Những nhà sáng chế nông dân
Bức xúc từ thực tế sản xuất, 3 nông dân Nguyễn Thị Ðường (phường Ðập Ðá, thị xã An Nhơn), Lê Văn Thành (thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường) và Nguyễn Văn Tiền (thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) đã nghiên cứu, sáng chế thành công nhiều máy móc, công cụ độc đáo phục vụ sản xuất, chăn nuôi, khai thác thủy sản hiệu quả.
Vòng khoen inox chì
Chuyên sản xuất vòng khoen bằng đồng và vòng khoen chì (dụng cụ làm cho lưới đánh cá chìm sâu xuống biển), bà Nguyễn Thị Đường luôn trăn trở, nghĩ suy về những hạn chế của sản phẩm mình làm ra. Bà Đường cho biết: Vòng khoen đồng và vòng khoen chì là một trong những bộ phận không thể thiếu của bộ lưới khai thác thủy sản. Tùy từng ngành nghề và loại thủy sản khai thác trên biển, ngư dân có thể sử dụng loại vòng bằng khoen chì hoặc khoen đồng có kích cỡ và trọng lượng từ 1-30 kg. Bình quân mỗi bộ lưới, ngư dân phải trang bị thêm 120-150 vòng khoen chì hoặc khoen bằng đồng. Nhưng cả 2 loại vòng này đều có nhược điểm. Khoen làm bằng đồng giá cao (120 ngàn đồng/kg); khi xuống biển vòng khoen va chạm tạo ra tiếng kêu lớn, làm cho cá phân tán. Hơn nữa, vòng khoen đồng có giá, nên dễ bị mất cắp, ngư dân khó bảo quản. Vòng khoen bằng chì có giá 45.000 đồng/kg, dễ bị bào mòn và thường bị biến dạng, nên ngư dân phải đầu tư trang bị lại, rất tốn kém.
Vòng khoen inox chì thành phẩm của bà Nguyễn Thị Đường.
Năm 2010, bà Nguyễn Thị Đường đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo vòng khoen bằng inox chì với quy trình sản xuất khá đơn giản. Thanh inox loại tròn được cắt, cuộn tròn và khoan 1 hoặc 2 lỗ. Tiếp đến nung chảy chì đổ vào các lỗ đã khoan. Kích cỡ, trọng lượng vòng khoen phụ thuộc vào đơn đặt hàng của ngư dân. “Vòng khoen bằng inox chì có độ bền cao, hạn chế được tiếng vang khi va chạm dưới nước, giá chỉ bằng một nửa so với vòng khoen bằng chì, nhờ đó đã giảm được chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Qua thời gian sử dụng hiệu quả, nên ngư dân trong và ngoài tỉnh đã đặt hàng rất nhiều. Bình quân 1 tháng, gia đình tôi cung ứng cho ngư dân từ 2.500 - 3.000 vòng khoen inox chì. Có nhiều ngư dân đã đến học tập và tự sản xuất được vòng khoen này” - bà Đường chia sẻ.
Máy làm đất đa năng
Tôi ghé thăm nhà ông Lê Văn Thành khi ông đang cặm cụi sửa xe máy cho khách hàng. Thấy khách lạ tới nhà, ông dừng tay vui vẻ mời nước và câu chuyện về chiếc máy làm đất đa năng của nông dân gốc Thanh Hóa này càng lúc càng sôi nổi. Ông kể: Gia đình ông làm cả mẫu ruộng, nhưng dịch vụ làm đất ở địa phương hạn chế, tiền thuê máy làm đất cao. Có những đám ruộng sục bùn, máy móc không thể làm được; trâu, bò cũng chỉ lê bước được vài chục phút, mệt quá đứng im, nên phải làm thủ công. Ruộng nhiều, làm đất không kịp, nên thường bị trễ lịch thời vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và thu nhập. Do đó, tôi đã nảy sinh ý tưởng sáng chế ra chiếc máy làm đất đa năng và quyết tâm thực hiện bằng được”.
Ông Lê Văn Thành giới thiệu máy làm đất đa năng.
Chiếc máy làm đất đa năng của ông Thành trông giống như chiếc máy cày tay nông dân thường sử dụng, nhưng gọn nhẹ và độc đáo hơn. “Tôi sử dụng động cơ xe máy cũ (dung tích xi lanh 110cc) sáng chế và lắp đặt thêm tay cầm, bánh răng, dây sên, bánh lồng, lưỡi cày, lưỡi bừa, bình xăng… Bánh răng sau kết nối với bộ phận chuyển động của 2 bánh lồng được làm bằng thép. Nhông trước của máy có nhiệm vụ truyền lực kéo của cốt máy ra sên, sên làm nhiệm vụ tải lực kéo ra dĩa sau và dĩa truyền lực kéo vào 2 lồng bánh làm cho lồng bánh quay. Độ lớn của lực và tốc độ quay được quyết định bởi bộ li hợp (hộp số) của xe. Khi máy vận hành, số càng nhỏ thì độ lớn lực càng lớn, tốc độ quay càng chậm và ngược lại. Máy gọn nhẹ (trọng lượng máy 65 kg) dễ di chuyển và có thể cày, bừa trên nhiều chân đất khác nhau; ít tốn xăng (mỗi sào tiêu tốn 1 lít xăng), nên tôi ưng ý lắm” - ông Thành cho biết.
Đầu năm 2013, sau khi sáng chế xong máy làm đất đa năng, ông Thành cho người dân trong thôn sử dụng miễn phí. Thấy máy có nhiều hữu dụng, giá cả hợp lý, một số người đã đặt hàng. Đến nay, ông đã bán được 7 chiếc máy làm đất đa năng với giá 7 triệu đồng/máy.
Máy thái rau hữu ích
Với ông Nguyễn Văn Tiền, công đoạn thái rau, chế biến thức ăn cho 120 con heo và 350 con vịt là vất vả nhất. “Sử dụng thức ăn công nghiệp, chi phí đầu vào cao, lời lãi không nhiều, nên vợ chồng tôi chịu khó hái và thái rau, trộn với các sản phẩm nông nghiệp cho gia súc, gia cầm ăn. Cách làm này đã giảm được chi phí đầu vào, tăng thu nhập, nhưng tốn quá nhiều công sức. Ngồi hàng tiếng đồng hồ thái rau, hai bàn tay dộp hết, lưng đau không chịu nổi”, ông Tiền thổ lộ.
Ông Nguyễn Văn Tiền (bên trái) hướng dẫn khách tham quan quy trình vận hành máy thái rau. Ảnh: HỨA THIỆN
Chúng tôi sẽ hướng dẫn nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa; đăng ký đề tài, giải pháp khoa học để dự thi sáng tạo nhà nông do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát huy tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất, tiếp tục nghiên cứu thực hiện các giải pháp kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bà Lê Thị Kim Mai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Không cam chịu cảnh ngày ngày ngồi thái rau, ông Tiền đã mày mò nghiên cứu và chế tạo máy thái rau để giải phóng sức lao động cho mình. Cách làm của ông Tiền là sử dụng mô tơ điện hàn gắn một chiếc hộp tròn bằng thép. Ở trong hộp có 3 lưỡi dao được hàn gắn lại theo hình cánh quạt, mỗi phía của lưỡi dao có khắc răng cưa giúp cho dao lâu mòn. Tiếp đến ông hàn gắn thêm thùng chứa sản phẩm bằng inox và máng cho nguyên liệu vào. Các bộ phận trên được đặt trên một giá bằng sắt. Máy có trọng lượng 30 kg, hoạt động bằng điện, có thể thái được 150 kg rau các loại/giờ.
“Trước đây, thái rau bằng tay, vợ chồng tôi cặm cụi cả ngày mới đủ cho đàn heo, vịt ăn. Nay tôi chỉ mất gần 1 giờ là xong. Máy gọn nhẹ, dễ sử dụng, phù hợp với quy mô chăn nuôi gia súc gia cầm hộ gia đình, gia trại, trang trại, giá lại mềm (2,5 triệu đồng/máy), nên có nhiều người mua về dùng. Từ năm 2013 đến nay, tôi đã bán được 40 chiếc cho người dân trong và ngoài tỉnh”.
PHẠM TIẾN SỸ