Thiên Nga So Zuôn: Tìm niềm vui sống từ văn chương
Là lao động chính nuôi mẹ già và con nhỏ, tranh thủ sáng tác và sưu tầm truyện cổ dân gian giữa những giờ đi rẫy, tác phẩm được tỉ mẩn chép tay trong những quyển vở học sinh, vài tháng tác giả lại gửi xuống Quy Nhơn cho những bạn văn tốt bụng đánh máy giúp, để chia sẻ sáng tác mới, nhờ gửi cộng tác các báo, tạp chí... Đó là khởi đầu với văn chương của Thiên Nga So Zuôn, cây bút nữ 32 tuổi, người Bana ở huyện Vân Canh.
1.
Tuy yêu thích sáng tác thơ, văn từ nhỏ nhưng Thiên Nga So Zuôn lại tự ngăn cản chính mình với suy nghĩ: với trình độ học vấn chưa hết cấp 2 của mình, tốt hơn hết là hãy giấu nhẹm đi hoặc chôn chặt sở thích cầm bút và ngừng mơ mộng. Hơn nữa, cuộc sống nhiều biến cố, quá nghèo khó và đầy nỗi buồn mà Thiên Nga So Zuôn đã và vẫn đang phải trải qua, cố gắng vươn lên từng ngày đã khiến cô không còn tâm trí lẫn thời gian cho ấp ủ sáng tác.
Thiên Nga So Zuôn (người thứ hai từ trái sang) nhận Bằng khen của UBND tỉnh cho những đóng góp của mình trong năm 2015.
Suốt thời thơ ấu, Thiên Nga So Zuôn và các anh chị em trong nhà phải sống trong nỗi ám ảnh bởi tệ nghiện rượu quá nặng trong gia đình lẫn cộng đồng xung quanh; rượu khiến cha mẹ mụ mị và bất hòa liên miên, tâm hồn nhạy cảm của Thiên Nga So Zuôn bị thương tổn khá nhiều từ ấy. Rồi cha mất sớm, việc học của Thiên Nga So Zuôn kết thúc ở năm lớp 7 vì gia cảnh nghèo túng và căn bệnh khó hiểu: thường xuyên ngất xỉu và đặc biệt, sợ hãi tột cùng nếu phải ở một mình; con gái mới sinh được vài tháng cũng là lúc cô quyết định đơn thân nuôi con vì không thể tiếp tục chấp nhận một người chồng nát rượu và bạo hành.
Những năm gần đây, khi cuộc sống gia đình lẫn nội tâm đỡ bức bí hơn, tâm hồn nhạy cảm cố hữu trong Thiên Nga So Zuôn đã dẫn lối cho ước mơ sáng tác trở lại, cô thật sự bập vào những trang viết, một cách đầy say mê và cần mẫn…
2.
Trước sáng tác, Thiên Nga So Zuôn từng dành thời gian dài sưu tầm truyện cổ dân gian của người Chăm và Bana Vân Canh. Đây là việc làm ý nghĩa của cô nhằm nối tiếp công việc dang dở của cha - ông Prao Unh So Zuôn, một cán bộ cách mạng tập kết ra Bắc, thiết tha yêu nền văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
“Mỗi khi sưu tầm được những câu chuyện cổ hay, cha vui lắm, lại cẩn thận ghi vào những cuốn tập dày đã chuẩn bị sẵn, miệt mài và lặng lẽ trong nhiều năm, dễ có đến hàng chục quyển sổ như thế, cùng một số quyển sổ biên soạn chữ Chăm. Năm 1997, cha mất, mẹ đã chôn tất cả tài sản tinh thần ấy theo cha, tiếc là lúc ấy mình còn nhỏ, không hiểu là nên giữ, sao chép lại để khi có điều kiện thì in ấn, công bố những công trình ấy của cha. Từ năm 2006 mình bắt đầu sưu tầm, mong có thể làm được điều gì đó cho cha cũng như đồng bào mình…”, Thiên Nga So Zuôn cho hay.
Làng Kà Bưng (xã Canh Liên) nơi Thiên Nga So Zuôn đang sống vẫn chưa có điện, sóng di động thì “lên tuốt luốt trên núi cao mới có” nên dù có chiếc điện thoại “cục gạch” song chẳng mấy khi liên lạc được với cô.Thiên Nga So Zuôn không có máy tính và càng không biết sử dụng, cũng chẳng biết lái xe máy. Muốn gửi tác phẩm theo đường bưu điện để cộng tác các báo, tạp chí phải mất 300 ngàn đồng để đi xe ôm từ làng xuống trung tâm huyện, thêm chừng ấy cho vòng về, đây cũng là nguyên nhân khiến cho sáng tác của Thiên Nga So Zuôn cứ mãi ở “cổng trời”. Thế giới văn chương bắt đầu hé cánh cửa khi cây bút người dân tộc thiểu số này được Hội VHNT Bình Định phát hiện, mở ra những câu chuyện xúc động sau đó.
3.
Vừa sinh hoạt tại Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số, tháng 1.2016, Thiên Nga So Zuôn được kết nạp thêm vào Chi hội Văn học (đều thuộc Hội VHNT tỉnh). Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai công tác năm 2016 của Hội VHNT, Thiên Nga So Zuôn được nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
Thiên Nga So Zuôn tâm tình: “Truyện ngắn, thơ, truyện cổ dân gian sưu tầm mình viết tay gửi xuống Hội, có người đánh máy giúp, mình vô cùng hạnh phúc khi những truyện ngắn, bài thơ đã xuất hiện trên một số tạp chí, báo trong tỉnh. Mỗi lần xuống Quy Nhơn dự các hoạt động của Hội, ngoài được hỗ trợ chi phí đi lại, các anh chị lại chủ động gọi điện để đưa đón vì sợ mình lạc đường hoặc đi xe ôm tốn kém. Có người biếu mẹ mình áo ấm, tặng con gái mình áo mới đón Tết, mời mình về nhà chơi, đưa mình đi dạo phố phường… Trước đây mình cô độc, cả trong gia đình lẫn cộng đồng, nhưng từ khi cầm bút viết lách, sưu tầm, nhất là khi tham gia vào “mái nhà văn nghệ” của tỉnh và nhận lại rất nhiều sẻ chia, mình cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn lên, càng muốn sáng tác, sưu tầm tốt hơn để cảm ơn “nhịp cầu” văn nghệ đã mang đến mình một nguồn sinh khí mới”.
Công bằng mà nói, thơ cũng như những truyện ngắn đã trình làng của Thiên Nga So Zuôn (Gió sông Côn, Rừng già ơi, Chuyện đồi sim tím…) chưa thể nói là tốt và còn rất nhiều điểm đáng bàn. Điểm đáng ghi nhận là sau rất nhiều năm, ở Bình Định mới lại xuất hiện một tác giả văn học người dân tộc thiểu số, vì vậy Thiên Nga So Zuôn cần được bồi dưỡng nhiều hơn.
SAO LY