Xuân viết cho mẹ
1. Những ngày cuối Chạp, mẹ vẫn ngồi cạnh chiếc bàn, ánh sáng vàng nhạt hắt lên tóc mẹ những mảng trắng xám. Mẹ hý hoáy, tính toán kết sổ thu chi cuối năm, rồi bảo còn bao nhiêu tiền đưa đây cho đủ để trả nợ. Cuối năm rồi tính toán nợ nần dứt điểm đi con ạ.
Mẹ vẫn ngồi cạnh bàn viết lách, ngồi khâu cái áo cho con cháu.
Năm ngoái, vợ chồng tôi gom tiền mua nhà, vay mượn nhiều người. Kéo cày cả năm vẫn chưa dứt nợ. Làm được bao nhiêu, tôi chỉ giữ lại phần nhỏ chi dùng cho gia đình con cái, còn bao nhiêu nhờ mẹ giữ hộ, tính toán các khoản nợ nần". "Mẹ già rồi, không giúp con trả nợ cho con được, chỉ giúp con giữ tiền được thôi" - khi vui mẹ vẫn nói đùa vậy.
Mà quả thật, tiền của tôi nhưng đưa cho mẹ giữ rồi khó mà lấy lại được. Vì khi nào tôi cần lấy, thể nào mẹ sẽ hỏi con lấy bao nhiêu, lấy để làm gì. Chưa kể những lúc mẹ dở tay bận việc, chờ đợi sẽ rất lâu. Gửi rồi khó lấy lại là vì vậy. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi tiết kiệm tiền nhiều hơn so với thời tôi giữ tiền.
Thiệt tình, tôi năm nay 40 tuổi, đã có gia đình, nào phải trẻ mỏ gì. Còn mẹ, đã bước vào tuổi 70, sức không còn khỏe. Vậy mà, riêng với tôi, một ngày không có mẹ, thấy trống vắng làm sao, mọi thứ loạn xị cả lên. Một phần có lẽ do tôi đoảng quá, phần bởi mẹ quá cầu toàn, quá lo cho con cháu nên đâm ra con cháu cũng ỷ lại vào bà.
Các con tôi đi đâu về, thường đứng ở cửa réo: "Ngoại ơi con về rồi nè", chứ có gọi ba ơi, mẹ ơi đâu. Đơn giản là vì ngoại luôn ở nhà, luôn có mặt kịp thời hơn ba mẹ chúng để đáp ứng mọi yêu cầu của tụi nhỏ, từ cái cục tẩy, cây viết học xong quẳng nơi góc bàn, đến cái khăn quàng cởi ra vứt ngay bên trụ cầu thang. Chỉ có mỗi bà ngoại vẫn lui con dọn dẹp, xếp cất đồ đạc cho tụi nhỏ, dẫu rằng vừa làm vừa mắng cái bọn cháu bữa bãi, lộn xộn.
2. Mới hôm rồi, đến chơi nhà chị bạn thân, lại nghe chị nói đúng câu: "Không có mẹ, chắc chị chẳng thể nào xoay xở được gì", dẫu rằng cả năm nay mẹ chị chẳng đi đâu được sau đợt phẫu thuật chân hồi đầu năm. Mẹ chị giờ chỉ loanh quanh trong nhà, nấu bữa cơm cũng phải kê cái ghế ngồi cho đỡ mỏi.
"Vậy là mừng lắm rồi em. Có mẹ, chị vững tâm lắm. Rồi đây, cứ nghĩ đến ngày không còn mẹ... thấy bần thần thế nào. Lâu nay, buồn vui gì cũng mẹ là người biết trước tiên. Mẹ luôn thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ những nỗi niềm của chị. Có việc mình giấu được chồng nhưng không thể nào giấu mẹ".
Còn mẹ chị lắc đầu, chê con gái: "Nó không biết đi chợ. Mua miếng thịt về bác chẳng ưng chút nào. Nhìn thấy đã không ưng cái bụng, mình không ăn nhưng chồng con nó ăn. Chắc bữa nào, bác bảo nó chở bác ra chợ, bác dắt nó ra hàng thịt chỉ cho con cách mua miếng thịt ngon chứ ai đời người ta đưa sao cứ lấy vậy".
Trời đất, chị bạn tôi Tết nay đã 42 tuổi, có bằng Tiến sĩ hẳn hoi, ra đường ai cũng trọng vọng. Nhưng với mẹ - vẫn chỉ là đứa con gái nhỏ như ngày nào, mẹ phải nhắc từng việc một.
3. Sáng nào cũng vậy, tầm hơn 7 giờ sáng, bác hàng xóm lại bước thấp bước cao ra chợ. Nhà chỉ có mỗi mụn con gái đã gả nhà người ta, hai vợ chồng già nương nhau những ngày xế bóng. Chồng mất, bác vẫn ở một mình, vợ chồng người con gái vẫn lui tới thăm nom. Năm ngoái, con gái bị tai biến, liệt nửa người, chữa chạy mãi cũng chỉ có thể nhúc nhắc đi lại trong nhà, còn lại cơm nước, chợ búa đều một tay con rể lo. Hai đứa cháu trai lộc ngộc, thương con rể săn sóc vợ, cả năm nay bác kiêm luôn phần đi chợ cho gia đình con gái. Cứ sáng sớm bác đi chợ, về lụi cụi làm thức ăn đâu vào đó chờ con rể xuống lấy.
Sáng sáng, bác bước thấp bước cao ra chợ, lúc về hai tay trĩu nặng bởi những bì thức ăn. 80 tuổi, đã có ngày nào bác được thảnh thơi tuổi già. Kinh tế chẳng dư dả mà tinh thần cũng chẳng thoải mái, bởi canh cánh nỗi lòng thương con gái bệnh tật. Nó đau ốm vậy, mình lại đau bệnh nữa thì lấy ai lo. Thôi thì mình gắng gượng mà sống, mà vui, bởi mình còn khỏe thì con nó mới được nhờ - bác nói với mọi người mà như an ủi cho mình.
4. “Từ năm ngoái đến nay, má đã bắt đầu lẫn. Ngày nào má cũng xem, rồi xé lịch nhưng lúc nào cũng hỏi hôm nay thứ mấy, ngày mấy. Lĩnh lương về đưa cho con gái, sáng ra lại hỏi lương má đâu rồi, sao ít vậy nè. Đến bữa ăn, má chỉ ăn cơm không nếu không được con gái tiếp thức ăn. Thành ra, bận đến mấy, có có lỡ đi ăn ngoài rồi thì đến bữa cơm nào cũng phải ngồi với má, tiếp thức ăn cho má và và ép má ăn cho đủ bữa, đủ lượng” - cô bạn đồng nghiệp kể chuyện má mình năm nay đã 80 tuổi.
Nửa buổi làm, thi thoảng lại nghe cô gọi điện cho con trai, nhắc bà ngoại nấu cơm. "Để má có việc mà làm, để đầu óc, tay chân còn làm việc, chứ người già ngồi không lại thấy buồn, thấy thừa thãi đâm ra mau lẩn thần hơn" - cô bạn nói vậy.
Lại nhớ đến cô bạn của tôi chuyên mua hành, tỏi về cho mẹ lột. Mẹ cô đã bị lẫn mấy năm nay, hễ thấy mở cửa là bà lẻn ra ngoài, đi lẩn thẩn rồi không biết đường về. "Thành ra, phải luôn tạo việc gì đó cho má làm, lột hành lột tỏi hay nhặt đậu, y như câu chuyện cô bé lọ lem nhặt đậu để không được đi chơi. Có vậy, mới níu chân được má ở nhà..." - cô bạn kể.
Bỗng dưng lòng chùng xuống khi nghĩ đến ngày... dù muốn hay không rồi mình phải xa mẹ. Những đứa con dẫu đã trưởng thành đủ lông đủ cánh vững vàng trước sóng gió cuộc đời, chợt thấy yếu lòng, nhỏ bé sao trong đôi tay gầy guộc, mỏng manh nhưng bao dung tự đất trời của mẹ. "Hồi má mất, chị chao đảo đến mấy năm. Má mất đi, chị mất một phần ba cuộc đời..."- lời của một "bà ngoại" tuổi gần 60 kể lại cảm giác mất mẹ vài năm trước.
Mỗi mùa xuân sang mẹ thêm tuổi mới. Mỗi mùa xuân sang, ngày con xa mẹ càng gần…. Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm - tự đáy lòng mình con muốn hét to lên với mẹ - như ngày còn thơ bé, dẫu chẳng bao giờ con đủ dũng cảm để thốt lên điều đó với mẹ - mẹ của con.
HOÀNG LAN