Hoài Ân: Quyết liệt truy quét nạn khai thác vàng trái phép
Gần đây, trên địa bàn 2 xã Bok Tới và Ân Nghĩa (Hoài Ân) hiện tượng khai thác vàng trái phép bùng phát trở lại. Hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản mà còn gây tác động xấu đến môi trường, đặc biệt tiềm ẩn nhiều mối nguy có thể làm thiệt mạng nhiều người.
3 tháng gần đây, tại khu vực Suối Cát, xã Bok Tới, xuất hiện một nhóm đối tượng hơn chục người đưa phương tiện lên đào vàng trái phép. Không chỉ có vậy, ông Nguyễn Văn Rô, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hoài Ân, cho hay: Ngoài khu vực Suối Cát, ở huyện Hoài Ân hiện tồn tại nhiều khu vực khai thác vàng trái phép khác ở xã Ân Nghĩa, như: hố Khế, hố Bông, hố Cọp (thôn Kim Sơn); hố Cà Điết, hố Côm, hố Mai (thôn Hương Quang). Phần lớn các điểm khai thác nằm trên núi cao, đi lại khó khăn, nguy hiểm.
Một hố khai thác vàng ở Suối Cát, xã Bok Tới (Hoài Ân).
Tan hoang Suối Cát
Qua theo dõi, ngành chức năng huyện Hoài Ân xác định nhóm khai thác vàng trái phép này đa phần là người ở các tỉnh phía Bắc vào, “móc nối” với người địa phương mang theo các phương tiện, máy móc để tiện bề hoạt động.
Các đối tượng này tổ chức khai thác không theo quy luật nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Đồng thời, bố trí người cảnh giới các tuyến đường vào vùng khai thác, lực lượng chức năng khó bắt được quả tang.
Trước tình hình này, từ ngày 7 đến 20.1, Tổ công tác liên ngành của huyện Hoài Ân, bao gồm: Phòng Tài nguyên - Môi trường, Kiểm lâm, Công an, Huyện đội phối hợp cùng UBND xã Bok Tới tổ chức nhiều đợt truy quét, ngăn chặn nạn đào đãi vàng trái phép. Qua kiểm tra, tổ công tác đã thu giữ 2 máy xay đá, 2 máy nổ, 1 bình hơi, 1 đầu bơm hơi, 720m ống dẫn nước, phá 3 lán trại xây cất trái phép trong rừng.
Theo quan sát của chúng tôi tại khu vực Suối Cát vào cuối tháng 1.2016, cả vùng đồi rộng hàng ngàn mét vuông đã bị bọn “vàng tặc” xới tung, đất đá ngổn ngang. Nhiều hố đào vàng nằm san sát nhau. Cạnh các hố vàng là những túp lều dựng tạm, quần áo, máng gỗ phục vụ cho việc đãi vàng nằm chỏng chơ.
Ấn tượng đập mạnh vào chúng tôi chỉ có thể nói gói gọn trong hai từ “tan hoang”.
Không nhượng bộ với khai thác vàng trái phép
Tổ công tác nhận định: Tình trạng đào đãi vàng trái phép tại khu vực rừng đầu nguồn xã Ân Nghĩa, xã Bok Tới, ngoài thất thoát về nguồn tài nguyên thiên nhiên do nhà nước quản lý, còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, môi trường xã hội trên địa bàn.
“Ngành chức năng của huyện sẽ quyết liệt điều tra, tìm ra các chủ đầu nậu khai thác, đào đãi vàng trái phép để xử lý nghiêm trước pháp luật”
Ông HOÀNG PHI LONG, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân
Các đối tượng đào đãi vàng xả thải lượng chất bùn đỏ khá lớn xuống dòng nước cùng các loại hóa chất dùng đãi vàng, đã gây hại rất lớn cho sức khỏe con người và động vật. Nhiều người dân sử dụng nguồn nước từ sông, suối, các hồ chứa nước Đồng Quang, Hố Cọp, Hố Khế ở phía dưới khu vực đào đãi vàng để sinh hoạt, chăn nuôi cũng gặp nhiều bất trắc.
Mặt khác, các đối tượng đào đãi vàng trái phép đã chặt phá nhiều diện tích rừng trồng và rừng đầu nguồn để làm lán trại hoặc lấy mặt bằng để khai thác quặng vàng. Việc đục khoét núi để đào đất, đá đãi vàng khiến khu vực này có nguy cơ bị sạt lở, nhất là vào mùa mưa lũ. Đồng thời, để lại hậu quả là ruộng đồng, các hồ thủy lợi tại địa phương bị bồi lấp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhân dân địa phương.
Về vấn đề này, ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, nhấn mạnh: Huyện Hoài Ân sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng trong huyện có giải pháp quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng trên, trả lại môi trường ổn định, an toàn cho địa phương. Bên cạnh, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân không vì lợi ích trước mắt mà vào rừng đào đãi vàng trái phép, gây ra hậu quả khó lường về cảnh quan, môi trường, xâm phạm tài nguyên quốc gia; ngành chức năng của huyện sẽ quyết liệt điều tra, tìm ra các chủ đầu nậu khai thác, đào đãi vàng trái phép để xử lý nghiêm trước pháp luật”.
TRỌNG LỢI