“Cuộc đời của Yến” chinh phục khán giả Quy Nhơn
Những tối cuối tuần vừa qua, đã có đông khán giả đến Cụm rạp CGV Quy Nhơn để có những giờ phút hòa cùng “Cuộc đời của Yến”. Người xem đã có nhiều cảm xúc khi thưởng thức bộ phim đã giành 5 giải thưởng danh giá ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 19 - năm 2015.
Bộ phim “Cuộc đời của Yến” thu hút đông khán giả đến thưởng thức tại cụm rạp CGV Quy Nhơn.
1. “Cuộc đời của Yến” ra mắt khán giả tại TP HCM vào đầu tháng 1.2016, được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao khi đoạt giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 2015, cùng nhiều giải thưởng ở các hạng mục: Nữ diễn viên chính, Âm nhạc, Quay phim và Thiết kế sản xuất.
Điều này trước hết xuất phát từ việc bộ phim đã có cách khai thác sâu sắc, nhân văn và sinh động một đề tài quen thuộc về vấn nạn tảo hôn và số phận của người phụ nữ nông thôn trước đây. Bối cảnh bộ phim trải dài từ trước cho đến sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Ngay đầu bộ phim, người xem đã thấy ngèn ngẹn trước cảnh cô bé Yến mới vừa hồn nhiên chơi trò trẻ con, sau đó lại phải theo sự chấp thuận của gia đình khăn gói về làm dâu nhà chổng, làm vợ của Hạnh - người chồng thua mình 1 tuổi. Để rồi cuộc đời của Yến trải qua những thăng trầm với số phận gia đình nhà chồng, cùng những biến đổi của đời sống xã hội thời bấy giờ.
Vai diễn Yến trong phim “Cuộc đời của Yến” đem lại cho diễn viên Thúy Hằng giải “Nữ diễn viên xuất sắc” tại Liên hoan phim Việt Nam 2015.
2. Xem Thúy Hằng thể hiện vai Yến khi đã trưởng thành trong bộ phim mới cảm nhận rõ vì sao cô được trao giải “Nữ diễn viên xuất sắc” tại Liên hoan Phim Việt Nam 2015. Thúy Hằng đã thực sự hóa thân, thể hiện nhân vật một cách sâu sắc, đặc biệt là diễn xuất đôi mắt mang tính biểu cảm tinh tế, chất chứa và gợi mở nhiều điều về thân phận của người phụ nữ phải “lấy chồng từ thuở còn thơ” nhưng luôn chịu khó, đảm đang và nhẫn nhục, hi sinh vì chồng con.
Càng về cuối, bộ phim càng lôi cuốn khi cô Yến sau bao nhiêu vất vả, đồng cam cộng khổ cùng chồng, đổi lại nhận được tin chồng trong quá trình đi kinh tế mới đã sống như vợ chồng với một phụ nữ khác...
Cô đơn cùng cực, khao khát hơi ấm của chồng... để rồi đau đớn có lúc như điên dại nhưng Yến đã chịu khó học chữ chỉ để có thể hiểu phần nào những nội dung cuốn sách mà chồng ngày xưa đã học và luôn nâng niu gìn giữ. Yến làm người xem kinh ngạc vì nghị lực phi thường. Yến có rơi nước mắt nhưng lại không bi quan, ủy mị. Và rồi, khi tìm đến vùng kinh tế mới để chứng kiến sự phản bội của chồng, Yến vẫn nhẹ nhàng thăm hỏi và trao cho chồng những cuốn sách của ông bà để lại mà anh luôn trân quý, cùng l,ời nhắn nhủ, rằng: “Đừng để mây mưa đánh đổi đá vàng”.
Lần giở những trang sách giữa núi rừng quạnh vắng, chồng của Yến đã “thức tỉnh”, quay về nhà khi bắt gặp những dòng chữ Yến viết nắn nót trên trang giấy, đong đầy tình cảm gia đình...
Ông Nguyễn Văn Hải (50 tuổi), một khán giả, nhận xét: “Phim có nhiều cảnh quay đẹp, âm nhạc hay, nhiều đoạn rất xúc động. Tôi thích đoạn kết phim mang đậm tính nhân văn, gợi mở tương lai tươi sáng với cuộc sống gia đình hạnh phúc mà người phụ nữ biết nhẫn nhịn, hi sinh, luôn hết mình chăm lo cho chồng con luôn xứng đáng nhận được…”.
3. Ngoài nội dung, diễn xuất, bộ phim còn có những “điểm cộng” khác như những thước quay rất đẹp trong cảnh quay cánh đồng lúa xanh ngút ngàn, con sông quê, cây đa bến nước, cảnh chài lưới trên sông… bình yên và thơ mộng… Đồng thời, hai bài hát chủ đề của bộ phim do Lê Cát Trọng Lý sáng tác và trình bày cũng góp phần tạo thêm xúc cảm cho người xem.
Thông qua bộ phim, đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ tiếp tục thể hiện được tài năng và những bước trưởng thành về nghề nghiệp của mình. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đạo diễn Vũ cùng với ê-kíp làm phim đã có sự chuẩn bị công phu, tỉ mỉ để tái hiện không gian làng quê Bắc Bộ xưa. Với việc tạo ra những “điểm nhấn” trong phim, những câu chuyện tưởng chừng chỉ còn trên sách vở được đạo diễn Vũ kể lại trên màn ảnh đầy mộc mạc, chân chất và đẹp đẽ…
HOÀI THU