Xuân về đất Võ trời Văn:
Từng bước, từng bước êm
Bình Định là “đất Võ”, điều này gần như đã là định danh hiển nhiên, không còn xa lạ gì nữa. Nhưng bảo là “trời Văn”, cũng không ít người dẫu không nói ra nhưng trong lòng không khỏi có đôi chút hồ nghi.
Người xưa hay khuyên răn “Văn mà không có Võ tất yếu nhược; Võ mà không có Văn ắt là phường thất phu, lỗ mãng”. Cũng từ đó mà có khái niệm “văn võ song toàn”.
Chuyện đất Võ, nay xin phép không nhắc lại nữa. Thử nghĩ, đất Bình Định, người Bình Định nếu không phải là “trời Văn” sao có thể thành nơi Đào Duy Từ ngâm khúc Ngọa long cương vãn để rồi rực sáng trên bầu trời Đàng Trong với tư cách là nhà chính trị quân sự lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người thầy, bậc khai quốc công thần của 9 đời chúa và 13 đời vua nhà Nguyễn. Hoặc nếu không phải là trời Văn sao có thể sinh ra một danh nhân văn hóa, hậu tổ tuồng như Đào Tấn. Mạch nguồn ấy khơi trong đến tận hôm nay, có vậy mới có chuyện ngay sát trung tâm TP Quy Nhơn, một khu đô thị văn hóa giáo dục khoa học vươn mình lên bên một vùng biển thuộc hàng đẹp nhất Việt Nam.
Khi gục đầu nhớ về tổ phụ, nghĩ về tiền nhân, nghĩ về quê hương giữa những ngày tháng Chạp, lòng ai cũng chùng xuống và rộng ra như muốn ôm trùm cả trời đất bao la. Lòng ta như mở ra, thoát lên như cánh chim bằng vút lên cao ngắm nhìn một dải quê hương chất ngất.
Khi bạn đọc những dòng này, tiết trời vẫn còn se sắt lạnh, nhưng đã có nắng ấm rải những giọt mật vàng trên đồng lúa xanh “từ Bình Đê cho tới Cù Mông”. Và gió xuân vui cũng lan tỏa “từ An Khê xuôi về Thị Nại”, lòng người hân hoan, mắt người long lanh, cỏ cây căng tràn nhựa sinh sôi, nước ngoài sông dập dờn sắc xanh mới, sóng biển xa từng đợt vỗ bờ yên ấm. Ta như nghe được tiếng hạt tách vỏ bật mầm non, như nghe đất râm ran chuyển mình theo nhịp trời đất giao hòa.
Từng bước, từng bước êm, mùa Xuân đang về trên quê hương thân yêu!
Ngày 23.5.2015, Tập đoàn FLC đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ Khởi công dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn tại thành phố Quy Nhơn với tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng. Đây là dự án giữ nhiều kỷ lục thú vị. Một khởi đầu mới cho du lịch Bình Định, chỉ trong vòng 8 tháng FLC đã biến một vùng đất hoang sơ, đầy cát trắng thành điểm đến một vùng thiên đường du lịch có thật. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Đến với Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội - vùng bán đảo của TP Quy Nhơn, bất cứ ai cũng sẽ mềm lòng, dùng dằng bước chân đi ở bởi quyến luyến biển xanh, cát vàng, núi non uốn lượn duyên dáng và lòng người thì đôn hậu, chân thành. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Lần đầu tiên Bình Định thực hiện đường hoa và có tên là đường hoa Thanh niên Bình Định. Với gần 40.000 chậu hoa tươi xếp thành 45 mô hình chính về các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, di tích, danh thắng của tỉnh. Công trình được thi công từ ngày 14.1.2016 và sẽ khai mạc vào 20 giờ ngày 5.2.
- Trong ảnh: Một góc đường hoa Thanh niên Bình Định. Ảnh: TRẦN HOA KHÁ
Ngoài loại bún đậu xanh Song Thằn là sản phẩm độc đáo chỉ có ở đây, làng bún An Thái còn sản xuất bún số 8, bún gạo, miến dong, bánh phở… và được tiêu thụ rộng khắp.
- Trong ảnh: Phơi bún bên bờ sông Côn ngày giáp Tết. Ảnh: HÀ NGUYÊN
Đền thờ Đào Duy Từ ở thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn. Ảnh: NGỌC OANH
Đào Tấn (1845 - 1907), quê ở thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tự là Chỉ Thúc, hiệu là Tô Giang và Mộng Mai, biệt hiệu là Tiểu Linh Phong Mai Tăng hoặc Mai Tăng, được tôn vinh là hậu tổ tuồng Việt Nam.
- Trong ảnh: Mộ Đào Tấn trên núi Huỳnh Mai (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước). Ảnh: VĂN LƯU
Mùa vàng An Lão. Ảnh: HỒ HOÀI ÂN
Phố Tam Quan xưa - nay thuộc thôn Tân Thành 1 và thôn Tân Thành (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) - xưa là nơi định cư, làm ăn của người Hoa. Khoảng thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, nhiều người Hoa di cư sang Việt Nam, họ chọn những nơi gần cửa biển, cửa sông để tiện giao thương, buôn bán. Riêng ở huyện Hoài Nhơn, họ tập trung nhiều ở Tam Quan, thành lập các khu phố sản xuất, buôn bán rất sầm uất. Những năm gần đây, khi người ta dần quay lại với những sản phẩm thủ công truyền thống, làng nghề sản xuất các loại bánh phục hưng và đặc biệt rộn ràng từ cữ tháng Chạp.
- Trong ảnh: Sản xuất bánh in. Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG
Tráng bánh tráng nước dừa ở Tam Quan, Hoài Nhơn. Ảnh: NGUYỄN TÙNG ĐỆ
Kiệu Phù Mỹ xưa nay vốn nổi tiếng khắp cả nước bởi hương vị rất riêng, thơm, giòn, chắc, hăng nồng vừa phải, nơi khác không có được. Kiệu Phù Mỹ được ưa chuộng có mặt trong mâm cơm ngày Tết của nhiều gia đình Việt.
- Trong ảnh: Giữa hồ Diêm Tiêu, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ có một vùng kiệu đặc sản, chất lượng kiệu cao hơn bình thường. Vì vậy dù phải chuyển kiệu từ phía trong ra ngoài bằng thuyền giang cách trở nhưng nhiều thương lái vẫn lặn lội vào mua bằng được. Ảnh: TRẦN HOA KHÁ
Khu vực suối khoáng Hội Vân, huyện Phù Cát có cảnh quan hội tụ đủ núi, sông, suối đẹp như tranh thủy mặc, là một địa điểm giàu tiềm năng du lịch chữa bệnh. Ảnh: TRẦN VĂN LƯU
Văn chỉ Hoài Ân là nơi tôn thờ nền học vấn, tôn vinh các nhà khoa bảng tiền bối, vinh danh những người đỗ đạt cao và là nơi tổ chức sinh hoạt khuyến học, khuyến tài của nhân dân Hoài Ân. Theo tài liệu “Di tích lịch sử đình Văn chỉ Hoài Ân” của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, năm Tự Đức thứ 20 (tức năm 1867), các nhà khoa bảng huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn (nay là hai huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn) đã tổ chức xây dựng Văn chỉ phủ Hoài Nhơn, tọa lạc tại làng Hội An, xã Ô Liêm, tổng Trung, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn. Vào năm 1899, khi tách huyện Hoài Ân thành tổ chức hành chính riêng, vùng đất Hội An có Văn chỉ tọa lạc thuộc huyện Hoài Ân. Lúc này, Văn chỉ được giao cho những nhà khoa bảng của Hoài Ân trông coi, từ đó đổi tên thành Văn chỉ Hoài Ân. Hiện nay, tại Văn chỉ hàng năm có 2 kỳ tế lễ, kỳ tháng 2 gọi là Xuân kỳ và kỳ vào tháng 8 gọi là Thu kỳ. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Bình Định nổi tiếng là “đất tuồng”, ca dao xưa có câu: “Nghe tiếng trống chầu, cắm đầu mà chạy”, là đủ biết sức quyến rũ của loại hình nghệ thuật sân khấu này đến đâu.
- Trong ảnh: Một cảnh trong vở tuồng Quang Trung đại phá quân Thanh. Ảnh: NGUYỄN THÚY HƯỜNG
Hơn 30 năm trước, hòa thượng Thích Hạnh Hòa trụ trì chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) và thầy Thích Vạn Thanh (tức võ sư Nguyễn Đông Hải) khởi xướng việc dạy võ ở chùa và trực tiếp đứng ra huấn luyện. Ngày nay, CLB võ thuật chùa Long Phước là một trong những đơn vị thực hiện rất tốt việc bảo tồn và phát huy võ cổ truyền.
- Trong ảnh: Biểu diễn võ cổ truyền tại chùa Long Phước. Ảnh: TRẦN HOA KHÁ
Thắng cảnh Suối Một ở huyện Vân Canh. Ảnh: TRẦN VĂN LƯU
Nhiều năm qua, Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh không chỉ được biết đến là ngôi trường có bề dày thành tích trong dạy và học, mà đây còn là một “điểm sáng” trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
- Trong ảnh: Hội thi dệt thổ cẩm của Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh thu hút nhiều học sinh tham gia. Ảnh: THANH MINH
Khu tháp Dương Long được xây dựng vào cuối thế kỷ 12, thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Chăm Pa. Khu tháp Dương Long được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1980. Di tích là quần thể gồm 3 tháp nằm gần nhau (tháp Giữa cao 42 m, tháp Nam cao 36 m, tháp Bắc cao 34 m) được đánh giá là ngôi tháp gạch cao nhất Đông Nam Á. Tháp Dương Long có lối kiến trúc độc đáo, đặc biệt là các hoa văn, họa tiết được khắc tạc trực tiếp trên những tảng đá đồ sộ đặt ngay trên đỉnh tháp. Tháng 12.2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp Tháp Dương Long là di tích quốc gia hạng đặc biệt. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Hội đánh bài chòi cổ dân gian tại Lễ hội chiến thắng Đèo Nhong- Dương Liễu (mùng 5 tháng Giêng). Ảnh: HẢI VÕ
Tổ chức trang báo và viết lời bình: ĐÔNG A