Hít hà vị Tết
Đã 22 tháng Chạp. Đã thấy vị Tết trên tường nhà Facebook của mỗi người. Thấy sắc đỏ hồng, vàng rực của mai, của phong bao lì xì, cây hoa trang trí đủ sắc màu, hũ mắm tôm chua đỏ rực bày bán nơi cổng chợ.
Với tôi, vị Tết cay nồng mùi sả, mùi cam thảo quyện lẫn ớt cay xè của thau khô bò sấy khô kịp làm quà cho mấy sắp nhỏ ở Sài Gòn về quê chơi trước Tết. Hai cân thịt bò tươi, cộng thêm vài lạng ớt tươi, khô, ít ngũ vị, cam thảo... Trải qua các công đoạn luộc sơ, ướp mắm, đường, rim trong lửa than mấy giờ rồi tỉ mẩn xé sợi, đảo khô từng sợi khô bò mới ra được thứ thành phẩm ưng ý. Mà nói như thằng cháu vốn sành ăn thì: “Khô bò của cô Bốn làm mới thiệt bá cháy. Nó có vị ngọt thơm mùi cam thảo nhưng không ngọt quá như khô bò trong Sài Gòn của con, có vị cay thơm của ớt trái lẫn ớt khô, ăn đến đâu lại hít hà đến đó. Món này tụi bạn con thích ghê lắm, cứ dặn mày về quê nội ăn Tết nhớ mang vào làm quà ít khô bò cho tụi này nghen”.
Thằng cháu “dẻo mỏ” tán tụng tài nghệ nấu ăn của cô Bốn - là tôi. Vậy nên lần nào nó vào Sài Gòn, nó cũng được cô Bốn hỗ trợ cho cân khô bò tự tay mình ngâm tẩm, xé sợi bên bếp lửa hồng. Đôi tay bỏng rát vì xắt ở trái, trộn ớt khô món thịt bò. Vậy mà năm nào nó hổng về, tôi lại buồn hiu vì nhớ, nhớ cái cảm giác tất bật của những ngày cuối năm, như được sống lại tuổi háo hức chờ Tết của tụi nhỏ như mình ngày xưa.
Tết còn cay nồng vị mứt gừng quyện lẫn mùi đường tới dẻo quẹo, thơm lừng. Gừng ta còn nguyên cả lá, mua về gọt vỏ, bào mỏng rồi ngâm với muối, chanh cho trắng. Luộc sơ rửa sạch để ráo rồi trộn đường vào để đó cho ngấm trước khi rim. Ngày nhỏ, tôi thường phụ má làm những công đoạn lặt vặt như gọt vỏ gừng, cân gừng, đường cho đúng công thức. Má nói, gừng Sài Gòn to, thẳng làm đỡ tốn công và đẹp hơn nhưng không cay và thơm như gừng sẻ quê mình. Má vẫn thích chọn mua gừng sẻ về làm mứt hoặc rim nguyên cả củ. Nếu muốn làm mứt gừng củ thì công kỹ hơn chút, chịu khó xăm củ gừng cho ra bớt chất cay, rồi mới luộc, ngâm chanh cho trắng trước khi rim.
Má ngồi rim, tôi ngồi hít hà vị gừng, nhất là lúc đường tới, miếng mứt gừng trong suốt, dẻo nếm một miếng mà thơm lừng, nóng đến gần rộp lưỡi. Đến công đoạn làm thẳng miếng mứt gừng cũng thiệt là vui. Má cẩn thận ngồi gỡ từng miếng mứt cho thiệt thẳng để phơi nắng, còn tôi làm ào ào. Má xót, bảo con gái con đứa làm không cẩn thận, còn tôi chống chế: “Miếng nào bể con ăn hết cho”. Má cười, vậy chắc hết chảo mứt quá hé con.
Giờ thì má không còn sức để ngồi làm mứt gừng như hồi trước nữa. Có chăng, đi qua đi lại, thăm chừng đường tới hay chưa, để nhắc con gái biết mà canh. Mấy chục năm qua, hết má rồi đến tôi vẫn duy trì thói quen làm mứt gừng. Ba tôi vẫn hay nói có mùi mứt gừng bay trong nhà mới là Tết. Ra Tết, có miếng gừng ngồi uống trà nhâm nhi với bạn cũng hay. Vậy nên, bận rộn mấy má vẫn luôn chiều theo ý ba. Giờ đến lượt tôi làm để má vui lòng. Hai má con ngồi bên bếp lửa, thi thoảng má giơ kính săm soi từng miếng mứt một, còn tôi hít hà vị Tết thơm lừng.
HOÀNG LAN