Một góc của thế giới sách
Kho sách của Thư viện tỉnh Bình Ðịnh là một kho sách thuộc hàng khá lớn. Bước chân vào đây ai cũng dễ choáng ngợp bởi bạt ngàn sách đủ thể loại, trong đó rất nhiều cuốn sách trên kệ đã đẫm màu thời gian sau hơn nửa thế kỷ.
Hơn 342 ngàn bản sách và không chỉ có sách!
Bà Lê Thị Huệ, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, đã nhiệt tình làm hướng dẫn viên trong tour thăm quan các kho sách được phân bố suốt từ tầng 1 đến tầng 6. Từ kho sách phòng mượn đến kho sách phòng đọc, kho sách mượn tự chọn, kho sách thiếu nhi, kho sách ngoại văn, kho sách địa chí, kho báo tạp chí… chứa tổng cộng đến 342.220 bản sách với 109.500 tên sách thuộc đủ các lĩnh vực. Có kho sách chỉ có diện tích khoảng vài chục m2, nhưng cũng có nơi khá rộng, bao gồm nhiều căn phòng liên kết với nhau trong một tầng, khiến người lần đầu tiên bước vào rất dễ bị lạc lối.
Tại kho sách đọc tổng hợp (chứa gần 88.000 bản sách), thấy chúng tôi chú ý đến một kệ sách toàn những quyển sách đóng bìa cứng, chắc chắn, màu đen nổi bật giữa ánh sáng có phần mờ mờ, bà Lê Thị Huệ cho biết: “Đây là những cuốn sách mang đậm tình cảm kết nghĩa Hà Tĩnh - Bình Định. Từ năm 1966, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Hà Tĩnh, cứ một tên sách mới bổ sung vào Thư viện Hà Tĩnh thì đồng thời thư viện cũng bố trí cho Bình Định từ 1-2 cuốn. Số sách này được lập danh sách thống kê cụ thể, đem đóng thêm bìa cứng cất vào hòm sắt, bảo quản kỹ lưỡng để chờ ngày thống nhất là sẽ chuyển ngay vào Bình Định. Vì thế, ngay từ những ngày đầu mới giải phóng, Hà Tĩnh đã cử hai cán bộ thư viện trực tiếp đem hơn 4.000 cuốn sách vào tặng cho Thư viện Bình Định khi ấy mới có được ít sách từ chiến khu chuyển về...”.
Với tay lên kệ lấy cuốn sách “Nhiệm vụ và phương hướng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân” (1961 – 1965) có nội dung về báo cáo bổ sung tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba do đồng chí Nguyễn Duy Trinh trình bày ngày 7.9.1960, lật ra ngay từ trang đầu đã bắt gặp những dòng chữ viết tay đong đầy tình cảm, nét mực vẫn đậm màu sau hơn nửa thế kỷ: “Kính tặng tủ sách Bình- Hà. Hà Nội 30.8.1962 - Nguyễn Như Bằng”.
Ngoài những kho chứa sách phục vụ đại trà, còn có một kho hạn chế chứa những loại sách, tạp chí được xuất bản từ thời chế độ Sài Gòn. Kho này chỉ những ai có giấy giới thiệu mục đích rõ ràng mới mượn được. Bước vào tìm hiểu kho hạn chế chứa gần 5.400 bản sách, thấy sách đều rất cũ nhưng khá đa dạng, có thể cung cấp thông tin cho những ai quan tâm về nhiều lĩnh vực ở miền Nam giai đoạn trước 1975.
Giữ “nhịp cầu nối” sách với bạn đọc
Trong quá trình đi thăm quan các kho sách, ấn tượng đối với chúng tôi còn là điều những người phụ trách các kho sách chia sẻ về những công việc một mình lặng thầm trong kho sách. Các chị làm bằng trách nhiệm với nghề, với sự trân trọng nâng niu từng cuốn sách để có tuổi thọ bền vững hơn trong việc phục vụ độc giả.
Chị Nguyễn Thị Kim Chi, đã có 15 năm phụ trách kho đọc tổng hợp của Thư viện tỉnh, tâm sự: “Kho sách mà càng ở trên cao, càng thông thoáng thì càng dễ dính bụi, để ánh nắng chiếu vào thì sách sẽ mau phai màu, rồi giấy bị giòn... dễ hư sách. Tuy nhiên dù phòng kho kín nhưng mình cũng phải kiểm tra, che chắn kỹ những chỗ còn hở trống, đồng thời phải thường xuyên lau chùi, kiểm tra xử lý mối mọt. Thư viện tỉnh trong 10 năm qua đã được quan tâm lắp đặt thang máy di chuyển nội bộ đến kho ở các tầng nên chúng tôi đỡ vất vả hơn nhiều, chứ trước đây chỉ có cầu thang gỗ nhỏ hẹp lại không có tay vịn làm lối đi nối từ tầng trệt lên các tầng kho sách, nên thủ thư hằng ngày cứ lồm cồm trèo thang lên xuống để lấy sách rất cực”.
Nhằm phát huy được giá trị kho sách phong phú, đa dạng phục vụ hiệu quả công tác học tập, nghiên cứu, bồi đắp tâm hồn, Thư viện tỉnh đã, đang và sẽ có những đổi mới trong việc đưa sách từ kho đến tay bạn đọc. Chẳng hạn như kho sách ngoại văn (nhiều nhất là sách tiếng Anh, rồi đến tiếng Nga, Pháp) trước đây là dạng kho đóng, bạn đọc đến đăng ký mượn cuốn nào thì thủ thư vào kho tìm để đưa, thì hiện nay đã được tổ chức thành dạng kho mở có bố trí sắp xếp sách ngoại ngữ theo từng chủ đề trên kệ bên ngoài để bạn đọc trực tiếp lựa chọn.
“Ngoài việc thực hiện các dự án số hóa để bạn đọc tìm kiếm sách trong kho của Thư viện tỉnh thông qua truy cập mạng internet, chúng tôi dự định sẽ tiếp tục tổ chức thêm những kho sách mở để đưa thêm nhiều sách trong các kho ra ngoài, tạo điều kiện cho bạn đọc có thể tiếp cận lựa chọn được nhiều hơn...”, bà Lê Thị Huệ cho biết thêm.
MAI THƯ