THỊ XÃ AN NHƠN:
Các Trung tâm học tập cộng đồng ít hiệu quả
Hiện nay, hầu hết các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) trên địa bàn TX An Nhơn đều hoạt động chưa hiệu quả và mang tính cầm chừng.
Tính đến năm 2011, tất cả 15 xã, phường trên địa bàn TX An Nhơn đều đã thành lập TTHTCĐ nhằm tạo cơ hội học tập suốt đời, nâng cao hiểu biết của người dân về các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Thời điểm đó, nhờ “trợ lực” của số giáo viên do Phòng GD&ĐT TX An Nhơn tăng cường, một số TTHTCĐ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ban ngành tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, như: mở các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi…
TTHTCĐ phường Đập Đá - một trong những trung tâm được đầu tư xây dựng khang trang - nhưng hoạt động chưa hiệu quả.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, khi lực lượng giáo viên không tham gia nữa, hầu hết các TTHTCĐ hoạt động không hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân chính là bởi các chức danh giám đốc, phó giám đốc tại các TTHTCĐ đều do chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường; hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS tại địa phương hoặc cán bộ hội khuyến học kiêm nhiệm. Những người này hiển nhiên sẽ ưu tiên thời gian, tâm trí, công sức cho công việc chính, cho công tác chuyên môn và gần như không bố trí được thời gian cho việc quản lý, điều hành trung tâm.
Ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc - kiêm Giám đốc TTHTCĐ xã thừa nhận: Do hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm nên hiệu quả kém, TTHTCĐ chưa thể hiện vai trò hoạt động tư vấn và hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người dân. Mức độ gắn kết giữa hoạt động của các trung tâm với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chưa chặt chẽ...
Ngoài ra, hiện các TTHTCĐ tại TX An Nhơn còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Hầu hết các trung tâm đều “ké” hội trường UBND hoặc nhà văn hóa xã, phường làm địa điểm tổ chức hoạt động. Bên cạnh đó, các loại tài liệu phục vụ học tập, tham khảo còn nghèo nàn, trang thiết bị làm việc còn hạn chế.
Riêng TTHTCĐ phường Đập Đá được đầu tư xây dựng khá khang trang, bề thế; nhưng cũng chỉ được “vỏ” bên ngoài, còn cơ sở vật chất bên trong thiếu thốn, hoạt động kém hiệu quả, khiến người dân tại địa phương không hài lòng.
Trước thực tế này, cuối tháng 12.2015, Chủ tịch UBND TX An Nhơn đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT TX đề xuất các giải pháp cụ thể để “vực dậy” các TTHTCĐ trên địa bàn. Theo ông Lâm Lăng Long, Trưởng Phòng GD&ĐT TX An Nhơn, thì: Hiện nay bất cập nhất là đội ngũ ban giám đốc Trung tâm do chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã, phường kiêm nhiệm thường thay đổi theo nhiệm kỳ nên thiếu tính ổn định, cũng như kinh nghiệm quản lý, điều hành. Để các TTHTCÐ thật sự phát huy hiệu quả, các cấp, các ngành cần tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, tổ chức hoạt động. Nội dung hoạt động của TTHTCÐ cần đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm địa bàn dân cư, trình độ phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các xã, phường cần đánh giá đúng vai trò của TTHTCÐ; quan tâm sâu sắc đến hoạt động và coi TTHTCÐ là công cụ, phương tiện để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.
C.LUẬN