Phi công trẻ của “chim thần” Su-27
Trung đoàn Không quân 925 (Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không - Không quân), những ngày giáp Tết, các phi công thế hệ 8x, 9x của các phi đội Su-27 vẫn đang tích cực luyện tập và xuất kích làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, trinh sát, tuần tiễu vùng biên giới, vùng biển, đảo xa của Tổ quốc.
1.
Sinh năm 1986, đại úy phi công Đỗ Ngọc Trường (quê ở Thanh Hóa), Phó phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 925, là một trong những phi công trẻ có nhiều giờ bay an toàn trên máy bay Su-27, với các bài bay khó, như: Bay ngày, bay đêm, bay khí tượng phức tạp, bay ném bom trên biển, bay nhào lộn ở độ cao thấp…
Bởi nghề chọn mình, nên phi công trẻ chúng tôi luôn cố gắng học tập nắm vững khoa học kỹ thuật, đặt nhiệm vụ huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay lên hàng đầu. Từ đó mới có thể làm chủ máy bay, vũ khí trang bị kỹ thuật, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Sau 5 năm rưỡi được đào tạo phi công phản lực tại Trường Sỹ quan không quân (Nha Trang, Khánh Hòa) và được bay các loại máy bay chiến đấu khác nhau, tháng 1.2010, Ngọc Trường tốt nghiệp loại giỏi và được biên chế về Trung đoàn 925. Trải qua thời gian bay Mig 21, năm 2012, Trường chính thức được huấn luyện chuyển loại và bay Su-27 ban ngày, rồi bay đêm. Cảm giác lần đầu tiên được bay Su-27, giờ nhắc lại, chàng phi công trẻ vẫn còn lâng lâng, sung sướng: “Đó là thời khắc đánh dấu sự trưởng thành của một phi công lái máy bay chiến đấu được làm chủ máy bay, trang bị vũ khí hiện đại, làm chủ bầu trời”.
Đại tá, phi công cấp 1 Vũ Hồng Điệp (ngoài cùng bên phải) đang truyền đạt kinh nghiệm bay cho các phi công trẻ.
Ngọc Trường kể về cơ duyên đưa mình đến với công việc này: “Nhà tôi ở gần sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Thường xuyên ngắm những chiếc Mig 21 và Su-22 bay vút lên bầu trời, tôi ước ao sau này được trở thành phi công nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua thôi, bởi việc tuyển chọn phi công rất khắt khe. Năm tôi học lớp 12, có đoàn công tác của Viện Y học hàng không thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đến trường tổ chức sơ tuyển, tôi thử sức xem sao, không ngờ qua được vòng khám tuyển sức khỏe. Cả huyện chỉ một mình tôi lọt qua “cửa hẹp” và được phép làm hồ sơ thi vào Trường Sỹ quan không quân”.
2.
Còn với đại úy Bùi Đình Thảo (sinh năm 1986, quê ở Hải Phòng), Phó phi đội trưởng Phi đội 2, trở thành phi công như hôm nay là một sự tình cờ ngoài mong đợi của anh, mà Thảo bảo, đó là “nghề chọn người”. Thảo và Trường cùng thi đậu vào Trường Sỹ quan không quân, trở thành đôi bạn thân, cùng đạt được nhiều thành tích trong công tác và hiện đều là phi công trẻ đầy năng lực ở Trung đoàn 925.
Phi công trẻ Đỗ Ngọc Trường (bên trái) và Bùi Đình Thảo (bên phải) sau khi hoàn thành đợt xuất kích làm nhiệm vụ trên máy bay Su-27.
Kể chuyện “nghề chọn người”, phi công Thảo nhớ lại một kỷ niệm vui: Năm cuối cấp III, đoàn công tác của Quân chủng Phòng không - Không quân đến Huyện đội khám sức khỏe và anh đến đăng ký khám. Khi bước vào phòng khám thể lực, các bác sĩ quân y bắt phải cởi hết quần áo ra để khám, anh mắc cỡ không chịu, vậy là bị bác sĩ đuổi về. Ra đến phòng ngoài, bác sĩ khám mắt thấy vậy gọi lại hỏi han, động viên, rồi cho anh khám mắt trước, sau đó mới đi khám các vòng khác. Không ngờ, anh cũng lại là thanh niên duy nhất trong số 172 người của huyện lọt qua vòng khám sức khỏe.
“Bởi nghề chọn mình, nên phi công trẻ chúng tôi luôn cố gắng học tập nắm vững khoa học kỹ thuật, đặt nhiệm vụ huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay lên hàng đầu. Từ đó mới có thể làm chủ máy bay, vũ khí trang bị kỹ thuật bầu trời, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc”, Thảo nói đầy tự hào.
3.
So với Trường và Thảo, phi công học viên Su-27, trung úy Lương Nguyễn Hữu Phước (sinh năm 1991, ở Bình Định), “em út” của đơn vị, lại có nhiều lợi thế hơn. Bố của Phước là phi công kỳ cựu của Trung đoàn 925, đại tá Lương Đình Hợi, hiện là Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân 372. Tháng 6.2015, Phước về Trung đoàn 925 và bắt đầu tiếp cận học bay Su-27.
Năm 2015, Trung đoàn Không quân 925 được Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân tặng Cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu trong phong trào thi đua Quyết thắng năm 2015 và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua “Ðơn vị huấn luyện giỏi” giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, để chọn trở thành phi công là một sự khó khăn đối với Phước. Bởi bố Phước thì thích con nối nghiệp mình, còn mẹ làm trong ngành tòa án cũng muốn con theo nghiệp mẹ. Để làm hài lòng cả hai, Phước đăng ký thi khối C vào ngành Luật và khối A thi vào Trường Sỹ quan không quân. Kết quả là anh đậu cả hai trường với số điểm cao, và lại một lần nữa đứng trước sự lựa chọn. Nhưng rồi ước mơ cháy bỏng được bay lên bầu trời đã thôi thúc Phước chọn Trường Sỹ quan không quân.
Trước khi về Trung đoàn 925, khi còn ở Trung đoàn 910 (Trường Sỹ quan không quân), phi công học viên Lương Nguyễn Hữu Phước cùng thầy giáo của mình đã lập một “chiến công” nho nhỏ, cứu máy bay khi gặp sự cố. Đó là ngày 12.7.2013, trung sĩ học viên Lương Nguyễn Hữu Phước thực hiện bài bay biên đội công kích mục tiêu trên không với sự hướng dẫn của thầy giáo, đại úy Tô Anh Tuấn, biên đội trưởng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, máy bay của Phước gặp trục trặc mà nếu hạ cánh với tình trạng đó thì rất dễ nổ lốp, lật hoặc lao ra khỏi đường băng. Được sự hướng dẫn của chỉ huy dưới mặt đất, Phước và thầy giáo hướng dẫn bay đã bình tĩnh đưa máy bay về hạ cánh an toàn.
Phi công Đỗ Ngọc Trường trên máy bay Su-27 chuẩn bị xuất kích làm nhiệm vụ.
“Đam mê thì không có gì khó. Hơn nữa tôi may mắn được học với những thầy giáo phi công giỏi. Bao nhiêu kinh nghiệm trong cả đời bay, các thầy đều truyền hết nên những phi công trẻ chúng tôi càng trưởng thành và bản lĩnh hơn. Tôi đang nỗ lực để một ngày gần nhất được bay đơn, bay đêm với Su-27”, Phước tự tin nói.
* * *
Đại tá, phi công cấp 1 Vũ Hồng Điệp, Phó Trung đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Trung đoàn 925, người trực tiếp huấn luyện và truyền đạt kinh nghiệm bay Su-27 cho các phi công trẻ, nhận xét: “Dù các phi công tuổi đời còn trẻ nhưng lại được đào tạo bài bản nên tiếp thu rất nhanh, bản thân các phi công trẻ cũng luôn nỗ lực và quyết tâm rất cao. Các nhiệm vụ như bay diễn tập với sư đoàn, quân khu, hiệp đồng quân binh chủng, hay bay quan sát, trinh sát trên biển, đội ngũ phi công trẻ của Trung đoàn đều thực hiện rất tốt. Phi công trẻ của đơn vị rất ham bay, say học, xác định cho mình mục tiêu, lý tưởng, cộng với tình yêu nghề nên muốn trở thành những phi công giỏi, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc”.
NGUYỄN PHÚC