“Thương hiệu” cây cảnh Tây Sơn
Những ngày giáp Tết Bính Thân 2016, anh em nghệ nhân cây cảnh huyện Tây Sơn xúm xít tất niên chia tay năm cũ, đón mừng xuân mới. Một năm sôi nổi hoạt động vừa qua, Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Tây Sơn đã gặt hái được nhiều thành công...
Nghệ nhân SVC cấp quốc gia Tạ Văn Đễ (xã Bình Nghi ) và tác phẩm Cây me cổ thụ dáng trực. Ảnh: ĐÀO MINH TRUNG
Một trong những thành công của Hội SVC Tây Sơn là tham gia Festival Hoa Đà Lạt 2015 với 100 tác phẩm cây cảnh các loại và đã đoạt 2 Huy chương Đồng, 1 giải Khuyến khích dành cho thể loại cây cảnh, giải Nhì gian hàng trưng bày đẹp và Bằng khen của UBND TP Đà Lạt – tỉnh Lâm Đồng. Thành quả này bổ sung đậm nét vào bộ sưu tập huy chương và bằng khen các loại của Hội SVC Tây Sơn, khẳng định “thương hiệu” cây cảnh Tây Sơn trong giới chơi cây cảnh cả nước.
Ông Tạ Văn Đễ - nghệ nhân cấp quốc gia - Chủ tịch Hội SVC xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), phấn khởi cho biết: “Bình Nghi vừa có thêm một hội viên được công nhận là nghệ nhân SVC cấp quốc gia, làm tăng thêm lực lượng hội viên nòng cốt ở địa phương với hàng trăm vườn cây cảnh xanh tốt ở gia đình. Hội SVC Bình Nghi luôn có tác phẩm tham gia trưng bày tại các hội chợ, triển lãm SVC ở trong và ngoài tỉnh. Góp mặt trong vườn hoa, cây cảnh trăm sắc màu ở Festival Hoa Đà Lạt vừa rồi, tác phẩm “Cây me cổ thụ dáng trực” khoảng 500 năm tuổi, giá trị cả tỉ đồng, và tác phẩm “Cây bằng lăng dáng thiềm thừ (cóc tài lộc)” giá trị hàng trăm triệu đồng của nghệ nhân Bình Nghi đã chinh phục được người sành chơi cây cảnh khi đến tham quan Festival Hoa Đà Lạt”.
Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Tây Sơn, nhận xét : “Các tác phẩm cây cảnh mà Hội SVC huyện vừa tham gia trưng bày phục vụ Đại hội Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ XX nhiệm kỳ 2015 - 2020 được người xem đánh giá rất cao. Mặt khác, du khách tham gia lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào đầu tháng Giêng hàng năm, khi thưởng ngoạn cây cảnh của Hội SVC trưng bày, cũng đều tấm tắc khen ở Tây Sơn có nhiều tác phẩm đặc sắc, công phu, mỗi năm mỗi mới, lạ, đặc sắc. Nhờ thế mà thể hiện rõ “thương hiệu” cây cảnh Tây Sơn.
Ông Huỳnh Văn Tân- nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Sơn, Chủ tịch danh dự Hội SVC Tây Sơn - cho biết: “Góp phần xây dựng nên “thương hiệu” cây cảnh Tây Sơn là đội ngũ anh em hội viên, nghệ nhân trên địa bàn huyện, từ người am hiểu lâu năm đến người mới vào nghề. Tiêu biểu như các nghệ nhân: Phan Phú, Trần Văn Thiện, Nguyễn Hữu Đức, Trần Lộc, Đỗ Văn Ninh, Lê Xuân Cảnh ở thị trấn Phú Phong; Đặng Minh Hà ở xã Tây Giang; Văn Hữu Tùng, Tạ Văn Đễ, Nguyễn Thanh Phụng ở xã Bình Nghi; Phan Triều Sanh ở xã Bình Hòa; Hoàng Thi Thơ ở xã Bình Tân; Nguyễn Văn Thảo ở xã Tây Vinh… Các nghệ nhân này đã dày công ươm trồng, tạo dáng, thế với nhiều chủng loại cây cảnh đặc sắc, đại, trung, mi ni bon sai. Mỗi người, mỗi sáng tạo với thế mạnh, sở trường của mình, làm cho người xem thích thú khi thưởng ngoạn, tiếp xúc với tác phẩm. Cũng là sanh, sam, lộc vừng, mai, me, cần thăng, cừa, dương liễu… nhưng khi được tạo dáng, sửa sang bởi nghệ nhân cây cảnh Tây Sơn là mang thần thái, hồn cốt của đất trời Tây Sơn địa linh nhân kiệt”.
Nói về Hội SVC Tây Sơn, ông Nguyễn Duy Quý, Chủ tịch Hội SVC tỉnh, cho rằng: “Các tác phẩm cây cảnh ở Tây Sơn vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa có giá trị kinh tế cao, được Hội SVC huyện và tỉnh thẩm định, tuyển chọn để “đem chuông đi đánh xứ người”, khi thì trưng bày, triển lãm ở thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn, giao lưu với thị xã An Khê, TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), lúc thì có mặt ở các hội thi hoặc các sự kiện quan trọng ở TP Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội hay TP Đà Lạt; ở đâu “thương hiệu” cây cảnh Tây Sơn cũng đều được giới chơi cây cảnh đánh giá cao”.
Chơi cây cảnh là thú chơi tao nhã, nhưng nhiều hội viên, nghệ nhân ở Tây Sơn đã có cuộc sống khá hơn cũng từ thú chơi này. Cái hay của “thương hiệu” Tây Sơn còn là sự thuyết phục, mặc dù kinh phí khó khăn, nhưng Hội đã vận động được hội viên, nghệ nhân địa phương tích cực ủng hộ, tham gia, không những tham gia một lần đầu mà là thường xuyên, nhiều năm liên tục mỗi khi có sự kiện, qua đó quảng bá hình ảnh quê hương Tây Sơn với bạn bè gần, xa. Hội SVC Tây Sơn luôn giữ vững phong trào, bảo tồn và phát huy được “thương hiệu” cây cảnh Tây Sơn trong hiện tại và trong thời gian tới.
ĐÀO MINH TRUNG