24 ngày cho vận động bầu cử, dừng vận động trước bỏ phiếu 24 giờ
Có 4 hành vi bị cấm trong vận động bầu cử, trong đó có lợi dụng tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật...
Theo kế hoạch của Hội đồng Bầu cử Quốc gia được công bố tại hội nghị toàn quốc về bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp sáng 2.2, nhiều mốc thời gian đã được ấn định.
Danh sách và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh thành sẽ được công bố chậm nhất là ngày 2.3.2016 (80 ngày trước ngày bầu cử).
27.4 chốt danh sách ứng viên chính thức
Cụ thể, danh sách và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh thành sẽ được công bố chậm nhất là ngày 2.3.2016 (80 ngày trước ngày bầu cử).
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 3 đại biểu Quốc hội làm việc tại địa phương.
Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi tỉnh, thành.
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba lần lượt diễn ra chậm nhất vào các ngày 17.2, 18.3 và 17.4.2016.
Thời gian chót để các ứng viên (kể cả tự ứng cử) nộp hồ sơ là 17h ngày 13.3.2016.
Uỷ ban bầu cử ở tỉnh sau khi nhận hồ sơ ứng cử, chuyển hồ sơ ưng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương về hội đồng bầu cử quốc gia, đồng thời chuyển lý lịch trích ngang kèm bản sao tiểu sử tóm tắt và kê khai tài sản đến ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương.
Chậm nhất ngày 27.4, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước.
Danh sách cử tri phải được niêm yết tại trụ sở uỷ ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu chậm nhất vào ngày 12.4.2016.
Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, uỷ ban bầu cử, ban bầu cử ngừng xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.
Kết quả bầu cử được công bố chậm nhất vào ngày 11.6.2016, tức là 20 ngày sau bầu cử.
24 ngày cho vận động bầu cử
Kế hoạch nêu rõ, việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân ở đơn vị nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (25 ngày trước ngày bầu cử) và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu (ngày 22.5.2016) 24 giờ.
Về hình thức vận động bầu cử, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân quy định hai hình thức.
Một là gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và hai là thông qua phương tiện thông tin đại chúng, đều theo quy định cụ thể của luật này.
Có 4 hành vi bị cấm trong vận động bầu cử, gồm:
- Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.
- Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.
- Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Theo Nguyễn Lê (VnEconomy)