Làng nghề, xóm nghề tất bật vụ Tết
Từ những làng nghề hoa kiểng Bình Lâm, bánh tráng Kim Tây, đến những xóm chuyên nghề nấu bánh chưng, bánh Tét để bán... những ngày này nơi nào cũng trong không khí sôi động. Nhà nhà, người người tất bật trong mùa làm ăn dịp Tết giữa khi chỉ còn hơn hai ngày nữa đã đến Giao thừa.
1. Thăm làng hoa Bình Lâm, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) được UBND tỉnh công nhận làng nghề trồng hoa năm 2013, những ngày cận Tết mới thấy hết không khí sôi động. Tiếng gọi nhau í ới đi bốc hoa lên xe, tiếng xe tải nổ giòn chạy tới chạy lui, chở hoa đi bán khắp nơi trong và ngoài tỉnh.
Theo anh Võ Văn Thọ, cán bộ nông nghiệp xã Phước Hòa, lượng hoa Tết năm nay ở Bình Lâm (vựa hoa cúc lớn nhất tỉnh) khoảng trên 52.000 chậu. 80% số hoa này đã được thương lái đến đặt mua từ sớm; 20% còn lại người trồng để lại chuyển ra chợ hoa bán lấy lộc đầu năm.
Anh Nguyễn Ngọc Tùng, có vườn hoa cúc đại đóa hơn 3.000 chậu, đã được thương lái đến đặt mua với giá thấp nhất 120 ngàn/chậu đường kính 40 cm, đường kính từ 50 cm trở lên giá từ 150 ngàn đến 300 ngàn đồng/chậu. Anh Tùng đã bán 200 chậu cho một thương lái chuyển sang Lào, 2.000 chậu cho các bạn hàng trong tỉnh. Còn 800 chậu, anh Tùng sẽ chở ra chợ hoa xã Phước Sơn và chợ hoa Gò Bồi bán lẻ. Với anh Phan Đình Sang, 1.000 chậu hoa cúc pha lê anh đã bán sỉ hết cho khách 120 ngàn đồng/chậu, thu về 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 60 triệu đồng.
Theo người trồng hoa Bình Lâm, giá hoa cúc năm nay bán sỉ có tăng 20.000-30.000 đồng/chậu tùy loại; các loại hoa như hồng, cẩm chướng, cẩm tú tăng chừng 10.000 đồng/chậu. Nhìn chung, vụ hoa năm nay người trồng hoa có phần bội thu.
Một vườn hoa dưới chân tháp Bình Lâm.
Xe chở hoa cho thương lái.
2. Làng bánh tráng Kim Tây, cũng thuộc xã Phước Hòa, được UBND tỉnh công nhận làng nghề năm 2007. Theo chị Trần Thị Thúy Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, thị trường tiêu thụ bánh tráng thủ công những ngày giáp Tết tăng mạnh nên hầu hết các lò tráng bánh đều tăng ca. Từ 2-3 giờ sáng, người làm đã dậy gút gạo cho vào máy xay ra bột, nổi lửa tráng; sáng ra, bánh đã phơi khắp đường làng.
Cả làng Kim Tây có 120 hộ làm nghề tráng bánh. Mỗi ngày, các hộ sử dụng hơn 4 tấn gạo, sản xuất ra 1.680 ràng (50 bánh/ràng), giá bán tùy loại, bánh mè lỡ (ít mè) 40.000 đồng/ràng 2kg, bánh mè dày 100.000 đồng/ràng 4 kg, bánh nhúng 25.000 đồng/ràng. Nghề làm bánh tráng giải quyết việc làm cho 240 lao động, thu nhập ngày bình thường trung bình 70.000-80.000 đồng/người/ ngày, ngày cận Tết từ 100-120 ngàn đồng/người/ngày.
Tráng bánh thủ công làng bánh Kim Tây.
Phơi bánh tráng.
3. Những ngày cuối Chạp cũng là thời gian những người làm bánh chưng, bánh tét để bán ở Bàu Sen (tổ 39, khu vực 6, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn )tất bật mùa Tết.
Từ con đường Nguyễn Tất Thành nối dài hướng về xóm Bàu Sen, ta dễ bắt gặp những dãy thùng nồi cỡ lớn, mỗi thùng chứa đầy 120 cây bánh tét và 20 cái bánh chưng, xếp dàn ngang, đỏ lửa. Mùi thơm lá chuối, mùi hương nếp dần chín tới tỏa ra thơm lừng. Bếp này đang nấu, nước réo ùng ục trong nồi; bếp kia vừa mới xếp bánh vào, chuẩn bị nhóm lửa. Không khí hối hả như chạy đua cùng thời gian.
Vào nhà các hộ dân, nhà nào cũng đầy nếp, đậu xanh, lá chuối, dây nhựa từng bao để dọc khắp trong nhà ngoài hiên. Những thợ nấu bánh đẫm mồ hôi, cặm cụi chêm củi, nước, canh lửa cháy đều để bánh chín đều, mềm, dẻo. Trong nhà, người cắt lá, lau sạch lá chuối, người rửa thịt, người làm nhân bánh; người khéo tay thì đảm nhận việc gói bánh.
Vào thời điểm hiện tại, Bàu Sen có 6 hộ nấu bánh để bán trong dịp tết năm nay nhưng lực lượng lao động ở đây tới hơn 160 người. Chỉ riêng cơ sở của Bà Xê đã có gần 60 người được thuê làm và gói, nấu bánh. 5 hộ còn lại bình quân mỗi hộ thuê 20 lao động luân phiên nhau làm cho kịp thời gian.
Theo chủ cơ sở bánh chưng, bánh tét Bà Xê: Trung bình, mỗi ngày cơ sở của bà cho ra lò khoảng 2.000 đến 2.500 bánh. Riêng hai ngày cận Tết, nhu cầu bánh lớn gấp đôi nên thợ phải làm hết công suất để cho ra khoảng 4.000 cái bánh. Bởi vậy, bà phải thuê nhiều nhân công phụ việc để kịp giao hàng cho khách.
Một cây bánh tét hay bánh chưng khi ra lò phải qua nhiều công đoạn. Nhóm tước lá, lau lá; nhóm luộc thịt, đãi nếp, đãi đậu xanh; nhóm vo nhân; nhóm gói bánh, buộc lạt; sau cùng là nhóm nấu bánh (chuyển bánh ra khu vực nấu, xếp bánh vào nồi, chụm lửa, tiếp nước, vớt bánh). Nhóm phụ nữ “tay nghề cao” thường đảm nhận khâu gói bánh. Nhóm “choai choai” tay chân lanh lẹn được giao nhiệm vụ buộc lạt. Cánh đàn ông trung niên đảm nhận phần nấu bánh. Đây là công đoạn sau cùng nhưng rất quan trọng, vì nó quyết định chất lượng bánh ngon hay dở, chín đều hay bánh lại nếp. Nấu bánh phải chịu khó thức đêm, vì ngủ quên không chêm nước để khét nồi hoặc lửa cháy không đều, bánh sẽ không ngon. Mỗi thùng bánh khi bắt đầu nhóm lửa, người nấu ghi thời gian lên thùng để canh lúc vớt bánh ra.
Theo kinh nghiệm của những thợ nấu bánh, trước khi vớt ra, thì phải long nước lạnh vào thùng nấu bánh để bánh nhanh nguội, dễ vớt; đồng thời cũng rửa cho bánh được sạch và vỏ lá có màu xanh đẹp hơn.
Anh Đặng Minh Tâm (40 tuổi, ở Khu vực 10, phường Hải Cảng) - có thâm niên hơn 10 năm nấu bánh thuê tại các cơ sở bánh chưng, bánh tét ở đây - cho biết: “Một thùng nồi nấu bánh khoảng 120 - 130 bánh, nấu 12-13 tiếng nên thường phải thức trắng đêm. Trong khi phải canh cùng lúc 5-6 thùng nên đòi hỏi phải chịu khó, canh lửa cháy đều, chêm nước”. Vì vậy, tiền công nấu bánh luôn được trả cao nhất, gấp đôi so với những người gói hay làm các công đoạn khác. Nếu phục vụ cả ban ngày và cả ban đêm thì được tính công mỗi người từ 400-500 ngàn đồng/ngày hoặc cao hơn.
Cứ thế, những chiếc bánh chưng vuông vức, những đòn bánh tét mướt xanh màu lá được chất đầy trên xe cút kít, rồi cho lên những chiếc xe máy hối hả từ hẻm ra đầu xóm để kịp giao khách hàng. Bên những tấm ván và bạt nhựa che tạm, cây đèn pin, củi than, ly cà phê … được chuẩn bị sẵn để những người thợ đêm đêm canh cho bánh ra lò đúng lúc, hối hả đến với mọi gia đình trong và ngoài tỉnh.
XUÂN THỨC - HOA KHÁ