Hãy lắng nghe con
Người lớn, đôi khi bằng những hành động, lời nói, vô tình hay hữu ý, gây nên những sức ép cho con trẻ. Dẫu cho trong suy nghĩ của họ, đó chỉ là một câu hỏi, câu nói đơn thuần, một hành động xuất phát từ tình thương yêu đối với con hãy còn bé bỏng nhưng họ đâu biết rằng - với con trẻ - đấy lại là một áp lực.
Từ những “tâm thư ”
Kỳ họp phụ huynh cuối học kỳ một vừa qua, cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi - một lớp thuộc diện “gạo trên sàng” của trường - dành nhiều thời gian để đọc hết hơn 40 bức “tâm thư” mà cô cho các em viết trên những mảnh giấy nhỏ, không đề họ tên, để các em mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ của mình. “Mong rằng qua những lá thư này, phụ huynh có thể hiểu thêm đôi điều về con mình” - cô giáo nói.
Sẽ rất tốt và đáng trân quý hơn nữa khi có thêm những giáo viên đã và đang dành thời gian, tâm huyết động viên học sinh viết những bức thư như lớp của con trai tôi để phụ huynh có thêm kênh thông tin hiểu thêm về con của mình, kịp thời quan tâm, điều chỉnh hành vi của mình để cha mẹ và con đồng cảm với nhau hơn.
“Mỏi mệt, thấy bị áp lực về học hành, nhất là áp lực về điểm số từ cha mẹ”- khoảng 90% nội dung thư, dù ít hay nhiều, đều đề cập đến vấn đề này. “Con mong mẹ đừng quá coi trọng về điểm số, so sánh kết quả học tập của con với các bạn khác. Con đã cố gắng hết sức mình rồi...”. “Lúc nào con bị điểm thua sút mấy bạn khác, thể nào mẹ cũng la, nói rằng con không chịu học hành nên mới thế. Nhưng mẹ ơi, mẹ có biết rằng lần bị điểm kém đó đã giúp con rút kinh nghiệm sâu sắc cho những lần sau”, hoặc “Ba mẹ chỉ quan tâm đến điểm số mà không coi trọng đến kiến thức con thu nạp”…
Hay những mong ước tưởng chừng rất nhỏ như “mong ba về ăn cơm tối với gia đình nhiều hơn” hay “Được tự đi học bằng xe đạp”, hoặc “Ba mẹ đừng áp đặt sở thích ngành, môn học của ba mẹ lên con. Hãy cho con tự chọn môn con thích học”. Thậm chí, chỉ là “ước các bạn trong lớp đừng quá coi trọng về điểm số đến như vậy”...
Rất nhiều lần, cô giáo chủ nhiệm đã nén xúc động để đọc cho trọn lá thư. Có lẽ, một số phụ huynh nhận biết được, thư nào là của con mình. Những tâm sự ấy - nếu không có “tâm thư” - liệu con có mạnh dạn nói với mình? Riêng tôi tự hỏi, dẫu chưa bao giờ đặt nặng điểm số đối với con, chưa bao giờ rầy la khi con chỉ nhận điểm 6, điểm 7, nhưng việc tôi hay hỏi con điểm thi của các bạn khác thì sao, liệu có gián tiếp làm con bị áp lực vì cảm thấy bị so sánh hay không? Còn lời nói: “Con ở thành phố chỉ ăn với học thôi, trong khi các bạn đồng lứa ở những nơi khó khăn hơn phải vừa đi học vừa đi làm, mà vẫn học giỏi như thường” có làm con thấy khó chịu?
Tràng pháo tay của phụ huynh sau khi cô giáo đọc xong lá thư cuối cùng là lời cám ơn cho hành động đầy tế nhị và sáng tạo của cô giáo vì đã hé lộ một phần tâm sự của con trẻ, giúp phụ huynh có những điều chỉnh trong cách quan tâm, giáo dục con trẻ cho phù hợp hơn..
Học cách lắng nghe con, giảm áp lực cả hai phía
Theo PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, việc trẻ em bị áp lực học tập là một thực tế. Áp lực học tập đã làm cho đứa trẻ bị “đưng lớn”, ảnh hưởng không tốt đến đời sống thể chất cũng như đời sống tinh thần của trẻ.
Nhìn ở khía cạnh phụ huynh, đã là cha mẹ ai chẳng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Đổi lại, họ cũng mong con nỗ lực học giỏi, ngoan ngoãn. Tuy nhiên, cũng chính vì điều này mà phụ huynh, cố tình hay vô ý, lấy vị trí làm cha làm mẹ để mong mỏi hay kỳ vọng một cách quá đáng ở con mình, áp đặt cho con những kỳ vọng quá sức.
PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn chia sẻ, liệu mong mỏi của phụ huynh có chính đáng khi tiềm lực của mỗi đứa trẻ khác nhau. Mỗi đứa trẻ có vùng phát triển gần nhất khác nhau, có tiềm lực khác nhau... thì sao có thể biến tất cả các trẻ em đều trở thành những con người hoàn hảo. Phụ huynh cũng thực sự là những người rất bình thường khi đã từng gặp quá nhiều sai sót trong quá khứ...
Một cô bạn thân của tôi, đang là giáo viên cho biết, phụ huynh tạo áp lực học tập cho con một phần muốn con học giỏi, ngoan ngoãn, song cũng có trường hợp vì phụ huynh muốn thể hiện mình. Không thể chấp nhận việc ba mẹ ở vị trí công tác như vậy mà con học làng nhàng. “Tôi vẫn cho các học sinh viết thư sau mỗi kỳ thi học kỳ để phụ huynh biết con suy nghĩ thế nào về việc học, cảm nhận công ơn của cha mẹ và cả những mong muốn của mình. Đây cũng là cách để phụ huynh hiểu thêm về con mình” - giáo viên này nói.
Ai cũng có khoảng thời gian làm con trẻ trước khi thành cha mẹ; cũng từng lầm lỗi, từng trách cứ cha mẹ tại sao lại quá nghiêm khắc với con. Cho đến khi lớn lên giữa bon chen, vất vả trong cuộc sống, mới thấm lời dạy của mẹ cha, nhưng những bài học ấy lớn lên con mới hiểu. Và con trẻ ngày nay cũng khác với thế hệ trước nhiều.
Chơi với con, lắng nghe tâm trạng con, từ đó hiểu con hơn là một nghệ thuật mà không phải phụ huynh nào cũng có thể dễ dàng làm được, vì sức ép về thời gian, công việc và vì cá tính, vì quan điểm dạy con của mỗi người. Một đồng nghiệp lớn tuổi chia sẻ cách thức mà anh tiếp cận với con, hiểu con hơn là làm bạn với sách cùng con. Con thích đọc loại sách nào anh sẽ cố gắng tìm hiểu thể loại sách đó để có thể “giao tiếp” được với con, hiểu con hơn - như một người bạn.
Mỗi người, bằng tình yêu thương và quan tâm đến sự phát triển về tinh thần và thể chất của con sẽ tìm được cách lắng nghe con. Đó là cầu nối để cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, có thể ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Cuộc sống là một chuỗi những áp lực phải vượt qua. Nhưng với con trẻ áp lực chỉ nên ở mức độ vừa phải, vừa tầm, nếu không cả con và bản thân cha mẹ cũng cảm thấy mệt mỏi trong cuộc đua không cân sức.
NGUYỄN NAM