Noi gương Bác, nêu cao tinh thần trách nhiệm
Tiến tới tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03 - CT/TW, ngày 14.5.2011 của Bộ Chính trị, nhìn lại hơn 4 năm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấm thía một điều: Học tấm gương vĩ đại của Bác, hãy bắt đầu từ những việc làm đơn giản nhất, với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về tinh thần trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ảnh: TƯ LIỆU
1.
Xuyên suốt trong chủ đề toàn khóa “Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”, cũng như trong 4 chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ năm 2011 đến 2015 là tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên của Đảng.
Đó là “Trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh’’ (chuyên đề năm 2015), là “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm’’ (chuyên đề năm 2014); “…Nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” (chuyên đề năm 2013); “…Làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân…” (chuyên đề năm 2011 - 2012). Dù cho có nêu đích danh phải “trách nhiệm” hay không thì Bác, trong mọi công việc, đều yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm.
“Trách” là chức trách, “nhiệm” là nhiệm vụ; trách nhiệm là nhiệm vụ được phân công theo chức trách của mỗi cá nhân, đảm bảo phải hoàn thành. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên được hiểu và vận dụng vào các khía cạnh khác nhau: trách nhiệm với Tổ quốc, trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với bản thân mình.
2.
Học Bác bài học nêu cao tinh thần trách nhiệm, hơn 4 năm qua, trong tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức tự giác học tập, phấn đấu trong công tác, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Từ ý thức trách nhiệm, trước tiên với chính bản thân mình, nhiều cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao bằng cách tích cực tham gia cải cách hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc, nêu cao ý thức, thái độ phục vụ nhân dân, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực. Các tấm gương của cán bộ, đảng viên hiến đất mở đường, xây dựng nông thôn mới… xuất hiện ở nhiều nơi, được nhân dân đánh giá cao.
“Từ ý thức trách nhiệm, trước tiên với chính bản thân mình, nhiều cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao bằng cách tích cực tham gia cải cách hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc, nêu cao ý thức, thái độ phục vụ nhân dân, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực”
Học Bác, ngành giáo dục nâng cao chất lượng dạy và học để việc “trồng người” đạt hiệu quả; MTTQ các cấp thi đua “dân vận khéo”; LLVT tỉnh tiếp tục hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; ngành y tế nêu cao tinh thần “lương y như từ mẫu” trong chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân... Đẩy mạnh việc “làm theo”, trong hơn 4 năm qua, việc thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW đã trực tiếp góp phần giúp nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội hàng năm, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo lời dạy của Bác.
Cũng từ việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, các cơ quan, địa phương đã giải quyết những vấn đề tồn đọng, bức xúc ở cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Đảng.
3.
Với những cán bộ, đảng viên là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải nâng tầm trách nhiệm lên một bậc, đó là trách nhiệm nêu gương. Hơn 4 năm qua, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương được các cấp ủy chỉ đạo gắn với việc thực hiện NQTW 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” và Quy định 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm.
Việc xuất hiện những cán bộ lãnh đạo tích cực, gương mẫu đem lại niềm tin rất lớn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thể hiện việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị dần đi vào chiều sâu, có kết quả, phát huy tác dụng tốt, góp phần đẩy lùi suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.
Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp ở đây còn là nêu gương trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên, hội, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân. Cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, trực tiếp là bí thư cấp ủy và thủ trưởng cơ quan có nhận thức đúng đắn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tự mình làm trước sẽ có tác dụng lôi cuốn, thúc đẩy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trên địa bàn, cơ quan mình.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là một nội dung độc lập, mà phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với nhiệm vụ then chốt là công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Ý thức được điều này, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ hiểu bài học về nêu cao tinh thần trách nhiệm mà Bác dạy có ý nghĩa quan trọng và sâu sắc như thế nào.
NGUYÊN SƯƠNG