Niềm vui và nỗi lo
Thống kê số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường Ðại học Quy Nhơn năm 2013 cho thấy, khối ngành sư phạm có tỉ lệ chọi cao nhất với 1/9,6; thấp nhất là khối ngành kinh tế với tỉ lệ 1/1,26.
Lượng hồ sơ vào trường sư phạm tăng là thông tin đáng mừng. Ngành Sư phạm đã được yêu mến trở lại, xứng đáng với truyền thống “tôn sư trọng đạo” từ bao đời nay. Niềm vui này có thể bắt nguồn từ những chính sách ưu đãi gần đây, nhất là từ khi Nhà nước bổ sung chế độ chính sách thâm niên cho giáo viên.
Tuy nhiên, điều thí sinh vẫn còn nhiều băn khoăn là việc làm sau khi ra trường. Một thực tế mà chúng ta có thể nhìn thấy trong ngành sư phạm đó là giáo viên khi ra trường không có việc làm ngày càng nhiều. Và khi đầu ra ứ đọng thì đầu vào khó để có sinh viên giỏi. Với những người giỏi, không ai đi chọn một ngành học trong 4 năm, tốn thời gian, công sức, tiền bạc để rồi ra trường không có việc để làm.
Tình trạng mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng hiện xảy ra rất phổ biến ở tất cả các ngành nghề đào tạo. Ngành Sư phạm cũng vậy, chỉ tiêu tuyển sinh không có căn cứ rõ ràng mà chỉ dựa theo cảm tính, đưa ra trên cơ sở nhu cầu người học. Muốn có cơ cấu hợp lý đào tạo theo nhu cầu môn học, nhu cầu của địa phương thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Các Sở GD-ĐT phải có dự báo về đội ngũ giáo viên sau 4-5 năm tới để người học có thông tin lựa chọn và các trường sư phạm có kế hoạch đào tạo phù hợp.
Hiện nay có một bất cập trong khâu đào tạo giáo viên đó là khi mở ngành ra thì được cấp chỉ tiêu và các trường cứ cố gắng tuyển cho đủ mà không cần biết nhu cầu của xã hội như thế nào. Bỡi vậy, cần quy hoạch từ quản lý vĩ mô; ngành giáo dục cần bao nhiêu thì đào tạo bấy nhiêu. Như vậy, khi đào tạo xong thì cơ bản người nào cũng có việc làm. Phải có quy hoạch về số lượng thì mới có được quy hoạch về chất lượng. Hiện nay chúng ta vẫn thả nổi quy hoạch này, dẫn tới thừa giáo viên.
Khi có quy hoạch bài bản, sinh viên ra trường có việc làm thì sẽ có được những học sinh khá ghi tên thi vào ngành sư phạm. Và nếu có đãi ngộ cao lên chút nữa thì sẽ lấy được những người giỏi. Hẳn nhiên, chính sách đãi ngộ cũng cần thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn. Đổi mới giáo dục phổ thông gắn liền với chất lượng đào tạo sư phạm. Cũng chính vì vậy, trong quốc sách hàng đầu của giáo dục là giáo viên. Nếu giáo viên yếu sẽ phản ứng tắt dần dây truyền chất lượng, chất lượng đầu vào cao thì sẽ tăng dần chất lượng ở các bậc học. Miễn học phí chỉ là một trong những giải pháp để thu hút người khá, giỏi vào ngành sư phạm. Giải pháp mang tính căn cơ, bền vững nhất để thu hút người tài vào ngành sư phạm vẫn là chế độ đãi ngộ, đồng lương với giáo viên sau khi ra trường.
Chất lượng của đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, không có thầy giỏi thì sẽ không thể có trò giỏi được. Giải bài toán cho ngành Sư phạm còn nan giải và cần có thời gian. Nhưng dẫu có khó khăn ra sao thì chúng ta cũng phải bắt đầu với những giải pháp tích cực nhất có thể.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có Chỉ thị số 895 về việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển xã hội giai đoạn 2013-2015, trong đó có yêu cầu rõ trách nhiệm đối với từng đơn vị, cơ sở đào tạo cũng như đề ra những nhiệm vụ cụ thể, sát với thực tiễn và khả thi trong tương lai. Hy vọng đây sẽ là một “cú huých” để tạo ra một đội ngũ giáo viên bảo đảm về chất lượng
Ngọc Minh