Đưa chế biến, xuất khẩu gỗ thành ngành kinh tế mũi nhọn
Năm 2015, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 4 trên thế giới, sau Trung Quốc, Đức, Italy. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,3 tỉ USD, tăng 7,8% so với năm 2014.
Theo nhận định của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vượt trội hơn so với nhiều ngành hàng chủ lực khác. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 6,9 tỉ USD, tăng 10,7% so với năm trước (nguồn Tổng cục Hải quan).
Hiện Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU vẫn là những thị trường nhập khẩu nhiều nhất gỗ và các sản phẩm gỗ từ Việt Nam.
Dự kiến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2-7,3 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 8-10%.
Trong khi đó, với thị trường trong nước, đồ gỗ đã làm chủ được sân nhà. Nếu như nhiều năm qua, ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ tập trung xuất khẩu các sản phẩm chế biến sử dụng nhiều lao động, thì nay nhiều doanh nghiệp đã có nhận thức tạo giá trị gia tăng khác như đầu vào thiết kế phát triển sản phẩm, gia tăng hàm lượng công nghệ thiết bị-vật liệu trong chế biến, nâng cao kỹ năng quản lý, dịch vụ, bán hàng…
Lãnh đạo Hiệp hội Gỗ-Lâm sản Việt Nam (VFA) cho biết, năm 2000 cả nước mới chỉ có 741 doanh nghiệp chế biến gỗ lâm sản, đến nay tăng lên 3.934 doanh nghiệp.
Ngoài ra, cả nước còn có hơn 340 làng nghề với hàng vạn hộ gia đình, cơ sở chế biến gỗ. Việt Nam đã hình thành một số trung tâm chế biến, xuất khẩu gỗ lớn như TPHCM, Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai…
Với nhiều tiềm năng và nỗ lực, ngành chế biến gỗ, lâm sản trở thành một trong những ngành có giá trị xuất khẩu hàng đầu Việt Nam.
Đặc biệt, xuất khẩu gỗ sẽ rộng đường tăng trưởng hơn khi dự kiến cuối năm nay, Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết. Đây được đánh giá là cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam mở rộng và giữ vững thị trường xuất khẩu.
EU là thị trường rất tiềm năng cho sản phẩm gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, để xuất khẩu gỗ sang thị trường này cần có những tiêu chuẩn khắt khe. Trong đó, việc EU đưa ra dự thảo đầu tiên về chương trình hành động FLEGT là ví dụ điển hình. Một trong những nội dung quan trọng nhất của chương trình này là ký kết VPA với các quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ vào EU.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, Việt Nam ký VPA với EU sẽ tăng niềm tin với các khách hàng Hoa Kỳ, Australia và Nhật Bản - những thị trường đã áp dụng các quy chế tương tự như EU về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Qua đó, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu quan trọng này cho ngành gỗ Việt Nam.
Theo Công Trí (Chinhphu.vn)