thế này được duy trì và tăng suất biểu diễn để bà con dân biển chúng tôi được nâng cao nhận thức về pháp luật, nhất là Luật biển, góp phần xây dựng quê hương”
Với kịch thông tin, trong những chương trình mà hai đơn vị đã phối hợp tổ chức phục vụ nhân dân, không thể không kể đến vở kịch “Vòng tay của biển” (tác giả: NSƯT Tấn Hào). Đó là câu chuyện về những ngư dân đánh bắt vi phạm lãnh hải, bị chính quyền nước ngoài xử lý, trở về trắng tay nên chán nản, bỏ biển, được Bộ đội biên phòng đến tuyên truyền về pháp luật và động viên họ tiếp tục bám biển, vay vốn theo Nghị định 67 và Nghị định 89 của Chính phủ để đóng tàu mới. Với lối diễn xuất tự nhiên của các diễn viên, sự đan xen giữa kịch thông tin tuyên truyền và các làn điệu dân ca, bài chòi, vở kịch đã giúp cho ngư dân hiểu biết về Luật biển qua những câu hát dễ hiểu dễ nhớ và truyền miệng: Chủ quyền của mỗi quốc gia/ Ranh giới lãnh hải đã nêu rõ ràng/ Phải cần nhận thức kỹ càng/ Vươn khơi bám biển mới vững vàng bền lâu….
Cũng có những chương trình, ngoài lực lượng “chính quy” kể trên, còn có sự tham gia của đội văn nghệ địa phương. Phải hòa mình vào các chương trình tuyên truyền như thế này mới cảm nhận được sức “nóng” từ các tiết mục của hạt nhân văn nghệ địa phương cũng hấp dẫn khán giả không kém các tiết mục chính của chương trình. Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Thắm đượm tình dân
Những đêm diễn của đội tuyên truyền luôn thu hút khán giả đến rất sớm. Ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, người dân tập trung chật cả sân trường để xem văn nghệ. Đêm diễn tại xã Mỹ An, Phù Mỹ, dù trời đổ mưa nhưng khán giả vẫn khoác áo mưa ngồi im ắng, chăm chú xem. Nhiều em nhỏ mắt không rời sân khấu, nhún nhảy theo nhạc.
Anh Nguyễn Văn Bằng, ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, nhận xét: “Khi xem chương trình văn nghệ của Bộ đội biên phòng và Trung tâm văn hóa tỉnh về diễn, tôi thấy rất hay và có ý nghĩa. Tôi mong muốn các chương trình như thế này được duy trì và tăng suất biểu diễn để bà con dân biển chúng tôi được nâng cao nhận thức về pháp luật, nhất là Luật biển, góp phần xây dựng quê hương”.
Thượng tá Nguyễn Bá Bình, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Bình Định, chia sẻ: “Rất mừng vì chương trình lưu diễn hàng năm đã được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ, các địa phương, đơn vị tạo điều kiện để khâu tổ chức được suôn sẻ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp đưa ra nhiều kịch bản chương trình mới, đa dạng về thể loại, linh hoạt, gần gũi hơn để có thể phục vụ hiệu quả hơn quần chúng nhân dân ở cả các tuyến trung du, miền biển, miền núi”.
CÔNG CƯỜNG