30 năm đổi mới và những bài học ngoại giao lớn của Việt Nam
Trong những thành tựu đánh dấu chặng đường 30 năm đổi mới của đất nước, có sự đóng góp không nhỏ của ngành Ngoại giao, đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng.
Năm 2016 đánh dấu chặng đường 30 năm đối mới và phát triển của đất nước. Việt Nam từ một nước thu nhập thấp đã vươn lên quốc gia có mức thu nhập trung bình, kinh tế phát triển với mức tăng trưởng trung bình hơn 6%/năm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Trong những thành tựu to lớn đó phải kể đến vai trò không nhỏ của ngành ngoại giao, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, có vị thế ngày càng lớn trên trường quốc tế.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ về những bài học cũng như đóng góp của ngành Ngoại giao trong 30 năm đổi mới của đất nước.
PV: Thưa Thứ trưởng, nhìn tổng thể 30 năm đổi mới, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, trong đó đối ngoại đã có những đóng góp lớn, giúp Việt Nam ngày càng mở rộng và hợp tác thực chất với thế giới. ông có thể cho biết những thành tựu đối ngoại nổi bật trong 30 năm đổi mới?
Thứ trưởng Bùi Thành Sơn: Chúng ta vừa tiến hành tổng kết 30 năm đổi mới trên tất cả các lĩnh vực. 30 năm qua, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước có thu nhập thấp, kém phát triển đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, đứng vào số các nước chuẩn bị cất cánh để bước sang giai đoạn phát triển mới.
Trong sự phát triển chung của đất nước, công tác đối ngoại đã có những đóng góp lớn thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Thứ nhất là tham mưu cho Đảng, Nhà nước chuyển từ thế bị bao vây, cấm vận sang bình thường hóa quan hệ với các nước. Sau 30 năm đổi mới, quan hệ quốc tế của chúng ta có những thay đổi sâu sắc. Chúng ta đã thiết lập quan hệ với 185 nước trong tổng số 193 nước của Liên Hợp Quốc.
Thứ hai, chúng ta cũng tham gia vào 70 tổ chức quốc tế, khu vực và đóng vai trò tích cực chủ động và có trách nhiệm. Thứ ba, tiếng nói của chúng ta trên trường quốc tế cũng đã được các nước trong khu vực và quốc tế tôn trọng, nhiều sáng kiến của chúng ta được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.
Trong 5 năm trở lại đây, chúng ta đã đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu thể hiện ở chỗ chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 15 đối tác trên thế giới, 10 đối tác toàn diện, hợp tác nhiều mặt với bạn bè khác tạo ra sự tin cậy gắn bó chặt chẽ tranh thủ được nguồn lực để phát triển đất nước, đồng thời cũng tranh thủ được sự ủng hộ hỗ trợ của bạn bè quốc tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Về đối ngoại đa phương, chúng ta có nhiều thành tựu quan trọng, điểm sáng là chúng ta đã tham gia vào ASEAN. Chúng ta tham gia không chỉ vì lợi ích của mình, mà chúng ta xây dựng có trách nhiệm để ASEAN chính thức trở thành cộng đồng vào ngày 31.12.2015 vừa qua.
Tại các diễn đàn khác như ASEM, APEC, LHQ chúng ta đều có tiếng nói, được các nước tôn trọng. Chúng ta đã được bầu vào nhiều vị trí quan trọng như Uỷ viên không thường trực của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2010… Năm 2015, chúng ta tiếp tục được bầu vào Uỷ ban Kinh tế xã hội của LHQ, Uỷ ban Di sản của UNESCO với số phiếu rất cao.
Đặc biệt, công tác kiều bào của chúng ta trong 30 năm qua đã có nhiều thành tựu lớn. Sau khi Nghị quyết 36 ra đời đã gắn kết cộng đồng kiều bào với cộng đồng trong nước, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta coi cộng đồng kiều bào là một bộ phận không thể tách rời, tranh thủ được sự ủng hộ của kiểu bào đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
PV: Ông có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại của đất nước trong 30 năm đổi mới?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Bài học thứ nhất là xác định lợi ích quốc gia dân tộc. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là mục tiêu. Trong công cuộc đổi mới, chúng ta luôn xác định phải giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tập trung nguồn lực để phát triển đất nước, đồng thời cũng phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường quan hệ với bạn bè quốc tế.
Với mục tiêu đó, trong suốt 30 năm đổi mới, chúng ta đã linh hoạt xử lý khéo léo trước những diễn biến ở mỗi giai đoạn và đưa ra những đối sách phù hợp để tranh thủ được sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới của chúng ta.
Bài học thứ hai là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bài học này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh ngay từ khi ngành ngoại giao ra đời. Trong bối cảnh 30 năm đổi mới mỗi giai đoạn có những diễn biến khác nhau, chúng ta cũng đã vận dụng linh hoạt khéo léo và thành công bài học này. Đó là 2 bài học lớn, còn trong quá trình triển khai công tác đối ngoại, còn nhiều bài học khác cần phải vận dụng như là kết hợp chặt chẽ giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao quân sự và ngoại giao kinh tế…huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào hoạt động đối ngoại cũng như hội nhập quốc tế thì sẽ đạt được kết quả to lớn hơn.
PV: Nhìn lại kết quả của 30 năm đổi mới cho thấy ngoại giao đóng một vai trò quan trọng. Vậy xin ông cho biết những bước đi của ngành ngoại giao trong thời gian tới để làm sao tiếp tục phát huy những thành tựu đã có?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Tình hình thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, kinh tế còn nhiều bấp bênh khó lường. An ninh phi truyền thống nổi lên ở nhiều khu vực, khủng bố, di cư, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến hầu hết các nước các khu vực. Trong khi đó, nhiều điểm nóng an ninh trên thế giới chưa được giải quyết, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn căng thẳng.
Trong bối cảnh đó việc triển khai công tác đối ngoại của chúng ta phải dựa trên tình hình trong nước. Bắt đầu từ 2016, chúng ta triển khai đường lối đối ngoại và chủ trương lớn của Đảng ta về phát triển kinh tế xã hội kế hoạch 2016 -2020. Trong tình hình đó, tôi nghĩ rằng công tác đối ngoại sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chính: Thứ nhất, quán triệt vận dụng triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.
Trong đó có 2 điểm nhấn là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để tập trung phát triển kinh tế. Thứ hai, tiếp tục kiên trì kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Thứ ba, tiếp tục đưa quan hệ của chúng ta với các nước đi vào chiều sâu.
Để thực hiện các mục tiêu này cần phải xây dựng chương trình hành động rất cụ thể. Chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập mới sau khi ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương..., nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới là phải tuyên truyền, phổ biến cập nhật thông tin đầy đủ cho cộng đồng, các doanh nghiệp hiểu rõ được cơ hội và thách thức, tận dụng biến thách thức thành cơ hội để phục vụ công tác hội nhập kinh tế quốc tế.
Công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ cũng luôn nằm trong công tác đối ngoại. Chúng ta sẽ luôn kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền của chúng ta bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Theo Châu Anh/VOV