Người Quy Nhơn giữa Đất, Trời và Biển
Tản văn của Trần Thị Huyền Trang
Ngày 25.1.2016, lịch âm là 16 tháng Chạp năm Ất Mùi, chúng tôi ra biển từ 4 giờ. Lúc ấy, trời còn tối, lất phất mưa, và lạnh, rất lạnh. Bù lại, cát dưới chân và nước biển rất ấm. Những người tập thể dục sớm phải chạy một lúc để cơ thể quen dần với môi trường rồi mới giảm dần tốc độ.
Chính vì trời còn tối nên những ngọn lửa trong đêm rất sáng, rất rực rỡ. Bóng tối và hơi nước che mờ bóng người tụ tập ở bãi dưới, nhưng qua hàng vài chục ngọn lửa lô nhô thì có thể biết là khá đông. Chúng tôi đoán non đoán già. Người cho rằng ngư dân đang làm lễ hạ thủy một con tàu mới vì phía trên cao là một vật thể có dáng bầu và vót dần phía mũi; người nói không phải, hình như người ta đang cúng những người chết đuối. Một số người bước giật lùi từ điểm bày cỗ cúng ra sát mép nước biển, vừa đi lom khom vừa cắm những bó nhang cháy đỏ xuống cát.
Chúng tôi rảo chân đến gần. Thì ra cái bóng sẫm màu hình con thuyền là tấm bạt được căng chéo để che mưa phía trên chiếc sạp rộng bày cỗ cúng. Trên cỗ có gà luộc, nem chả, bao tử phá lấu, chè xôi, cháo, khoai, bánh trái, gạo muối, nước nôi, bia, rượu, đèn nến, hương hoa, hàng mã sắp xếp công phu.
Sau khi thắp hương khấn vái, người ta cắm nhang và đốt từng điếu thuốc lá cắm vào chiếc lư nhỏ. Tôi đến bên một người đàn bà vừa cúng xong: “Chị ơi, lễ gì vậy ạ?”. Chị nói: “Lễ gì đâu, cúng thần biển thần đất thôi mà. Cô chú cũng vào cúng đi”. Rồi chị gọi người đàn ông đang đốt thuốc: “Anh đưa nhang với thuốc cho hai người này với - rồi quay sang giải thích với tôi - Ai ra đây mà gặp cũng nên cúng để xin thần biển thần đất độ trì cho mình và “nậu” đi tắm biển. Cầu an đó mà”.
Người đàn ông chia nhang cho những người mới đến. Trời hửng dần, một người trong ban tổ chức (chủ hiệu cắt tóc Ba Cư trên đường Trần Phú) nhận ra chúng tôi là người quen, vỗ vai chồng tôi: “Anh cũng vào cúng đi. Cái này là do Hội tắm biển tụi tui đặt ra, duy trì được bốn năm rồi. Mỗi độ cuối năm tụi tui cúng xin trời đất và chư vị thần linh phù hộ cho bà con đi tắm biển được bình an”.
Một người đàn ông khác đang say sưa dùng điện thoại di động chụp hình cũng phụ họa: “Ba năm nay các cháu học sinh tắm ở đây không còn bị chết đuối, nạn chết nước giảm đáng kể. Bà con tui mừng lắm, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”- ông bà mình dạy vậymà. Mọi người bình an khỏe mạnh mình cũng mừng. Vậy thôi!”.
Tôi xúc động bởi lý lẽ giản đơn mà chân thiện của những người mới gặp lúc mờ sáng. Họ đâu chỉ cầu bình yên cho riêng mình, điều họ muốn là mọi người đều khỏe mạnh an vui. Niềm tin của họ không hề là mê tín, bởi họ đâu chỉ hướng vọng về cao xanh vô hình mà là sự tin yêu tha thiết vào sức mạnh cộng đồng và bản thân mình.
Cảm tạ Đất, Trời và Biển cả đã nuôi dưỡng và che chở người dân Quy Nhơn, đã gieo vào lòng họ hơi hướng thuần hậu thảo thơm để một sớm tinh mơ, giữa cơn lạnh cắt da của tiết Đại hàn, tôi có diễm phúc được sẻ chia, được tự hào về vẻ đẹp thẳm sâu và giản dị của tình người.
T.T.H.T