Ðặc sản Bình Ðịnh rộn ràng mùa Tết
Tết là thời điểm sôi động nhất trong năm đối với thị trường đặc sản Bình Ðịnh. Các cơ sở sản xuất tăng tối đa công suất vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, nhiều cơ sở kinh doanh đành lắc đầu với một số đơn hàng để giữ chữ tín.
Thời điểm này, rượu, bánh tráng, nem - tré, hải sản khô là những mặt hàng được tiêu thụ mạnh tại các cửa hàng đặc sản Bình Định; còn sau Tết thì bánh hồng, bánh ít lá gai… khan hàng.
- Trong ảnh: Khách hàng mua nem chợ Huyện tại cửa hàng đặc sản Bình Định Thanh Liêm.
Cầu vượt cung
Cả xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) có 220 cơ sở sản xuất bún khô - bánh tráng, dịp Tết này lượng lao động huy động đến 1.500 người - tăng gấp đôi so với ngày thường. Ông Lâm Chí Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, cho hay, trước đây mỗi cơ sở chỉ sản xuất 1 tấn bún/ngày, nay đã tăng lên chừng 1,5 tấn/ngày.
“Hiện nay, bún khô của làng nghề An Thái đã cạnh tranh ngang ngửa về chất lượng lẫn giá cả với sản phẩm ở nhiều tỉnh, thành; riêng “thủ phủ bún khô” Gia Lai đã nhập hàng từ Nhơn Phúc. Số cơ sở làm bún hằng năm của xã đều tăng, riêng năm 2015 tăng 7 cơ sở. Nhơn Phúc đã được đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Thắng Công rộng 27 ha” - ông Hoàng cho biết.
Năm 2015, cơ sở bún Song Thằn Hưng Đắt - Lý Thị Hương (thôn An Thái, xã Nhơn Phúc) sản xuất 26 tấn đậu xanh (cho ra 9 tấn bún), tăng hơn 10 tấn so với năm trước. “Huy động con cháu làm tăng ca mới được ngần đó bún, định bụng để bán Tết và thong thả nghỉ ngơi tháng Giêng. Sản lượng sản xuất đã tăng lên 70%, mà ai dè mới đến đầu tháng Chạp này đã cháy hàng. Điện thoại của các đại lý réo liên tục, khách ruột cũng đặt hàng làm quà biếu tặng, riết rồi tui sợ quá tắt luôn điện thoại” - ông Võ Tấn Hưng, chủ cơ sở, chia sẻ.
Tình hình “căng thẳng” cũng xảy ra ở các cơ sở kinh doanh đặc sản Bình Định. Chị Cao Thị Thanh Liêm, chủ cửa hàng đặc sản Bình Định Thanh Liêm (TP Quy Nhơn), cho hay, rượu, bánh tráng, nem - tré, hải sản khô là những mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất dịp trước Tết. Còn từ mùng 4 đến mùng 10 Tết thì bánh hồng, bánh ít lá gai cũng rơi vào tình trạng… khan hàng.
“Thời điểm cận Tết như hiện nay, cơ sở cháy hàng với sản phẩm bánh tráng nước dừa Tam Quan. Lượng đặt hàng tăng nhanh, mà gặp phải trời mưa nên đứt hẳn. Tôi nhận đơn hàng đặt mua 700 bánh tráng nước dừa của một khách hàng ở Hà Nội từ tháng 11.2015, khách đã chuyển tiền, nhưng phải khất hơn một tháng nay, đến chiều 30.1.2016 vừa rồi mới gom đủ hàng để gửi cho khách”- chị Liêm vui vẻ nói.
Trong khi đó, mùa Tết năm nay cửa hàng đặc sản Bình Định Như Ý (TP Quy Nhơn) bán rất chạy đặc sản rượu Bàu Đá, bún Song Thằn, nem - tré chợ Huyện. Bên cạnh đó, các sản phẩm đặc sản “made in Như Ý” như khô bò, các loại mứt gừng, mứt dừa, dưa món cũng bán rất chạy. Theo chủ cửa hàng Huỳnh Thị Thúy Vân, các sản phẩm này do chính tay mẹ chồng chị làm nên có vị riêng. Từ giữa tháng Chạp, chị Vân đã bắt đầu nhận đơn hàng Tết, đến nay đã có chừng 20 đơn hàng. Bình thường cơ sở của chị chỉ có 1-2 người làm, đến thời điểm này phải huy động gần chục người.
“Đến thời điểm này, số đơn hàng thì vẫn như Tết năm ngoái, nhưng lượng hàng trong mỗi đơn hàng lại nhỉnh hơn nhiều. Có đơn hàng lên đến gần chục triệu đồng, thậm chí 1 đơn hàng cho sản phẩm do chính cơ sở làm ra với giá trị lên đến cả trăm triệu đồng. Tôi phải huy động người làm, gửi hàng rải đều từ đầu tháng Chạp đến nay mà vẫn chưa thanh toán hết “nợ” cho khách” - chị Vân cho biết.
Từ đầu tháng Chạp, các cơ sở sản xuất bún Song Thằn ở Nhơn Phúc đã “cháy hàng” Tết.
Liên kết để nâng tầm đặc sản
Bắt đầu hoạt động từ tháng 12.2013, đến nay, đặc sản Bình Định của cơ sở Như Ý đã đi khắp trong nước và làm quà biếu khách nước ngoài. Cạnh tranh về chất lượng, giá cả và dịch vụ chăm sóc khách hàng, nên 70-80% lượng khách của Như Ý là người cũ. “Vừa rồi có đơn hàng từ Hà Nội đặt mua bánh ít lá gai với yêu cầu có chứng nhận sản phẩm để đưa sang Nhật Bản giới thiệu, nhưng tôi không nhận được vì còn phụ thuộc vào cơ sở sản xuất. Làm thế nào để xuất khẩu đặc sản Bình Định là trăn trở lớn của tôi” - chị Huỳnh Thị Thúy Vân bày tỏ.
Còn chị Cao Thị Thanh Liêm thì cho rằng, một trong những trở ngại khiến đặc sản Bình Định chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt trong dịp Tết, là cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ. Chị Liêm cho hay: “Hôm rồi, tôi làm việc với chủ cơ sở làm bánh ít, đề nghị tăng lượng cung cấp sau Tết lên thêm vài trăm bánh/ngày, nhưng cũng đành chịu. Dù vậy, tôi cũng không lấy hàng ở cơ sở khác, chấp nhận khan hàng để đảm bảo chất lượng sản phẩm và uy tín”.
Ông Lâm Chí Hoàng cho rằng, đến nay, bún- bánh đã trở thành một trong những mũi nhọn về phát triển kinh tế của xã Nhơn Phúc. Dù sản phẩm đã cạnh tranh và phổ biến khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng vẫn chưa có chiến lược đầu tư bài bản để phát triển hơn nữa. Quá trình tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng vẫn gặp khó khăn. Ông Hoàng mong muốn Nhà nước quan tâm hơn đến các sản phẩm đặc sản của địa phương, hỗ trợ thêm về cơ chế, chính sách để xã mở rộng thêm cơ sở, khôi phục, duy trì và nâng cao năng suất sản xuất của sản phẩm.
Để tiêu thụ hàng đặc sản phải thông qua nhiều kênh: phân phối tại hệ thống nội địa, xuất khẩu sang các nước thông qua hệ thống phân phối nước ngoài tại Việt Nam cũng như hệ thống phân phối của Việt Nam tại nước ngoài… Song, cũng cần lưu ý hoạt động “xuất khẩu tại chỗ” cho đặc sản Bình Định, tức là kết nối đặc sản với các vùng du lịch, để du khách nước ngoài khi đến vùng du lịch có thể mua và quảng bá cho đặc sản vùng đó.
Việt Nam đã và đang gia nhập thị trường toàn cầu với việc thực hiện các cam kết thương mại khu vực và quốc tế. Đây là cơ hội cho đặc sản vùng miền mở rộng thị trường tiêu thụ sang nước ngoài. Để làm được điều này, chúng ta cần phải có chương trình truyền thông, quảng bá các thương hiệu đặc sản vùng miền; kết nối các địa phương, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp để hình thành hệ thống cung ứng, phân phối hàng hóa đảm bảo yêu cầu chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ. Đơn giản, việc có thể làm ngay là chứng nhận cho các cơ sở chuyên kinh doanh mặt hàng đặc sản Bình Định đủ tiêu chuẩn để phục vụ du lịch…
THU HIỀN