Rực thắm màu cờ
Mỗi khi đất nước gặp khó khăn sóng gió, độc lập chủ quyền bị đe dọa, lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của tinh thần quyết chiến quyết thắng, lại tiếp thêm sức mạnh cho mọi người dân đất Việt.
Chiến sĩ mới Trung đoàn 739 tuyên thệ trước Quân kỳ, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới.
Năm 1941, tại lán Khuổi Nậm, tỉnh Cao Bằng, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh do đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (quê Hà Nam) phác họa được treo trang trọng tại Hội nghị thành lập Việt Minh. Chương trình Hội nghị Việt Minh ghi rõ: Sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật, thành lập Chính phủ của nhân dân sẽ lấy cờ đỏ sao vàng làm lá cờ toàn quốc.
Màu cờ đỏ rực, màu của máu, của chiến thắng đã thôi thúc toàn thể nhân dân Việt Nam đứng lên, đoàn kết đấu tranh, làm nên Cách mạng tháng Tám vĩ đại. Ngày 2.9.1945, dưới rừng cờ đỏ sao vàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, đánh dấu sự kiện nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.
1.
Trải qua hơn 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, chúng tôi tìm về xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, gặp CCB Võ Lụa, nguyên Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 50 (Trung đoàn 93), người đã cắm lá cờ giải phóng trên Dinh tỉnh trưởng (nay là nhà làm việc của HĐND tỉnh). Với giọng đầy tự hào, CCB Võ Lụa kể lại: “Lúc đó, khoảng 15 giờ ngày 30.3.1975, tại núi Xương Cá, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, trước khi hành quân tiến đánh vào thị xã Quy Nhơn, đồng chí Phan Trọng Thể, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 93, đã trao cho tôi lá cờ giải phóng với nhiệm vụ phải cắm cho được trên Dinh tỉnh trưởng. Sau khi nhận lệnh, Đại đội 2 được giao nhiệm vụ phối hợp với biệt động thành tiến đánh vào mục tiêu trên. Đến 24 giờ ngày 31.3.1975, tôi đã cắm lá cờ giải phóng trên Dinh tỉnh trưởng”.
“Thật vinh dự và thiêng liêng giây phút hôn lên lá Quân kỳ. Lúc ấy, như có một hiệu lệnh từ trái tim, nhắc nhở chúng tôi phải sống và chiến đấu sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao đẹp của bao thế hệ cha anh, những người đã đổ xương máu tô thắm màu cờ hôm nay”.
Để lá cờ giải phóng có thể tung bay trên Dinh tỉnh trưởng, ở trận đánh đó, CCB Võ Lụa đã mất đi 4 đồng đội. 40 năm sau, khi kể lại câu chuyện này, người chiến sĩ năm xưa vẫn không cầm được nước mắt. Chiến tranh khắc nghiệt là vậy.
Với CCB Võ Lụa, đây niềm vinh dự lớn nhất trong cả cuộc đời quân ngũ của ông. Việc lá cờ giải phóng tung bay trên Dinh tỉnh trưởng đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của Mỹ - ngụy trên chiến trường Bình Định.
2.
Thấm thoát đã 27 năm, CCB Lê Văn Khoa, nguyên thợ máy của tàu HQ604, Lữ đoàn 125, Binh chủng Hải quân, người con xã Tây An, huyện Tây Sơn, vẫn không thể quên được thời khắc đồng đội của ông hy sinh khi tay vẫn giương cao lá cờ Tổ quốc. Ông kể lại: “Thời điểm đó, Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam) và có ý đồ thôn tính 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Nếu Trung Quốc chiếm giữ 3 đảo trên sẽ khống chế đường qua lại tiếp tế của ta cho các đảo của ta, vì vậy Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ thị phải quyết tâm giữ 3 đảo trên. Trong đêm 13.3.1988, tàu HQ604 cùng
Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma và Lữ đoàn 146 tiến hành cắm cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, đồng thời triển khai 4 tổ bảo vệ đảo. Lúc 6 giờ ngày 14.3.1988, tàu Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma, tiến vào giật cờ của ta. Lập tức, thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội dũng cảm giành lại cờ. Trong trận chiến này, lính Trung Quốc đã nổ súng bắn vào bộ đội ta, thiếu úy Trần Văn Phương và các chiến sĩ hải quân đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển đảo và hy sinh”.
Trong Chiến dịch CQ88 này, quân ta thiệt hại khá nặng nề, máu các anh đã đổ xuống cho quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Những đồng đội của CCB Võ Lụa hay CCB Lê Văn Khoa hy sinh trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ cùng ngã xuống cho một điều rất đỗi thiêng liêng: độc lập chủ quyền của dân tộc.
3.
Thế nên, với cán bộ, chiến sĩ hôm nay, quốc kỳ là lời di huấn của biết bao thế hệ đã nằm xuống, rằng phải bảo vệ chủ quyền đất nước dù phải trả bằng máu của mình. Trước khi chính thức trở thành một chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, các chiến sĩ mới đều phải trang nghiêm thực hiện nghi thức tuyên thệ trước Quân kỳ.
Kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ mới đợt 1 năm 2015, sau khi đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân trong lễ tuyên thệ, binh nhất Đặng Văn Bảng, Đại đội kho K6, tâm sự: “Thật vinh dự và thiêng liêng giây phút hôn lên lá Quân kỳ. Lúc ấy, như có một hiệu lệnh từ trái tim, nhắc nhở chúng tôi phải sống và chiến đấu sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao đẹp của bao thế hệ cha anh, những người đã đổ xương máu tô thắm màu cờ hôm nay”.
Còn thượng úy Huỳnh Bá Linh, Đại đội trưởng Đại đội Đ30, đóng trên đảo tiền tiêu Nhơn Châu, thì tự hào: “Mỗi sáng thứ Hai hàng tuần, nếu ai có dịp chào cờ cùng với cán bộ chiến sĩ trên đảo sẽ đều cảm nhận được sự thiêng liêng của buổi lễ này. Chúng tôi đồng thanh trước Quốc kỳ 10 lời thề của Quân đội. Đứng dưới cột cờ Tổ quốc, quân dân trên đảo nguyện sát cánh bên nhau, vững chắc tay súng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu này!”.
MAN ÐỨC DŨNG