Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Những ấn tượng lịch sử
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa bế mạc ngày 28.1 với kết quả tốt đẹp. Đây không phải là nhận xét xuôi chiều, khuôn sáo mà là một thực tế không thể phủ nhận.
Đại hội XII diễn ra trong bối cảnh có thể nói những thách thức đặt ra cho Đảng nhiều hơn là thuận lợi.
Phiên bế mạc Đại hội XII
Đó là thách thức về sự tụt hậu, rơi vào “bẫy” quốc gia thu nhập trung bình, không đủ sức đổi mới, sáng tạo để bứt phá vươn lên trình độ văn minh, hiện đại ngang hàng với bạn bè khu vực; Thách thức đẩy lùi nạn suy thoái về tư tưởng, đạo đức, xu hướng lợi ích nhóm chi phối mọi lĩnh vực, ở nhiều cấp độ khác nhau cực kỳ phức tạp, tinh vi mà xử lý là vô cùng gian khó, khiến cho việc khôi phục niềm tin và uy tín lãnh đạo cũng trở nên khó khăn không kém; Thách thức về bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, an toàn và một môi trường hòa bình ổn định để phát triển.
Đại hội XII diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia vào hầu hết mọi hiệp định về tự do kinh tế-thương mại của thế giới, đặc biệt là hiệp định TPP, bắt buộc một sự mở của và hội nhập ở mức độ và trình độ cao hơn, sâu rộng hơn, không chỉ giới hạn ở kinh tế và thương mại.
Trong bối cảnh đó, cần phác thảo ra một lộ trình cho đất nước 5 năm tới và xa hơn với quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện, quyết liệt. Cần một bộ máy lãnh đạo đủ tầm để hiện thực hóa lộ trình ấy, đủ khả năng hóa giải những thách thức gay gắt nêu trên.
Và Đại hội XII đã thành công ở cả hai nội dung đầy thách thức nêu trên.
Trước hết và cực kỳ quan trọng là công tác nhân sự. Chưa bao giờ trong lịch sử của Đảng, vấn đề quy hoạch, tạo nguồn đội ngũ cán bộ chiến lược, bao gồm cả những nhân sự lãnh đạo ở cấp cao nhất lại được thực hiện bài bản như vừa qua. Điều này thể hiện qua công tác quy hoạch tạo nguồn từ từng cơ sở trong phạm vi toàn quốc và gặt hái thành công ở cấp cao nhất là Đại hội XII. Do chuẩn bị kỹ càng, sàng lọc thận trọng, Đại hội đã bầu ra một Ban Chấp hành Trung ương tiêu biểu cho phẩm chất, trí tuệ của hơn 4,5 triệu đảng viên, đáp ứng nguồn nhân lực lãnh đạo cao cấp ở hầu khắp mọi lĩnh vực.
Các vị được Ban Chấp hành Trung ương tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự là những nhân sự nổi trội. Trả lời báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hài lòng nhận xét: “Lần này vào Bộ Chính trị có nhiều người trẻ, 19 người được bầu chỉ có 7 người ở lại, còn phần đông là trẻ, như đồng chí Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970 vào Bộ Chính trị. Trong Bộ Chính trị còn có 3 người là nữ, chưa bao giờ có nhiều nữ như vậy vào Bộ Chính trị. Cán bộ dân tộc trong Ban Chấp hành Trung ương cũng có”.
Chỉ nhìn vào danh sách các tân ủy viên Bộ Chính trị, có thể yên tâm vì có nhiều nhà kỹ trị, kinh nghiệm phong phú, am hiểu thực tiễn và phần nào đã thể hiện được năng lực và uy tín của mình. Hy vọng đây là những người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đổi mới.
Thành công về nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là thắng lợi của công tác tổ chức của Đảng.
Thành công lớn nữa là tinh thần Dân chủ trong Đảng được phát triển lên một trình độ mới.
Tính dân chủ được thể hiện qua những bài tham luận thẳng thắn, tâm huyết, không xuôi chiều, tránh né của các đại biểu như ông Bùi Quang Vinh, Đặng Ngọc Tùng…mà chắc chắn sau này nhân dân còn nhớ tới.
Tính dân chủ cũng được thể hiện qua công tác nhân sự. Từ hội nghị 13, 14 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và các hội nghị trước đó, việc chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cao nhất đã được đưa ra bàn bạc, thảo luận và quyết định qua hình thức bỏ phiếu kín, nhiều lần. Do cách làm vừa đảm bảo tính dân chủ và đảm bảo nguyên tắc tập trung của Đảng xuyên suốt trước và trong Đại hội nên những ứng viên giữ vị trí lãnh đạo cao nhất đều được Đại hội tín nhiệm với số phiếu cao. Những nhà lãnh đạo cao cấp xin rút không ứng cử và đề cử cũng do đại hội quyết định bằng hình thức bỏ phiểu kín. Có thể nói, quy chế làm việc của đại hội, quy chế bầu cử trong Đảng đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thấm nhuần sâu sắc nguyên tắc tập trung dân chủ.
Có người được bầu vào Bộ Chính trị khóa này, dù trước đó chưa được đưa vào quy hoạch, cũng là thể hiện tính dân chủ đã được phát huy rất cao trong Đảng. Tinh thần dân chủ đó cần được mở rộng và lan tỏa trong mọi sinh hoạt chính trị-xã hội. Dân chủ cũng là công cụ quan trọng nhất để giám sát quyền lực, hạn chế lạm quyền và chống tham nhũng.
Một điều ấn tượng nữa về Đại hội XII là tính cởi mở chưa từng có của công tác thông tin, truyền thông. Chưa bao giờ trong lịch sử các kỳ Đại hội Đảng, thông tin lại cởi mở, rộng rãi và dân chủ như vậy. Báo chí trong nước và quốc tế được giải đáp về hầu hết mọi vấn đề, được thông tin sớm về dự kiến nhân sự. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh thông tin bùng nổ và đa dạng như ngày nay.
Sự chi phối của thông tin trên mạng xã hội là quá lớn và nguy hiểm cả trước và trong Đại hội. Thông tin gây nhiễu tác động tiêu cực đến dư luận nhân dân. Khi các phương tiện truyền thông chính thống chủ động thông tin đã khiến công chúng không còn nhiều nhu cầu phải tìm các thông tin “nhạy cảm” qua các nguồn khác nữa. Đây là tín hiệu tích cực cần phát huy thường xuyên và chủ động hơn.
Thêm một điều ấn tượng về Đại hội XII, đó là Tổng Bí thư- “Trường hợp đặc biệt” của cả hai kỳ đại hội (XI và XII). Phát biểu cảm tưởng với các nhà báo khi bế mạc Đại hội, ông xúc động: “Tôi không ngờ lại được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XII bầu làm Tổng Bí thư với số phiếu gần như tuyệt đối 100%. Tôi bất ngờ vì tuổi đã cao, có lẽ trong các vị lãnh đạo tuổi tôi là cao nhất, sức khỏe, trình độ có hạn. Tôi cũng đã xin nghỉ nhưng vì trách nhiệm Đảng giao, chúng tôi với tư cách Đảng viên phải chấp hành.”
Việc ở Đại hội này, dù tuổi cao nhất nhưng ông cũng lại được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư khóa XII với mức tín nhiệm cao hơn cả kỳ trước, chứng tỏ ông là người cần cho Đảng và đất nước lúc này.
Mong ông là biểu tượng thuyết phục cho đạo đức và sự trong sáng, vô tư của Đảng, tập hợp được sức mạnh và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện hơn, căn bản hơn. Điều mà Dân mong nhất và cần nhất là Tổng Bí thư kiên định quyết tâm chỉnh đốn Đảng, thanh sạch đội ngũ, làm cho Đảng ngày càng mạnh lên, khôi phục uy tín, để Dân tin yêu như những ngày đầu cách mạng,do dành trọn niềm tin yêu và sự tín nhiệm của dân, Đảng đã dân dắt toàn dân giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Theo Phạm Mạnh Hùng (VOV)