Xử lý tận gốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm rởm
Trong ba tháng (từ ngày 15.3 đến 15.6), Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia sẽ tổ chức đợt cao điểm chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) không bảo đảm chất lượng.
Tại buổi họp báo chiều 14.3 công bố chiến dịch tuyên truyền này, Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định, các lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý tận gốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH rởm; đồng thời, vận động và nhắc nhở người dân nên đội MBH đạt chuẩn chứ không xử phạt.
Hơn năm năm kể từ ngày thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bắt buộc đội MBH khi đi mô-tô, xe máy, hầu hết người dân tham gia giao thông đã chấp hành khá nghiêm túc. Tuy nhiên, theo thống kê của các cơ quan chức năng, có tới 70% số lượng MBH đang được sử dụng không bảo đảm chất lượng, nhiều người đội mũ chỉ để đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông.
Tại buổi họp báo, đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng thừa nhận: Nhiều năm qua, cơ quan quản lý đã buông lỏng để MBH rởm tràn lan trên thị trường. Việc sử dụng mũ không bảo đảm chất lượng đã và đang làm gia tăng đáng kể số người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT).
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Chiến dịch được thực hiện trong ba tháng, từ ngày 15.3 đến 15.6 với chủ đề "Ðội MBH đạt chuẩn để bảo vệ chính mình". Lực lượng chức năng sẽ hướng dẫn người tham gia giao thông cách nhận biết và phân biệt MBH đạt chuẩn và mũ giả mạo theo quy định của pháp luật; cách sử dụng MBH khi tham gia giao thông. Cùng với đó, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm và triệt để các vi phạm về kinh doanh MBH rởm. Về cơ bản, các loại mũ nhái có hình dáng giống MBH thật, dán tem nhãn giả sẽ bị kiểm tra và tịch thu ngay từ cơ sở sản xuất, điểm bán hàng. Nếu xét thấy đủ dấu hiệu vi phạm hình sự thì sẽ khởi tố hình sự bởi đây là hành vi làm hàng giả, hàng nhái.
Với loại mũ không phải MBH, như mũ thời trang, mũ nhựa, không ghi cơ sở sản xuất, không tem nhãn sẽ bị tịch thu và truy tìm cơ sở sản xuất để triệt phá. Riêng với loại mũ nhựa, được cơ sở sản xuất ghi rõ là mũ không dùng cho người đi mô-tô, xe máy thì cơ sở sản xuất không bị xử phạt nhưng nếu người tham gia giao thông vẫn sử dụng loại mũ này sẽ bị xử phạt.
Trong đợt cao điểm này, sẽ tập trung vào hai hoạt động chính: Yêu cầu Ban ATGT các địa phương công bố rộng rãi địa chỉ bán MBH chuẩn cho người dân; ngoài ra, phối hợp các DN tổ chức chương trình đổi mũ giả lấy mũ thật, có trợ giá của nhà sản xuất nhằm giảm bớt khó khăn cho người mua. Hiện cả nước có 74 DN, cơ sở sản xuất MBH, Ủy ban ATGT quốc gia đang tích cực vận động các DN tham gia chương trình này, nếu mỗi địa phương có một DN tham gia thì chủ trương này sẽ thành công.
Ðại diện Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định: Người tham gia giao thông mua phải mũ giả, không bảo đảm chất lượng, sẽ không bị xử phạt, chỉ bị xử phạt đối với hành vi không đội mũ, đội không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải MBH. Mục tiêu cuối cùng của đợt tuyên truyền này không nhằm vào việc xử phạt người tham gia giao thông đội MBH rởm mà tập trung vào việc truy quét MBH rởm ra khỏi thị trường; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ mình khi tham gia giao thông bằng MBH đạt chuẩn.
Trong ba tháng cao điểm, lực lượng chức năng sẽ thực hiện đồng bộ, "làm tận gốc", yêu cầu đơn vị sản xuất MBH ký cam kết sản xuất mũ theo tiêu chuẩn quy định, mẫu mã, kiểu dáng phù hợp, với mục tiêu loại bỏ mũ giả trên thị trường. Các điểm kinh doanh bán hàng, sẽ phải ký cam kết bán mũ đạt chuẩn, dẹp bỏ các điểm bán mũ trên vỉa hè. Từ đầu tháng 3, lực lượng quản lý thị trường đã thí điểm ra quân xử lý các cơ sở sản xuất mũ giả tại một số địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy, 100% số điểm bán mũ đều có sai phạm, phát hiện và tịch thu hàng nghìn mũ giả và nhái.
Ngày 8.3, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 04/CT-TTg về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH khi tham gia giao thông, yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao hiểu biết, ý thức của cơ sở sản xuất, DN, hộ kinh doanh MBH trong việc chấp hành quy định của pháp luật về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH; xử lý nghiêm việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ không bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc không rõ ràng; vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng sự an toàn của người sử dụng.
Theo quy định, MBH đạt chuẩn phải có cấu tạo đủ ba bộ phận: vỏ mũ, lớp xốp hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo; kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và được chứng nhận hợp quy bởi tổ chức chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật,... MBH đạt chuẩn có tác dụng giảm chấn thương vùng đầu cho người đội khi xảy ra va chạm hoặc xảy ra TNGT. Người đội MBH phải cài quai đúng quy cách, khít với cằm.
Chính phủ và Ủy ban ATGT quốc gia tin tưởng chủ trương này sẽ khả thi và đi vào cuộc sống. Cơ quan chức năng quyết liệt, người dân đồng tình ủng hộ, bảo vệ chính mình bằng MBH đạt chuẩn, thì MBH rởm sẽ không còn "đất sống".
Tại cuộc họp báo, Ban ATGT thành phố Hà Nội và Công ty CP Á Long cũng đã ký biên bản phối hợp tổ chức các điểm đổi mũ giả lấy MBH thật. Theo đó, khi người dân đến đổi mũ thật, Công ty CP Á Long sẽ trợ giá từ 30 đến 70 nghìn đồng/chiếc tùy loại. Ủy ban ATGT kêu gọi các DN sản xuất MBH tích cực tham gia chương trình này nhằm mục tiêu bảo vệ sự an toàn cho người dân.
. Theo Báo Nhân Dân