Thú chơi lục bình
Người ta quan niệm rằng, trưng lục bình gỗ (còn gọi là lộc bình) trong nhà sẽ đem lại sự bình an, sung túc và may mắn cho gia chủ.
Phòng khách nhà anh Dự nhìn sang hẳn lên từ khi anh đem cặp lục bình về trưng.
Về làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn) hỏi nhà bà Nguyễn Thị Nhung, ai cũng biết. Không chỉ nổi tiếng là cơ sở tiện gỗ sinh sau đẻ muộn nhưng làm ăn được nhất làng, nhà bà Nhung còn nổi tiếng với việc sở hữu 2 cặp lục bình “khủng” bằng gỗ hương. Bà Nhung chia sẻ: “Hầu như nhà nào ở đây cũng có lục bình để trưng trong nhà. Hai cặp lục bình gỗ nhà tôi, một cặp cao 2m, một cặp cao 2,2 m, đường kính thân khoảng 50 cm, có người trả hơn 400 triệu đồng rồi mà tôi chưa bán. Bởi đây là hai cặp lục bình có kích thước lớn, lại bằng gỗ quý, do ông nhà tôi tự làm, giờ hiếm lắm. Tôi cũng tính rồi, khi nào con cái lập gia đình có nhà riêng tôi sẽ cho chúng nó trưng trong nhà cho đẹp. Mình làm nghề này về sau cũng phải để lại cho con cái gì để nhớ chứ”.
“Mỗi lần về đến nhà, tôi lại lau chùi, nhìn ngắm cặp lục bình cho thỏa thích. Từng vân gỗ trên lục bình như khắc họa dấu ấn thời gian, cung bậc thăng trầm như cuộc đời một con người”
Nhẩn nha chuyện làm lục bình, ông Huỳnh Trọng Hòa, người có thâm niên trên chục năm trong nghề chế tác sản phẩm này ở làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, kể: “Lục bình gỗ khi nào cũng gồm ba phần: miệng, thân và đế, được chia theo một tỉ lệ nhất định. Hình dáng đặc trưng của lục bình là ở giữa phình to, cổ thắt lại như chất chứa tài lộc, lưu giữ sự sung túc, miệng loe ra, uốn lượn thể hiện sự sinh sôi, nảy nở, phát tài. Tuy toàn thân đặc nhưng trên miệng lục bình bao giờ cũng được khoét rỗng một đoạn để giữ lộc. Quan trọng là nó phải có hồn”.
Vì những quan niệm trên nên lục bình gỗ thường được đặt ở những nơi trang nghiêm trong nhà và kết hợp trưng bày với nhiều thứ khác như bàn ghế, tủ tường, trần nhà, trong một tổng thể không gian thể hiện sự đẹp mắt, quyền quý và an bình cho gia đình. Vậy nên, căn nhà mới khang trang vừa hoàn thành của anh Phan Văn Dự, 45 tuổi, xã Cát Khánh (Phù Cát) ngày nào cũng đón khách đến thăm, chỉ để ngắm… cặp lục bình của gia chủ. Anh Dự vui vẻ cho biết: “Ngộ lắm, ai tới cũng không khen nhà xây đẹp mà chỉ khen cặp lục bình bằng gỗ lim tôi mới mang về có vân đẹp, đặt ở phòng khách nhìn căn nhà sang hẳn lên”.
Không chỉ người trung niên, cao niên, mà thú chơi lục bình gỗ còn “thấm” đến lớp thanh niên. Anh Lê Văn Đạt, 33 tuổi, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) chia sẻ: “Cách đây 3 năm, trong một lần lên Gia Lai thăm nhà bạn, tình cờ thấy các cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ ở đây bán lục bình gỗ vừa đẹp lại rẻ nên tôi mua luôn 2 cặp cao 1,8m bằng gỗ chò với giá 12 triệu đồng/cặp. Mỗi lần về đến nhà, tôi lại lau chùi, nhìn ngắm cặp lục bình cho thỏa thích. Từng vân gỗ trên lục bình như khắc họa dấu ấn thời gian, cung bậc thăng trầm như cuộc đời một con người”.
Theo anh Sen, chủ một cơ sở sản xuất lục bình ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, thú chơi lục bình thì đã có từ lâu nhưng hiện đang thịnh hành mốt chơi lục bình bằng gỗ, thay cho loại bằng gốm sứ như trước đây. Lục bình đẹp phải được chọn làm từ phần thân đẹp nhất của cây gỗ. Tùy “gu” của khách hàng, lục bình có nhiều hình dạng khác nhau, có thể được chạm khắc trang trí ở thân hình ảnh tứ linh, 12 con giáp hay khảm xà cừ, nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là loại trơn, có vân gỗ tự nhiên, vân càng đẹp càng có giá. Riêng thị trường Bình Định, mỗi tháng cơ sở của anh cung cấp khoảng 30 cặp lục bình gỗ.
Những cặp lục bình vừa phải, cao 1,4 - 1,6m, đường kính khoảng 40cm, tùy loại gỗ có giá dao động 5 - 10 triệu đồng/cặp là loại được nhiều người chọn mua vì phù hợp với túi tiền và không gian nội thất. Lục bình được làm bằng gỗ thủy tùng, hương, trắc, gõ, vân đẹp nên giá có thể lên hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng là chuyện thường.
NGUYỄN HỒNG PHÚC