Hàng hóa tiêu dùng dịp Tết: Đến hẹn lại… tăng
Càng gần đến Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa tiêu dùng càng sôi động. Dù hàng hóa không khan hiếm, cước phí vận chuyển ổn định, nhưng giá cả cứ nhích dần.
Nhu cầu sắm Tết tăng cao, kéo theo sự xuất hiện của nhiều điểm kinh doanh “ăn theo”. Ông Trần Phúc Danh, Trưởng Ban quản lý chợ Đầm (Quy Nhơn) cho biết, toàn chợ có 360 lô bán hàng cố định, 400 hộ kinh doanh không cố định; nhưng đến thời điểm này số hộ kinh doanh đã “nở” ra đến khoảng 1.000. “Sức mua tại chợ đến nay đã tăng 10-15%, rải đều từ 20 tháng Chạp trở đi, chứ không tập trung vào mấy ngày cận Tết như trước” - ông Danh nhận định.
Cận Tết, thịt gia súc, gia cầm là một trong những sản phẩm được tiêu thụ nhiều nên giá biến động từng ngày.
- Trong ảnh: Các quầy hàng thịt heo, thịt bò tại chợ Đầm đông khách, sáng 1.2.
Rủ nhau tăng giá
Thời gian gần đây, thực phẩm khô, hải sản khô được nhiều bà nội trợ lựa chọn không chỉ để dùng cho gia đình trong mấy ngày Tết mà còn làm quà biếu. Đến thời điểm này, các loại đồ khô đã tăng giá từ vài ngàn đồng đến trên dưới 100 ngàn đồng/kg. Biến động lớn nhất phải kể đến mực khô, tăng 50.000 - 100 ngàn đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Thủy, chủ cơ sở hải sản khô Bình Thủy (tại TP Quy Nhơn), cho hay: “Giá mực khô đang tăng mạnh; loại mực nhỏ đến nay đã tăng 30.000 - 40.000 đồng/kg, loại lớn tăng từ 100 ngàn đồng trở lên/kg. Nguyên nhân là mặt hàng này hiện “ăn” mạnh tại thị trường Trung Quốc. Giá mực khô cao quá nên các cơ sở nhỏ lẻ không dám trữ hàng”.
Nhóm thịt gia súc, gia cầm cũng không nằm ngoài xu thế chung về giá thời điểm Tết. Tại chợ Đầm Quy Nhơn, có khoảng 40 hộ tiểu thương kinh doanh mặt hàng này, với lượng hàng phong phú. Bà Nguyễn Thị Kim Lai, tiểu thương bán thịt heo ở chợ này, cho biết: “Một tuần nay, giá thịt heo tăng 2.000 - 5.000 đồng/kg; riêng thịt nạc tăng mạnh nhất, 10.000 - 15.000 đồng/kg do đang vào mùa làm nem chả”.
Từ rằm tháng Chạp đến nay, giá các loại rau - củ - quả cũng liên tục biến động, dù không khan hàng. Đậu cô ve, dưa leo, khổ qua là 3 nhóm hàng địa phương tăng mạnh nhất, mức tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg; hiện giá đậu cô ve 18.000- 20.000 đồng/kg, khổ qua 20.000- 22.000 đồng/kg, dưa leo 11.000 - 13.000 đồng/kg. Các loại rau ăn lá tăng 1.000 - 3.000/kg.
Đến nay, các sạp trái cây lớn cũng đã tăng lượng hàng bán Tết. Tuy nhiên, tiểu thương đều khẳng định sức mua chỉ thực sự tăng mạnh từ 26-28 tháng Chạp. Bà Phan Thị Kim Huệ, chủ sạp trái cây Huê Đạo (đường Tăng Bạt Hổ, Quy Nhơn), cho hay giá các loại trái cây trong nước vẫn ổn định, thậm chí có loại giảm, như vú sữa, thanh long… Tuy nhiên, đó là hàng xấu, còn hàng đẹp vẫn tăng giá. Trái cây ngoại đến nay đã bị đầu nậu “ngưng” bỏ hàng cho các cơ sở, để đến 3 ngày cận Tết “bung” ra thu lãi. Tăng mạnh nhất trong nhóm trái cây nhập khẩu là nho đen Mỹ, giá hiện tại 170 ngàn đồng/kg, đến Tết có thể vọt trên 200 ngàn đồng/kg.
Nhiều lý do tăng
Hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết có thể nói không năm nào thiếu. Đại diện Sở Công Thương cũng khẳng định, các cơ sở sản xuất, phân phối dự trữ một lượng lớn hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, dẫn đến “sốt” giá dịp Tết. Tuy nhiên, càng sát Tết thì giá cả lại đồng loạt tăng. Một tiểu thương lý giải: “Làm ăn cả năm chỉ mong có mấy ngày Tết “kiếm” được tí chút. Hàng hóa dồi dào, nhưng giá vẫn cứ tăng vì tâm lý mua - bán mấy ngày Tết. Tất nhiên, giá tăng đến đâu còn phụ thuộc vào sức mua”.
Đến nay, giá các dịch vụ cũng đã rục rịch tăng. Nhiều cửa hàng điểm tâm đã tăng giá lên 5.000 đồng/tô. Nhiều quán cắt tóc, làm đẹp ở nội thành Quy Nhơn đã huy động tối đa lực lượng để bắt đầu cho mùa cao điểm. Giá rửa xe ở một số điểm đã tăng 5.000 đồng/lần. Giá các dịch vụ giữ xe; sửa chữa ô tô, xe máy; dọn nhà; cho thuê xe tự lái... cũng nhích lên từng ngày theo “luật bất thành văn”.
Xăng dầu được xem là một trong những yếu tố tác động mạnh đến giá hàng hóa tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường Tết gần như không bị chi phối bởi quy luật này, bất chấp xăng dầu đang giảm giá mạnh, giá hàng tiêu dùng vẫn tăng. Theo phản ánh từ phía các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, xăng dầu giảm giá khó tác động ngay vào thị trường hàng hóa. Thực tế, giá cả các mặt hàng tiêu dùng hiện còn ở mức cao cũng do hệ thống phân phối hàng hóa rất lòng vòng, qua nhiều khâu trung gian.
Mặc dù nhà phân phối đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hàng ra thị trường, nhưng các doanh nghiệp đều thừa nhận hiện không thể quản lý được đơn vị phân phối tới các chợ. Trong khi đó, các cơ quan quản lý lại chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc ổn định thị trường, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá các mặt hàng hóa dịp Tết đến hẹn… lại tăng.
THU HIỀN