Sắc xuân trên khu tái định cư hồ Định Bình
Để phục vụ xây dựng hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh), hơn 10 năm trước, trên 700 hộ dân thuộc 2 xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Kim cũ đã di dời đến các khu tái định cư (TĐC) mới: làng Kon-lokpok, làng Hà Rơn (thị trấn Vĩnh Thạnh), khu vực Đồng Binh - Hà Nhe (xã Vĩnh Hòa), khu vực Suối Xem - Định Nhì (xã Vĩnh Thuận)… Trở lại những khu TĐC này vào dịp cuối năm, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng đất mà trước đây còn hoang vu với một vài nóc nhà thưa thớt.
Người dân làng M9, Vĩnh Hòa múa cồng chiêng mừng nhà rông mới.
Từ tâm huyện lỵ Vĩnh Thạnh, xe chúng tôi bon bon trên con đường bê tông xi măng thẳng tắp dài 6 km đến trung tâm xã Vĩnh Thuận. Dạo một vòng quanh xã, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất này sau 10 năm TĐC. Bok Đinh Yan Sin, 63 tuổi, làng 2, kể: “Lúc mới từ Vĩnh Kim về, nơi đây hoang vu, đường sá lầy lội, vậy mà hôm nay đã trở thành khu dân cư đông đúc với những căn nhà khang trang mọc san sát nhau. Các công trình điện, đường, trường, trạm được xây dựng khá hoàn chỉnh. Riêng gia đình tôi sau khi TĐC được nhà nước cấp hơn 2 ha đất sản xuất, mỗi năm cũng thu được trên 60 triệu đồng từ trồng lúa, keo và các loại hoa màu, cuộc sống khá hơn làng cũ nhiều lắm”.
Từ khi về TĐC, keo lai là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân xã Vĩnh Hòa nâng cao thu nhập.
Qua làng 4, chúng tôi gặp chị Tềnh Thị Giới, 30 tuổi, cũng đang tất bật dọn dẹp để chuẩn bị đón Tết. “Mình về đây từ năm 2004. Ở đây thích lắm! Nhà ai cũng được xây kiên cố, sạch đẹp, dân làng tập trung gần nhau gắn kết và quây quần. Tết này nhà tôi đã làm sẵn vài ghè rượu để mời bà con đến chung vui”, chị Giới vui vẻ cho biết.
Xây dựng đường bê tông nông thôn ở xã Vĩnh Thuận.
Sau 10 năm TĐC, khu Đồng Binh - Hà Nhe ở Vĩnh Hòa hôm nay vừa mang đậm bản sắc núi rừng, vừa mang tính hiện đại với những ngôi nhà xây ngói đỏ, tường vàng, nổi bật giữa nền núi rừng xanh thẳm. Càng phấn khởi hơn khi người dân đã hòa nhịp cuộc sống được với vùng đất mới. Ông Phạm Việt Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, phấn khởi cho biết: “Địa phương có khoảng gần 200 hộ dân TĐC. Trước đây, bà con sống dựa vào nghề nông, chủ yếu trồng bắp, lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, lãnh đạo xã xác định và hướng dẫn bà con phát triển kinh tế đồi rừng, tập trung vào cây mũi nhọn là keo lai nên đời sống của người dân từng bước đã cải thiện và ổn định. Tính ra, sau 10 năm TĐC, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm trên 10%”.
Một góc xã TĐC Vĩnh Thuận hôm nay.
Năm nay, bà con làng M9 ở Vĩnh Hòa đón Tết vui hơn vì có nhà rông khang trang, rộng gần 200 m2, kinh phí xây dựng trên 1 tỉ đồng, vừa hoàn thành. Anh Lê Cừ, 44 tuổi, người dân làng M9, cho biết: “Bây giờ bà con ở đây đã có nguồn thu khá vững chắc, nhà nhiều thì trên trăm triệu, nhà ít cũng được vài ba chục triệu đồng mỗi năm từ trồng rừng. Bà con cũng nói Tết này mình phải làm lớn hơn, mỗi nhà sẽ đóng góp một ghè rượu để mừng cho cái nhà rông mới”.
Theo ông Trần Quốc Lại, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, qua hơn 10 năm TĐC, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, đặc biệt là các Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a, đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn ở các khu TĐC đã từng bước đổi mới, đời sống của người dân ngày một được nâng lên. “Mới đây, chúng tôi đã đưa vào sử dụng công trình nước sạch trị giá 12 tỉ đồng phục vụ cho người dân xã Vĩnh Thuận; 2 làng TĐC ở thị trấn Vĩnh Thạnh cũng đã có nước sạch chảy về tới trung tâm làng. Còn xã Vĩnh Hòa, huyện đang triển khai làm đường ống, dự kiến giữa năm 2016 bà con nơi đây sẽ có nước sạch để dùng”, ông Lại cho biết thêm.
NGUYỄN HỒNG PHÚC