Ngành Y tế vào đợt cao điểm phục vụ Tết
Hiếm thấy khi nào ngành Y tế lại tất bật với công tác đối phó dịch bệnh như dịp Tết Bính Thân 2016. Trong khi đó, các cơ sở khám chữa bệnh lại tập trung chuẩn bị cho hoạt động điều trị.
Dù đã có nhiều biện pháp quyết liệt được triển khai, nhưng dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn diễn biến phức tạp trong những ngày đầu năm 2016. Từ ngày 1.1 đến ngày 2.2, toàn tỉnh đã ghi nhận đến 1.563 ca, tương đương hơn 57% số ca bệnh của cả năm 2015.
Phun thuốc đến 29 tháng Chạp
TP Quy Nhơn vẫn là điểm nóng SXH của toàn tỉnh với 552 ca. Kết quả điều tra dịch tễ và diễn biến thời tiết cho thấy dịch SXH vẫn rất khó lường trong thời gian tới. Thực tế đó đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải được quan tâm ở mức cao. Theo Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn Trần Kỳ Hậu, hoạt động xử lý hóa chất đã và đang được triển khai ở các khu vực tập trung ca bệnh cao. Các phường có nhiều bệnh nhân mắc mới cũng được phun hóa chất trên diện rộng, như phường Quang Trung (trong 2 ngày 1 và 2.2), phường Nhơn Phú (ngày 4 và 5.2). Riêng phường Trần Quang Diệu dự kiến sẽ phun thuốc đến tận ngày cuối cùng của tháng Chạp.
Đoàn viên thanh niên BVĐK tỉnh hiến máu phục vụ điều trị trong dịp Tết.
“Công tác thường trực phòng chống dịch vẫn duy trì 24/24 giờ suốt thời gian nghỉ Tết. Chúng tôi còn lập đội chống dịch cơ động để sẵn sàng huy động khi có tình huống khẩn cấp”, bác sĩ Hậu cho biết.
Trong khi đó, tại huyện Hoài Nhơn, dịch SXH tiếp tục được duy trì ở mức thấp. Từ đầu năm 2016 đến nay, cả huyện chỉ có 44 ca mắc mới, thấp thứ 2 trong số 10 huyện, thị xã, thành phố có ca bệnh (huyện An Lão chưa có SXH). Tuy nhiên, theo Đội trưởng Đội Y tế dự phòng huyện Hoài Nhơn Nguyễn Tự Trọng, không thể vì thế mà chủ quan, bởi ca bệnh rải rác trên nhiều địa bàn, nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn cao.
“Chúng tôi đã xử lý xong 15 ổ dịch SXH. Một chiến dịch diệt bọ gậy cũng được triển khai ở 17/17 xã, thị trấn từ ngày 10 đến 27 tháng Chạp. 4 khu vực có nguy cơ cao ở Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam và Hoài Đức cũng đã được phun thuốc chủ động. Ngày 29 tháng Chạp, chúng tôi vẫn phun thuốc diệt muỗi ở thị trấn Bồng Sơn, phải làm liên tục để ngăn dịch tái diễn”, ông Trọng khẳng định.
Chủ động chuẩn bị cho điều trị
Tết là cao điểm của hoạt động cấp cứu, điều trị. Vì thế, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải có kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự; chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt, đặc biệt là tai nạn giao thông có thể xảy ra. “Quan trọng là dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh; bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ”, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
BVĐK tỉnh là đầu mối tiếp nhận những ca bệnh nặng, công tác chuẩn bị càng được chú trọng. Phó Giám đốc Nguyễn Đồng cho hay, ngày 29.1, lãnh đạo Bệnh viện đã tổng kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị của từng khoa, phòng. Trong đó chú trọng lượng thuốc và máu dự trữ, cùng lịch phân công trực cụ thể.
Tại khoa Nhi, đến trưa 3.2 còn 160 bệnh nhân, trong đó có 39 ca SXH. Trưởng khoa Nhi Phạm Văn Dũng chia sẻ: “Hiện tại tình trạng quá tải đã giảm, nhưng dự báo bệnh nhân sẽ tăng trong các ngày cao điểm Tết, đặc biệt là bệnh về hô hấp, tiêu hóa, các ca SXH nặng. Vì thế, mỗi tua trực trong dịp Tết chúng tôi bố trí đến 15 người, trong đó có 2 bác sĩ và 12 điều dưỡng”.
Để đảm bảo đủ máu cấp cứu trong dịp Tết, ngày 1.2, Đoàn Thanh niên BVĐK tỉnh và Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh phối hợp tổ chức Ngày hội Xuân hồng lần III - năm 2016. 71 đơn vị máu thu được tại ngày hội rất có ý nghĩa, bởi thiếu máu phục vụ điều trị luôn là nỗi lo trong thời điểm tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông cần phẫu thuật, nhu cầu truyền máu rất lớn. “Hiến máu trong thời điểm nóng bỏng nhất của công tác phục vụ y tế dịp Tết thể hiện rõ nét tinh thần xung kích vì cộng đồng của lực lượng đoàn viên thanh niên Bệnh viện”, Bí thư Đoàn BVĐK tỉnh Huỳnh Lê Anh Vũ tâm sự.
NGUYỄN VĂN TRANG