Làng nghề tất bật vào vụ Tết
Về thăm một số làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận không khí lao động nhộn nhịp, hối hả của người dân làng nghề để kịp hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Làng bánh tráng Trường Cửu “tăng tốc”
Ở làng nghề bánh tráng Trường Cửu (xã Nhơn Lộc - thị xã An Nhơn), mới 2-3 giờ sáng, 300 lò bánh tráng ở đây đã bắt đầu “đỏ lửa”. Người ngâm gạo, người xay bột, người nhóm lò… diễn ra trong nhịp lao động hối hả, khẩn trương. Trên các nẻo đường bê tông, vườn nhà, các khu gò đất trống…, nơi đâu cũng ngập tràn màu trắng lấp lóa của những phên bánh tráng phơi la liệt.
Bà Võ Thị Sương ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc phơi bánh tráng.
Bà Võ Thị Sương, một hộ làm nghề tráng bánh ở thôn Trường Cửu, cho biết: “Ngày thường tôi chỉ tráng đến 1 giờ chiều là xuống lò, nhưng thời điểm cuối năm thì phải làm đến khi tắt nắng mới hết việc. Thời điểm tháng Chạp, mỗi ngày tôi sản xuất từ 15 - 20 kg gạo, tăng gấp đôi so với ngày thường. Năm nay, người dân làng nghề có thu nhập cao hơn các năm trước nhờ giá bánh cao hơn mọi năm, trong khi giá gạo, bột mì ổn định ở mức thấp”.
Theo bà Sương, hiện nay, mỗi ràng bánh tráng (20 chiếc) giá 15.000 đồng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 2.000 - 3.000 đồng. Sản phẩm bánh tráng Trường Cửu từ trước đến nay có chất lượng thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Để tăng hiệu quả sản xuất, vụ Tết năm nay, nhiều hộ đã đầu tư trang bị máy móc để xay bột, sản xuất bánh tráng bằng máy, mọi công đoạn được cơ giới hóa, thực hiện nhanh, ít hao hụt; chất lượng sản phẩm cũng ngày càng được nâng lên nên được người tiêu dùng tín nhiệm cao.
Theo người dân làng nghề, tuy đây là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính. Hiện nay, ngoài tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm bánh tráng Trường Cửu còn được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk... “Đây đang vào mùa cao điểm sản xuất bánh để cung ứng cho thị trường Tết. Nhu cầu tiêu thụ bánh tráng trong tỉnh và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên vào dịp Tết khá lớn, nên sản phẩm làm ra bao nhiêu cũng được tiêu thụ hết. Lò sản xuất của tôi mỗi ngày sản xuất 50 kg gạo với trên 1.000 chiếc bánh. Mỗi ngày hai vợ chồng tôi tráng bánh có thu nhập từ 400 - 450 ngàn đồng, tăng gần gấp đôi so với ngày thường”, bà Phan Thị Tín, một hộ dân ở làng nghề bánh tráng Trường Cửu, cho biết thêm.
Theo ông Dương Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, trên địa bàn thôn Trường Cửu có trên 300 hộ sản xuất bánh tráng. Thu nhập bình quân của các hộ làm bánh tráng từ 5 - 6 triệu đồng/hộ/tháng, riêng vào tháng Chạp tăng gấp đôi, gấp ba. Ngoài sản phẩm bánh tráng gạo truyền thống, nhiều hộ còn sản xuất thêm các loại sản phẩm khác như: bánh tráng gạo pha mì, bánh cuốn chả ram, bánh tráng mè… Từ xưa đến nay, sản phẩm bánh tráng Trường Cửu nổi tiếng thơm ngon, thị trường luôn rộng mở khắp các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Gói nem tại một cơ sở sản xuất nem chả ở Chợ Huyện xã Phước Lộc (Tuy Phước).
Làng nghề nem, chả Chợ Huyện chạy đua với thời gian
Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, các hộ làm nghề nem, chả truyền thống ở Chợ Huyện (xã Phước Lộc - huyện Tuy Phước) tăng hết công suất, chạy đua với thời gian để kịp giao hàng cho khách. Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ cơ sở nem chả gia truyền Tám Đậu, cho biết: “Cả gia đình tôi phải dậy thật sớm để làm nem. Nguyên liệu là thịt heo nạc được chọn lọc kỹ, đưa vào máy xay nhuyễn, tẩm gia vị… chuẩn bị cho công đoạn gói. Ngày thường cơ sở của tôi chỉ chế biến khoảng 20 kg thịt, nhưng thời điểm tháng Chạp, nhu cầu tiêu thụ cao, phải tăng lên gấp 2 - 3 lần mới đủ hàng cung ứng cho thị trường. Hiện nay, thị trường tiêu thụ nem, chả đã bắt đầu tăng mạnh. Mỗi ngày, cơ sở của tôi tiêu thụ trung bình từ 1.000 - 1.200 chiếc nem với giá bán sỉ từ 1.800 - 2.000 đồng/chiếc. So với thời điểm này năm ngoái, giá các mặt hàng nem chả vẫn ổn định”.
Ông Nguyễn Thành Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết: Hiện nay, ở Chợ Huyện có tất cả 17 cơ sở làm nem chả gia truyền và trên 50 điểm bán sỉ nem chả dọc theo quốc lộ 19 và quốc lộ 1 A trên địa bàn xã. Những “thương hiệu” làm nem chả được nhiều người biết đến như: Năm Hóa, Tám Đậu, Bảy Liêm, Bốn Lai, Năm Mại… mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng ngàn chiếc nem, hàng trăm kg chả các loại, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, các cơ sở sản xuất nem chả tại địa phương có doanh thu khá cao.
Bà Đào Thị Huyền, chủ cơ sở nem, chả Bảy Liêm, cho biết thêm: Ngày thường, cơ sở chúng tôi bán ra khoảng 500 chiếc nem; thời điểm tháng Chạp và cận Tết thì tăng gấp ba lần. Hiện nay giá nem đơn từ 20.000 - 22.000 đồng/10 chiếc; nem cây 120 ngàn đồng/kg; chả cây 110 ngàn đồng/kg; bì (tré) 18.000 - 20.000 đồng/cây. Càng gần đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, giá các mặt hàng nem chả sẽ tiếp tục tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng khá lớn…
Bài và ảnh: NGUYỄN HÂN