Hoạt động khuyến nông năm 2015: Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN - thuộc Sở NN&PTNT) tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc khảo nghiệm, xây dựng, chuyển giao các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giúp nông dân trong tỉnh nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất…
Tham quan mô hình sản xuất lúa tại xã Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn).
Xây dựng thành công nhiều mô hình
Theo Trung tâm KNKN tỉnh, hoạt động KN năm 2015 có nhiều đổi mới tích cực, từ việc chọn đối tượng tham gia, chọn điểm thực hiện các mô hình (MH), đến lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, gắn với nhu cầu thị trường... Trung tâm cử cán bộ KN “bám ruộng” cùng làm với nông dân, giải quyết kịp thời những khó khăn nảy sinh, nhằm hạn chế chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất, được nông dân tín nhiệm.
Đơn cử như trong vụ Hè năm 2015, Trung tâm KNKN đã hướng dẫn và hỗ trợ các xã: Cát Tài, Cát Hiệp, Cát Trinh (huyện Phù Cát) xây dựng MH “Liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm - Trồng thâm canh đậu phụng giống L14 sử dụng chế phẩm sinh học” trên chân đất chuyển đổi, diện tích 50 ha, có 133 nông hộ và 2 doanh nghiệp (DN) tham gia. Ông Lê Bá Danh - ở thôn Thái Phú, tham gia MH - bộc bạch: “Tham gia MH liên kết sản xuất, tôi đã chuyển 8 sào đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất đậu phụng L14 vụ Hè. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, năng suất đạt 3,5 tạ/sào, thu hoạch đến đâu DN mua đến đấy. 8 sào đậu phụng đem lại thu nhập trên 28 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với sản xuất lúa”.
Còn ông Nguyễn Thành Trung, nông dân ở thôn Nhơn Thuận, xã Tây Vinh (Tây Sơn), thổ lộ: “Trước đây tôi thường sạ dày, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chỉ ước lượng, nên chi phí đầu vào cao, hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ tham gia các MH KN và tham gia sản xuất trong cánh đồng mẫu lớn (CĐML), tôi được tập huấn và đã áp dụng tốt quy trình sản xuất, chăm sóc, giảm được chi phí, tăng thu nhập”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm KNKN, cho biết: Năm 2015, Trung tâm đã xây dựng thành công 10 MH KN trồng trọt, 5 MH chăn nuôi, 3 MH thủy sản và 1 MH khuyến công với 47 điểm khác nhau tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Các MH KN đều cho năng suất và hiệu quả vượt trội so với đối chứng, được chính quyền và nông dân các địa phương đánh giá cao. Qua quá trình thực hiện, Trung tâm đã xây dựng quy trình đầu tư, sản xuất phù hợp và hướng dẫn nông dân áp dụng vào thực tế có hiệu quả. Trung tâm cũng đã lựa chọn đưa vào khảo nghiệm và đề xuất Sở NN&PTNT đưa vào sản xuất một số giống cây trồng phù hợp, cho năng suất, chất lượng cao. Trung tâm còn hỗ trợ các địa phương thực hiện 54 mô hình KN để chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho nông dân.
Theo ông Nguyễn Văn Trượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Hoạt động KN năm 2015 đã bám sát thực tế tình hình biến đổi khí hậu; chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng CĐML; xây dựng MH sản xuất theo chuỗi, gắn với việc bảo vệ môi trường, nhằm hạn chế rủi ro, tăng giá trị trên cùng một đơn vị diện tích. Thông qua hoạt động KN, việc chuyển giao, ứng dụng, nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi… thuận lợi và hiệu quả. Công tác KN đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất.
Chú trọng nhân rộng các MH hiệu quả
Trong năm 2016, Trung tâm KNKN sẽ vận động và hướng dẫn nông dân nhân rộng các MH KN đã thực hiện đạt hiệu quả. Trung tâm sẽ lựa chọn địa điểm, đối tượng tham gia thực hiện 8 MH trồng trọt (sản xuất thâm canh bắp lai, đậu phụng, mè trên đất chuyển đổi; thâm canh mì; xử lý rơm rạ trên đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học...); 4 MH chăn nuôi (nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao; nuôi gà trên nền đệm lót sinh học; nuôi vịt thâm canh và trồng thâm canh một số giống cỏ mới); 3 MH nuôi trồng thủy sản (nuôi lươn; cá chim vây vàng; nuôi ương nâng cấp hàu giống Thái Bình Dương); 2 MH lâm nghiệp (trồng thâm canh cây gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô; trồng cây thầu đâu cứt chuột) và 1 MH máy cuốn rơm trên đồng ruộng.
Mặt khác, Trung tâm sẽ tập trung tuyên truyền về các giải pháp sản xuất nông nghiệp, lịch thời vụ gieo sạ, cơ cấu giống theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT và UBND tỉnh. Hướng dẫn nông dân các biện pháp diệt chuột, phòng trừ dịch bệnh bảo vệ cây trồng, vật nuôi; tổ chức nhiều buổi tọa đàm, tập huấn xây dựng CĐML, cánh đồng lớn; vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng; đa dạng các MH KN.
Trung tâm cũng sẽ ưu tiên xây dựng các MH, điểm trình diễn tại các xã miền núi, vùng cao, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nắm bắt được các kỹ thuật sản xuất mới để phát triển sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng.
PHẠM TIẾN SỸ