Nghĩ về những mùa xuân đầu tiên của Đảng
Mùa xuân năm 1930, Đảng ta ra đời ở Hương Cảng (Trung Quốc), một sự kiện lịch sử ngày nay đã đi vào tâm thức của mọi người Việt Nam.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 6.1 đến ngày 7.2.1930. Nguồn tư liệu
Năm đó, để bảo đảm bí mật về sự kiện trọng đại này, những người cách mạng Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài, không phải ai cũng biết. Nhưng trong dòng chảy của những sự kiện lịch sử của Đảng, mỗi chúng ta ngày một hiểu biết thêm về nó. Tài liệu lưu trữ quan trọng nhất từ mùa xuân năm ấy, lại nằm ở Phòng Đảng Cộng sản Đông Dương. Phòng Lưu trữ cá nhân về Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc kho lưu trữ vĩ đại của Quốc tế Cộng sản, nay là Lưu trữ Lịch sử hiện đại của Liên bang Nga. Được cầm và tận mắt đọc những tư liệu, phần lớn viết tay của Bác, dù là tiếng Việt, Anh hay Pháp trong lưu trữ này, ai cũng cảm động vì ánh sáng trí tuệ, tình cảm của Người lan tỏa quanh ta.
Chưa bao giờ như trong các tháng 2, 3-1930, Bác viết nhiều thư, báo cáo, các tập sách nhỏ như thế. Và giọng văn chảy đều phấn chấn vui mừng vô cùng.
Lá thư Bác viết tay bằng tiếng Pháp hai trang nhỏ, có dòng chữ Việt Thư gửi Lê Hồng Phong, đang học năm cuối của Trường Đại học Phương Đông, để chuyển cho Bộ Phương Đông, đề ngày 2-3-1930. Thư có đoạn: “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa được thành lập trên cơ sở hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng. Đảng đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời. Hiện Đảng có 500 đảng viên với 40 chi bộ, một nửa số đó trong các nhà máy. Ảnh hưởng của Đảng ở miền Bắc mạnh hơn ở Nam kỳ. Vào thời điểm hợp nhất, còn có một nhóm cộng sản thoát thai từ Đảng Tân Việt. Mặc dù vậy, chúng tôi nghĩ rằng, sớm hay muộn nhóm này cũng sẽ hợp nhất với chúng ta…”.
Mùa xuân đầu tiên của Đảng còn được in dấu đặc biệt ở Mátxcơva, trong những người cách mạng Việt Nam trẻ tuổi đang theo học tại Trường Đại học Phương Đông và một số trường học khác ở Liên Xô. Nhiều người trong số họ đã biết sự kiện thành lập Đảng ở Trung Quốc qua nguồn tin của Bộ Phương Đông. Nhưng lúc đó, họ không được phép tổ chức công khai chào mừng sự kiện này. Sau cao trào 1930 - 1931, cái tên Đảng Cộng sản Đông Dương dần dần trở nên nổi tiếng trên các diễn đàn báo chí của Quốc tế Cộng sản. Và mùa xuân sau đó, ở Mátxcơva đã liên tiếp có những lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Mùa xuân 1933, họ quyết định mừng ngày thành lập Đảng. Trong biên bản ghi rõ có Ban Tiếp tân, Ban Kỹ thuật, Ban Văn nghệ. Riêng diễn văn thì giao cho Đinh Tân, Mi-nin (tức Nguyễn Khánh Toàn) dịch ra tiếng Pháp.
Mùa xuân 1934, Bác Hồ sau “vụ án Hồng Công” nổi tiếng đã vượt qua thử thách trong nhà tù thực dân Anh. Có mặt tại Mátxcơva trong sự vui mừng tột độ của anh chị em học viên Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo trong Quốc tế Cộng sản.
Một luồng gió mới thổi vào lòng người, vào lực lượng của Đảng ta vào mùa xuân 1935. Những người lãnh đạo Đảng hăm hở chuẩn bị tham dự Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Lê Hồng Phong viết bài diễn văn dài 7 trang bằng tiếng Nga, về tình hình Đảng Cộng sản Đông Dương từ Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (1928) đến Đại hội VII, trình bày tại cuộc họp mặt đông đảo của bạn bè quốc tế.
Một tư liệu quý báu trong hồ sơ lưu trữ của Quốc tế Cộng sản nói về vị thế của Đảng ta lúc ấy. Trong biên bản tốc ký bằng tiếng Nga của Đại hội, phiên họp 48, chiều 20.8.1935, đồng chí Vương Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản, đã phát biểu ý kiến ca ngợi Đảng Cộng sản Đông Dương và cao trào cách mạng 1930 - 1931:
“Lời đầu tiên tôi muốn dành sự lớn mạnh của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đảng này thành lập tháng 2-1930. Nửa sau năm 1931 và cả năm 1932, Đảng đã trải qua những thử thách khốc liệt… Đảng Cộng sản Đông Dương trước đó có 3.500 đảng viên. Trong giai đoạn hiện nay, con số đảng viên đã lên đến 5.189 đồng chí, các tổ chức quần chúng có tới 7.679 người. Đảng có 3 cơ quan tuyên truyền, lớn hơn cả thời kỳ 1930 - 1931…”.
Mùa xuân năm 1937, kỷ niệm Đảng ta tròn 6 tuổi, tại Mátxcơva có cuộc mít tinh ở Bộ Phương Đông, thu hút khá đông đảo bạn bè quốc tế. Đồng chí Lê Hồng Phong, lúc đó là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, chủ trì lễ kỷ niệm. Nhiều bản báo cáo, bài viết của những nhân vật nổi tiếng, đặc biệt của A.Mar-ty, một trong những yếu nhân của Đảng Cộng sản Pháp, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản; của Tô-gli-át-ty, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italia… bên cạnh việc ca ngợi Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày càng có thêm nhiều tiếng nói khẳng định vai trò to lớn của Nguyễn Ái Quốc với Đảng ta, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Mùa xuân 1939 - 1940, Nguyễn Ái Quốc về Trung Quốc lúc ngọn lửa của cuộc đại chiến thế giới đã lan rộng trên đất nước này. Khi Người xuất hiện ở Quảng Châu, Bác lại ở trong đội ngũ Hồng quân Trung Quốc, làm công tác tuyên huấn, gắn mình với cuộc Vạn lý trường chinh…
Mùa xuân mùa 1940, tại Diên An, Bác Hồ đã để lại một văn bản viết bằng tiếng Trung Quốc, dài gần 20 trang, có bản dịch tiếng Nga. Người đã viết vắn tắt về lịch sử Việt Nam, lịch sử Đảng ta từ năm 1930, các cuộc vận động cách mạng đã trải qua. Trọng tâm của tác phẩm về một “chiến lược biên giới”, cụ thể là lựa chọn tỉnh địa đầu Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Người đề nghị các đảng anh em, dù trong điều kiện Quốc tế Cộng sản đã giải tán, vẫn có thể giúp đỡ cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, cứu dân, hoạt động ở nước ngoài, tại Pắc Bó, biên giới Việt - Trung, Bác đã đặt những bước chân đầu tiên trên đất mẹ mến yêu:
Bác đã về đây Tổ quốc ơi!
Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi.
(Tố Hữu)
Theo Lê Văn Hiếu (SGGP)