Nhớ một người thương nhớ Tết quê
Chạm Xuân, nhớ về những nét Tết xưa, lại bâng khuâng nhớ về một người thương nhớ tết quê. Đó là Huỳnh Kim Bửu - tác giả của “Nơi con sông Côn chảy qua” (Nxb Trẻ, 2009), “Mùa thu biết thở ra hương” (Nxb Hội nhà văn, 2010) và “Trong như tiếng hạc bay qua” (Nxb Hội nhà văn, 2011).
Huỳnh Kim Bửu mất đã mấy năm nay (2013), song thơ văn của ông vẫn còn đó, nguyên vẹn một tấm lòng với cuộc đời, với vùng quê An Nhơn, Bình Định.
Hứng thú của ông là viết tản văn về đề tài văn hoá dân gian Bình Định. Ở thể tài này, ngòi bút của ông tỏ rõ sự say mê trong việc tái hiện những nét đẹp phong tục cùng những biến đổi của quê hương vào những năm đầu thế kỉ XXI này. Mong muốn của ông là “níu giữ lại” phần nào cái nề nếp lâu đời do cha ông tạo dựng giờ đang có nguy cơ mai một, tàn phai.
Tác giả Huỳnh Kim Bửu
Trên tinh thần đó, Huỳnh Kim Bửu đã dồn tâm huyết vào thể tản văn, liên tục công bố tác phẩm, tạo được ảnh hưởng tốt trong công chúng gần xa. Đọc ông, những người lớn tuổi thường tìm được sự đồng vọng của kí ức; còn với những người trẻ tuổi là mở rộng vốn hiểu biết về văn hoá truyền thống, nhất là văn hoá dân gian Bình Định.
Thật thú vị khi chúng ta thấy trong di sản văn chương của Huỳnh Kim Bửu có không ít những tản văn về đề tài ngày Tết cổ truyền. Chẳng như, các tản văn “Tết quê nhà, còn nhớ hay quên?”, “Tản mạn tranh Tết”, “Giữ lửa”, “Tháng Giêng, một sân ngò cúc…”, “Đường xuân”, “Tản mạn hoa Tết”… Điểm chung ở những tản văn này là được viết bằng cảm hứng hoài niệm, nhớ thương của một người vốn sinh ra ở làng, lập nghiệp ở phố và cuộc đời đã kinh qua nhiều trải nghiệm khác nhau. Đó là một lợi thế về hoàn cảnh sáng tác, giúp cho Huỳnh Kim Bửu viết được những tản văn vừa dồi dào thông tin, vừa có chiều sâu tư tưởng.
Huỳnh Kim Bửu thường viết về những gì thân thuộc, những gì đã trải nghiệm, chiêm nghiệm, bằng một lối văn đong đầy hoài niệm, nhớ thương. Trong “Tản mạn tranh Tết”, tác giả cho biết: “Ở các vùng quê, cái thú chơi tranh Tết dân gian đã trở thành hoài niệm của lớp người cao tuổi. Có những nhà làm lịch ngày nay vớt vát bằng cách in tranh Tết trên những tờ lịch treo tường, thay cho tranh Tết truyền thống. Nhưng hình như cái khoảng trống “văn hoá tranh Tết dân gian” vẫn còn đó!”. Tương tự, ở “Tháng Giêng, một sân ngò cúc…”, Huỳnh Kim Bửu cũng thừa nhận mình “có nỗi gì thương thương, nhớ nhớ” khi giờ đây ngò cúc đã nhường sân cho mai vàng.
Mở đầu xê-ri tản văn Tết của Huỳnh Kim Bửu là tác phẩm “Tết quê nhà, còn nhớ hay đã quên?”. Nhan đề bài viết là một lời tự vấn có giá trị khởi động cảm xúc, thúc đẩy kí ức hiển hiện trên từng câu chữ. Người đọc như thấy được niềm hân hoan của tác giả khi được mẹ dẫn đi chợ Tết, thỏa thích ngắm nhìn những món đồ chơi rực rỡ sắc màu, hay hình ảnh những ông đồ ngồi viết câu đối giữa xúm xít người xem…
Nếu “Tết quê nhà, còn nhớ hay đã quên?” có diện kí ức khá rộng, đề cập tới nhiều sự kiện, không - thời gian khác nhau của ngày Tết thì các tản văn còn lại sẽ tập trung vào một vấn đề cụ thể nào đó. Sự chuyên chú này giúp tác giả có điều kiện làm nổi bật được vẻ đẹp của đối tượng mà bản thân quan tâm, như chuyện hoa cúng, tranh Tết hay con đường mùa xuân…
Với “Tản mạn tranh Tết”, Huỳnh Kim Bửu cho chúng ta biết tranh Tết ở Bình Định khi xưa rất đa dạng và người dân nơi đây cũng rất hào hứng với tranh dân gian. Vì thế, “ở các vùng quê Bình Định hồi xưa, tranh Tết dân gian được bày bán ở các cửa hiệu buôn nơi các phố huyện và ở các chợ quê từ đầu tháng Chạp âm lịch”. Tranh Tết ở Bình Định cũng rất phong phú về thể loại: tranh độc bản, tranh tứ bình, tranh dành cho trẻ em, tranh khôi hài…
Khi viết về Tết xưa, tác giả Huỳnh Kim Bửu thường hay liên hệ so sánh với Tết nay. Đó là lí do giải thích vì sao trong tản văn của anh thường hay xuất hiện sóng đôi các cụm từ “ngày xưa”, “ngày nay”, “Tết xưa”, “Tết nay”. Chính từ bối cảnh cuộc sống hôm nay, tác giả không chỉ nhận ra sự thay đổi, khác biệt mà còn có cả những mất mát, đào thải. Tản văn Huỳnh Kim Bửu tuyệt đối không phải là tiếng nói bảo thủ, khư khư níu giữ những gì đã có, vốn có để rồi thiếu nhiệt tình cổ vũ cái mới. Nhưng là người viết văn có trách nhiệm, tác giả Huỳnh Kim Bửu không thể dửng dưng khi cái đẹp dân dã đang bị tàn phai. Vì thế, tản văn của anh không dừng lại ở việc thông tin mà sâu hơn là bày tỏ tình cảm, niềm trăn trở của người viết trước những đổi thay của phong tục ngày Tết.
Chẳng hạn, nhìn “những con đường bê tông”, “những dây điện đèn, điện thoại, cáp truyền hình”, tác giả vui mừng trước thay đổi của quê hương. Nhưng anh cũng cảm thấy tiếc vì cỏ không còn chỗ mọc nên “người đi du xuân mất cảm giác của hội “đạp thanh” xưa”. Có thể nói, đây thực là một phát hiện tinh tế, một xao động đầy nhân văn của tác giả Huỳnh Kim Bửu. Nhà văn có lí và thật đáng yêu với những hoài niệm nhớ thương về Tết quê như thế!
Trước khi đến với nghiệp viết, tác giả Huỳnh Kim Bửu đã kinh qua nhiều năm tháng dạy học. Nghề giáo cũng đã chi phối tới công việc viết văn của anh, chí ít là thái độ coi trọng ngôn từ, trau chuốt câu văn theo hướng gọn và đẹp. Đoạn văn sau đây trong “Đường xuân” là một ví dụ: “Mới ngày nào, dọc đường quê, những bụi tre già ngả nghiêng, rũ rượi dưới mưa gió, nay vươn mình đứng thẳng, cho những mụt măng vòi vươn cao, uốn cong như những lưới câu trời; một hàng sầu đông trụi lá trơ cành thì nay đã hồi sinh cho những lá non, những chòm hoa tím nở sớm bồng bềnh trong nắng mới để cười cợt với gió xuân. Trên những con đường dưới ánh xuân huy, đã bắt đầu đông những người đi ra đồng, đi chợ, đi công việc, khách lạ vào làng…”.
Nhìn chung, tản văn Huỳnh Kim Bửu giàu cảm giác, ngôn từ đẹp, khắc hoạ sinh động không khí hình ảnh tươi đẹp của Tết quê xưa. Trên những trang văn ấy là tình yêu quê hương sâu đậm cùng những mong mỏi thiết tha của tác giả Huỳnh Kim Bửu về sự cần thiết phải bảo lưu các giá trị văn hoá làng quê. Nói như ông, đó là hãy biết nuôi giữ ngọn lửa trong tim để khi cần, sưởi ấm cho nhau trong cuộc đời, nhất là vào lúc năm hết, Tết đến…
LÊ NHẬT KÝ