Mưu sinh “kiếm” Tết
Thời điểm này, không ít người đã ngóng Tết như một dịp để nghỉ ngơi sau một năm dài làm việc, được sum vầy bên gia đình. Nhưng, với nhiều người, đặc biệt là những lao động tự do, họ mong ngày Tết đến chậm thêm đôi chút để họ có thêm nhiều cơ hội mưu sinh, “kiếm” Tết.
Bước qua 25 tháng Chạp, người dân thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) kiếm thêm thu nhập tại các cơ sở nấu bánh tét ở KV 6, phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn).
1.
Những ngày cuối năm, hàng trăm lao động tự do tất bật, cần mẫn hơn với công việc của mình. Ở góc chợ, ngã ba đường, vỉa hè, người thợ sửa, may giày dép vẫn say sưa, tỉ mẩn với công việc quen thuộc. Ngày cận Tết, khách hàng tìm đến với họ đông hơn bởi muốn làm chắc lại đôi giày mới mua hoặc chỉnh sửa, làm mới lại đôi giày đã cũ nhưng vẫn còn đi được. Và người thợ làm đến quên ăn để kịp giao hàng cho khách.
Mặc kệ cho không gian xung quanh đã nhộn nhịp, khẩn trương với những hoạt động sắm sửa, chuẩn bị Tết, anh Nguyễn Văn Cường, 37 tuổi, thợ sửa giày ở Chợ Dinh (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) vẫn luôn tay may may, dán dán. Anh bỏ nhỏ: “Ngày cận Tết, hàng nhiều mà khách thì ai cũng vội, ai cũng hối thúc làm nhanh, lấy liền. Mấy bữa rày, tôi thường chẳng ăn đúng buổi hoặc ăn cho có. Nhiều bữa xách cà mèn cơm về nhà vẫn còn nguyên, vợ lại càu nhàu. Nhưng biết làm sao được, phải ráng thôi. Mình là dân lao động. Nghề này thì chỉ mùa này mới đông khách, tấp nập. Qua Tết, đâu có mấy ai mang giày đi sửa đâu. Thu nhập trang trải 3 ngày Tết mà cả những ngày của tháng Giêng, Hai đều nằm trong mấy ngày cuối năm này”.
Xem thời điểm cận Tết là “mùa kiếm cơm” cho Tết và cả ngày sau Tết, những lao động kiếm sống từ “nghề mọn” khác như: sửa quần áo, gom mua ve chai... cũng không ngơi nghỉ. Trên đường, những bà, cô, chị vẫn tất tả, xiêu vẹo bên chiếc xe đạp chở giấy báo vụn, đồ nhôm nhựa. Chuyến xe cồng kềnh ấy chở cả mùa xuân, bộ quần áo mới cho con thơ, phần bánh mứt, hoa quả để dâng lên bàn thờ tổ tiên hoặc thết đãi họ hàng, anh em trong 3 ngày Tết.
Ghé điểm thu mua ve chai trên đường Diên Hồng, TP Quy Nhơn khi thành phố đã lên đèn, chị Phạm Thị Bích (42 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong) vội dỡ số hàng mua được xuống đất. Thành quả của cả buổi chiều là vài ký bìa các-tông, gần trăm vỏ lon bia, giấy báo cũ, đồ nhựa đã vỡ... Chị Bích cho biết, ngày Tết, nhà nhà cúng tất niên, dọn dẹp nhà nên chị kiếm được nguồn thu khá mỗi ngày.
“Tôi có một đứa con khù khờ, gửi nhờ ông bà trông coi giúp để đi kiếm tiền. Mỗi ngày, tôi đều đi từ sáng sớm đến tối mịt. Ngày nào cũng đạp xe vòng vòng thành phố, ghé hỏi từng nhà. Mua riết rồi quen, nhiều chủ nhà thương mình, giữ luôn cả số điện thoại để khi có nhôm nhựa, giấy báo cũ thì gọi tới lấy. Hôm nào được thu mua phế liệu trong một công trình, một cơ quan, cửa hàng là tôi mừng hết sức”, chị Bích chia sẻ thêm.
Thợ gò hàn ở xã Nhơn An (TX An Nhơn) đánh bóng lư đồng ngày cận Tết.
2.
Giáp Tết cũng là thời điểm một bộ phận người lao động gác lại công việc thường nhật, chuyển sang “nghề tay trái”. Một trong những nghề phụ chỉ hình thành trong ngày Tết là đánh bóng lư đồng. Khắp mọi nơi trong tỉnh, từ thành phố đến miền quê, xuất hiện những tấm bảng “nhận đánh bóng đồ đồng”, “có chà đồ đồng”... đặt bên cạnh mô tơ điện.
Từ 20 tháng Chạp, anh thợ gò hàn Trần Thanh Sơn (33 tuổi, ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) dành hẳn một góc trước nhà để nhận đánh bóng lư đồng. Nhiều bộ lư đồng lớn, phải được đánh kỳ công, mất nhiều thời gian có thể cho anh thu nhập 200 ngàn đồng/bộ. Anh Sơn thừa nhận: “Nghề tay trái này giúp tôi có được khoản thu tương đối để phụ giúp vợ lo Tết. Ngày nào trúng mánh, nhận được khoảng 10 bộ lư thì tôi kiếm được tiền triệu”.
Trong khi đó, nhiều người dân ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước đang tất bật hoàn tất việc chuẩn bị Tết để ngày 25 Tết là rủ nhau xuống khu vực nằm dưới chân núi Bà Hỏa (tổ 39, khu vực 6, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) làm công nấu bánh tét, bánh chưng. Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngọc (60 tuổi, ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) cho biết, cứ đến ngày này là bà rời nhà, đến “đầu quân” cho mấy cơ sở nấu bánh tét, bánh chưng. Công việc này không vất vả, nặng nhọc mấy nhưng phải làm luôn tay, chịu khó thức khuya.
Bà Ngọc bảo: “Tôi làm nghề này đã hơn 10 năm rồi. Nó không phải là nghề chính nhưng cho mình số tiền kha khá những ngày cuối năm với mức tiền công hơn 200 ngàn đồng/ngày. Dù là cận Tết đi nữa nhưng nếu có việc làm, kiếm được tiền để lo cho hàng trăm thứ trước, trong và sau Tết, bà con chúng tôi đều không từ chối”.
HÀ THANH