Ký ức về vị tướng của nhân dân
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ở tuổi 84, đại tá Tăng Xuân Ngọc (quê xã An Hòa, huyện An Lão, hiện ở 36 Ngô Thời Nhiệm, TP Quy Nhơn), nguyên Trưởng Phòng Quân báo, Binh đoàn Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, vẫn lưu giữ vẹn nguyên những ký ức xúc động về Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh tối cao của QÐND Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Viện Nghiên cứu nông nghiệp Trung ương và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ của Viện.
- Trong ảnh: Bà Trần Thị Huệ, vợ của CCB Tăng Xuân Ngọc, đứng bên tay phải của Đại tướng. ẢNH TƯ LIỆU DO GIA ĐÌNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
Đại tá, CCB Tăng Xuân Ngọc kể, trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, ông có rất nhiều kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc về đức độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khoảng thời gian từ năm 1959, ông làm việc tại Ban công tác Lào của Trung ương (CP31), với nhiệm vụ trực ban thông tin, nên có dịp được tiếp xúc trực tiếp với Đại tướng, lúc là trình điện mật các nơi báo về, lúc thì báo cáo tình hình địch ở Lào. Giai đoạn này có một câu chuyện làm ông nhớ mãi.
“Tại phòng làm việc của Đại tướng ở số 30 đường Hoàng Diệu, Hà Nội, một lần, khi tôi và anh Văn đang làm việc thì cận vệ của Đại tướng vào báo cáo có đồng chí phó chủ tịch phường xin vào làm việc. Anh Văn bảo tôi xếp bản đồ sang bên kia chờ một chút. Tôi thấy anh Văn đi thay bộ quân phục đàng hoàng như tiếp khách Nhà nước rồi mới cho mời đồng chí phó chủ tịch phường vào làm việc (thường khi làm việc với chúng tôi, Đại tướng mặc đồ trong nhà, áo cổ vuông). Tôi thắc mắc: “Là anh em ở phường đến, anh mặc thế tiếp cũng được chứ?”. Sau khi khách đi, anh Văn nói với tôi: “Họ đến để hỏi về giấy tờ cho cháu vào học lớp 1. Mình tiếp họ với tư cách là công dân tiếp đại diện chính quyền, nên phải tôn trọng, không lôi thôi được”. Lần ấy, tôi đã học được một bài học sâu sắc về cung cách làm việc”.
Đến bây giờ, bà Trần Thị Huệ, vợ của CCB Tăng Xuân Ngọc, vẫn còn đầy cảm xúc khi nhớ về chuyến công tác đặc biệt của chồng giữa năm 1961. Cưới nhau năm 1958, thời gian hai vợ chồng ở bên nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay, thấu hiểu công việc của chồng nên bà luôn động viên ông hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng giao phó.
“Lúc này, tôi đang học ở Học viện Nông Lâm Hà Nội thì Ban giám hiệu xuống lớp thông báo có người đến đón cô. Gặp tôi, đồng chí thư ký riêng của Đại tướng nói, anh Văn cử tôi đến đón cô ra sân bay để tiễn anh nhà. Lúc này, tôi bất ngờ và hơi lo, vì trước giờ, mỗi khi chồng đi công tác, tôi chưa lần nào đưa tiễn; vả lại, mỗi khi ông ấy đi tôi cũng không hề biết. Ngồi trên xe, tâm trí tôi cứ lo nghĩ về công việc của chồng. Khi đến sân bay Gia Lâm, tôi lặng người khi nhìn thấy chồng mình trong bộ quân phục phi công ngụy. Tôi cũng không kịp nghĩ gì, chỉ cảm nhận được niềm tin từ bàn tay của chồng đặt trên vai mình và nhìn theo bước chân chồng lên máy bay AN26 của Liên Xô. Tôi cũng không biết chồng mình đi đâu, trong khi đứa con trai đầu vừa tròn 1 tuổi”.
Đại tá, CCB Tăng Xuân Ngọc lần giở lại những giấy tờ, hình ảnh cũ gắn với đời binh nghiệp nhiều kỷ niệm đáng nhớ của mình. Ảnh: THIÊN PHÚ
Khi được hỏi về chuyến đi này, ông Ngọc nhớ lại: “Tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Chính Giao (Phó ban thường trực Ban công tác Lào Trung ương), bèn mượn xe đạp đến ngay Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ). Tôi lên phòng làm việc nhỏ trên gác 2, đã thấy Đại tướng và anh Giao đang ngồi chờ. Đại tướng nói: “Tình hình ở cánh đồng Chum (Lào) đang diễn biến rất xấu. Mỹ giật dây bọn phỉ, đảo chính khống chế KoongLe, bắt một số chuyên gia Việt Nam, anh Chu Huy Mân và anh Hoàng Sâm bị chúng cô lập, khống chế bộ phận điện đài, thông tin bị mất liên lạc; chúng khống chế đường băng bằng trận địa pháo 37 ly, tình hình rất nguy cấp”.
Đại tướng giao nhiệm vụ cho đại tá Tăng Xuân Ngọc đi máy bay qua cánh đồng Chum (Lào) gặp ngay đồng chí Chu Huy Mân và Hoàng Sâm, truyền đạt chủ trương và chỉ đạo xử lý của Bộ Chính trị để giải quyết tình hình. Đại tướng nói: “Khi cậu bay sang đến nơi, quan sát nếu thấy trận địa pháo không quay nòng theo máy bay thì cậu hạ xuống đường băng, còn thấy nòng pháo quay theo thì cậu bảo tổ lái bay lên hướng Bắc cách 7km rồi nhảy dù xuống, tìm gặp anh Mân”. Khi giao nhiệm vụ, Đại tướng không cho ông Ngọc ghi chép, chỉ nhớ thuộc lòng.
“Giao xong nhiệm vụ, anh Văn hỏi tôi có đề nghị gì không. Tôi xin Đại tướng về trả xe và lấy quần áo, Đại tướng bảo: “Xe đạp để đây có người trả, quần áo đã có người chuẩn bị, cậu xuống thay đồ rồi đi”. Thấy tôi có gì đó ngập ngừng, anh Văn nói: “Chắc cậu muốn gặp cô ấy một tý chứ gì? Cô ấy đang học ở Học viện Nông Lâm phải không?”… Tôi mỉm cười rồi chào Đại tướng để đi. Ra cửa, anh Văn còn dặn với theo: “Mình cho anh em chuẩn bị mấy suất ăn. Lên máy bay, khi ổn định độ cao, thì lấy ra mời mấy anh em phi công Liên Xô cùng ăn”.
Sau chuyến công tác thành công, đồng chí Giao gặp tôi tâm sự: “Chuyến đi của cậu, anh Văn nói rất nguy hiểm, khả năng 2/3 cậu sẽ hy sinh”.
Trong câu chuyện kể với chúng tôi, đại tá Tăng Xuân Ngọc đã không kiềm chế được cảm xúc và có lúc òa khóc, vì đối với ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một người anh, một người thân ruột thịt trong gia đình.
Giờ đây, CCB Tăng Xuân Ngọc đang dành thời gian viết hồi ký, như đó là cách để ông tìm về những ký ức không thể nào quên trong những năm tháng được may mắn làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
THIÊN PHÚ