Làng ong An Ðỗ
Khoảng 10 năm trước, thợ ong bất chấp nguy hiểm, leo lên đến những ngọn cây cao hàng chục mét, un đốt tổ để thu được mật ong. Nay, hiếm người “ăn ong” kiểu đó nữa. Họ đưa ong vào thùng, đưa ong theo những mùa hoa để tạo mật. Ở thôn An Ðỗ, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn có hơn trăm hộ theo nghiệp nuôi ong như vậy.
Đàn ong ở độ tuổi trưởng thành, cứ trung bình từ 10 - 15 ngày thì quay ly tâm các cầu ong lấy mật.
Theo ông Trần Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn, hiện thôn An Đỗ có gần 300 hộ, trong số này có hơn 100 hộ gắn bó với nghiệp nuôi ong mật. Nhà nuôi ít cũng 50 đàn, nhiều có thể lên tới 200 - 300 đàn. Gắn bó với con ong gần như hộ nào cũng sung túc.
Phong trào nuôi ong ở thôn An Đỗ bắt đầu từ năm 1996. Ông Nguyễn Hiền Hiên là người đầu tiên giúp bà con An Đỗ biết về những đàn ong “xây nhà” trong thùng. Là công nhân Xí nghiệp ong giống Nghĩa Bình, nghỉ công tác, ông Hiên về quê cất công gây dựng nghiệp nuôi ong. Sau nhiều năm, kinh nghiệm đã đầy đặn, quy mô nuôi đã vững vàng, ông thuê thêm nhiều người làm. Ông cũng tận tình chỉ nghề, thậm chí, hỗ trợ cả về vốn và con giống để nhiều người có thể dần dần tự gầy dựng nên nghiệp của riêng mình.
Anh Nguyễn Thành Hiến, ở xóm 1, thôn An Đỗ - mới 42 tuổi nhưng đã có thâm niên theo nghề nuôi ông tới 15 năm - là một trong những người đầu tiên theo ông Hiên học nghề. Anh Hiến, tâm sự: “Sau khi xuất ngũ, tôi về quê, ai thuê gì làm nấy. Thấy tôi làm việc siêng năng, chịu khó, nên anh Hiên và anh Nguyễn Văn Mân (những thợ nuôi ong đầu tiên ở xã Hoài Sơn) rủ tôi lên Tây Nguyên nuôi ong. Tôi làm thuê cho hai anh trong 2 năm, tích cóp được ít vốn và xin ra riêng vào năm 2007”.
Chỉ sau 8 năm theo nghề, anh Hiến đã sở hữu 200 đàn ong. Để đàn ong phát triển bền và đều, anh Hiến chịu khó đưa ong rong ruổi ra đến tận Hưng Yên, Bắc Giang để lấy mật vải, nhãn, ra Huế để lấy mật tràm. Song, địa bàn mà anh cũng như đa số người nuôi ong ở Bình Định tín nhiệm nhất là các tỉnh Tây Nguyên. “Nghề nuôi ong di động không chỉ đơn giản đưa ong đến, đưa ong về là xong. Trước khi di chuyển đàn ong, người nuôi ong phải đi tiền trạm, để biết chỗ nào khí hậu mát mẻ, môi trường xung quanh thuận lợi, hoa lắm mật nhiều. Và đặc biệt là phải thương lượng được với chủ rừng, chủ vườn. Cứ ở mình hết mùa nắng thì anh em lại rồng rắn kéo lên Gia Lai, Đắc Lắc. Cà phê mật hoa, cao su mật lá, đi trúng vùng mật thì coi như số đỏ. Khi nào trên đó bắt đầu mùa mưa thì lại thu quân về”- anh Hiến cho biết.
Nhiều hộ dân ở thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) đã mạnh dạn đầu tư vài trăm triệu đến hơn 1 tỉ đồng để nuôi ong dưới tán rừng.
Từ 2 hộ nuôi vào năm 1996, đến nay, cả thôn An Đỗ có hơn 100 hộ theo nghề, với gần 10.000 đàn ong. Với 200 đàn ong, mỗi đợt có thể thu về từ 500 - 1.000 kg mật (một đợt từ 10 - 15 ngày). Mỗi năm làng ong An Đỗ đưa ra thị trường hàng trăm tấn mật. Với giá bán dao động từ 200 ngàn- 400 ngàn đồng/kg mật, mỗi năm, thôn An Đỗ có doanh thu từ 8 - 10 tỉ đồng mật và ong giống. Nhờ vậy, kinh tế gia đình của người nuôi ong khấm khá dần qua từng năm; nhà cửa được xây dựng khang trang, con cái được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống sung túc hẳn lên.
Mỗi năm, người nuôi ong chỉ về nhà tổng cộng chưa đầy một tháng, thời gian còn lại thì họ rong ruổi khắp mọi miền Nam - Bắc. Đầu năm đến hết tháng 2 thì vào ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên (mùa hoa cà phê, cao su, điều); tháng 3 ra Bắc theo mùa hoa nhãn, vải; tháng 4 đến tháng 8 lại về miền Trung với hoa tràm (keo); tháng 9 đến tháng 12 phải tìm đất đậu cho ong dưỡng sức và tái tạo lại đàn.
Những ngày giáp Tết, đi dưới tán cây bạt ngàn ven đường về La Vuông (xã Hoài Sơn), chúng tôi thấy chi chít tổ ong mật của những người nuôi ong An Đỗ đang cắm chốt. Hương bông tràm dìu dặt, thoảng nhẹ như báo trước một mùa nuôi ong thắng lợi.
Năm nay, người nuôi ong An Đỗ ai cũng vui vì được mùa. “Tết đang cận kề, năm nay người dân nơi đây sẽ ăn Tết khá hơn, bình an và đủ đầy hơn trước”, ông Nguyễn Đình Bản, Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn, vui vẻ khoe với chúng tôi.
TRỌNG LỢI