Đổi thay ở làng “bốn bếp”
Đến Thạnh Quang, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, nay có thể đi bằng nhiều đường, từ cầu Định Bình vượt sông Kôn ngược lên hay từ cầu tràn hồ thuỷ lợi Định Bình xuôi xuống.
Ký ức về một làng “bốn bếp” xưa đã lùi xa. Thạnh Quang hôm nay đang bừng lên sắc xuân. Theo lời già Đinh Grêch, trước đây Thạnh Quang chỉ có bốn nóc nhà nên được gọi là làng “bốn bếp”, tức bốn gia đình định cư đầu tiên ở Thạnh Quang gồm bá Giao, Bá Nguyn, Đinh Chân, Đinh Lịch.
Đường về Thạnh Quang hôm nay.
Lúc ấy, đất đai mênh mông nhưng đường đi nhỏ như cái đũa, nhà chỉ là những nếp nhà sàn tranh tre nứa lá. Lúa rẫy, giúp dân làng không đói. Rẫy bắp, rẫy mì giúp dân làng làm ra những ghè rượu cần. Trâu, bò, heo, gà thả rông trong làng, cá ở sẵn dưới sông, muốn ăn thì thả lưới. Đau ốm, bệnh tật thì tìm lá thuốc ở rừng… Mọi thứ khép kín như một ốc đảo. Trẻ con đến tuổi đi học chẳng biết học ở đâu.
Bá Giao nhớ lại: “Hồi đó ban đêm gần như không dám ra khỏi nhà, vì quanh nhà là rừng, nhiều khi chạm mặt với thú dữ”. Mãi đến năm 1986, “bốn bếp” mới có thêm người đến ở, lập thành làng Thạnh Quang bây giờ.
Năm 2004, công trình Hồ thủy lợi Định Bình được nhà nước đầu tư xây dựng, gần 40 hộ dân từ các làng vùng lòng hồ Định Bình về đây định cư. Gia đình ông Đinh Grêch cũng chuyển về từ vùng lòng hồ Định Bình. Những khó khăn ban đầu của gia đình ông trên vùng đất mới nhanh chóng đi qua nhờ sự giúp đỡ nghĩa tình của người dân Thạnh Quang. Bây giờ, gia đình ông Grêch đã có đất nà để gieo trồng đậu đỗ, có ruộng để làm được hạt gạo nuôi sống gia đình.
Làng Thạnh Quang hiện có 56 hộ với 229 nhân khẩu, trong đó có 97% là người dân tộc Bana. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là từ các chương trình, dự án quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững như Nghị quyết 30a của Chính phủ, chương trình 135, Xây dựng nông thôn mới… đã hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, các thiết chế văn hoá; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi...
Nhờ đó, người dân ở đây đã bỏ lối đốt nương làm rẫy, chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ/năm, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha. Cùng với việc sản xuất lúa nước nhằm ổn định lương thực, người dân còn trồng các loại cây trồng cạn cho năng suất cao như: ớt, dưa hấu, bắp, đậu đỗ các loại… Chăn nuôi ở làng cũng phát triển, cả làng có 1.500 gia súc, 1.600 con gia cầm.
Đến nay, 80% đường giao thông trong làng đã được bê tông hóa, 90% số hộ có nhà xây mái ngói, 100% hộ sử dụng điện thắp sáng, 90% hộ có phương tiện nghe nhìn. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,5 triệu đồng. 95% số hộ trong làng được công nhận Gia đình văn hóa, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. 10 năm qua, cả làng không có trường hợp sinh con thứ ba trở lên, không có dịch bệnh xảy ra ở người. An ninh, trật tự xã hội ở làng được giữ vững và củng cố.
Đón xuân mới tại nhà rông.
Ông Lê Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hiệp, cho biết: Thạnh Quang là một trong số những làng có số hộ không nhiều, người không đông như các làng lân cận, nhưng lại có sức bật rõ rệt trong cuộc sống nói chung và phát triển kinh tế nói riêng. Với lợi thế đất đồi hoang sơ còn khá nhiều, được huyện cho phép, làng đã khai phá thêm đất để trồng các loại cây như chuối, mì, bắp, điều, đậu đỗ… Vừa mới về tái định cư, có thể nói là con số không, song đến nay đàn trâu, đàn bò của làng phát triển khá nhanh, bình quân mỗi hộ nuôi khoảng bốn con bò lai.
Nhờ đẩy mạnh sản xuất, ngoài cây lúa ra, làng còn trồng nhiều loại cây hàng hóa, chăn nuôi trâu bò phát triển, đem lại nguồn thu nhập đáng kể, đời sống bà con đã từng bước xóa được đói, giảm được nghèo, có của ăn của để, nhiều gia đình đã xây dựng được ngôi nhà gạch ngói khang trang sạch đẹp, mua sắm được nhiều mặt hàng gia dụng đắt tiền phục vụ thiết yếu cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày.
Vài năm gần đây, người dân Thạnh Quang lấy từ lúa ruộng thay thế cho lúa rẫy, đem về rang rồi giã thành cốm để tổ chức lễ hội ăn cốm lúa mới. Lễ hội ăn cốm lúa mới được tổ chức mỗi năm một lần vào cuối năm, bà con trong làng đem cốm, rượu ghè, thịt khô… xuống nhà rông mừng ngày lễ hội, mời nhau ăn cốm, uống rượu, đánh cồng, đánh chiêng, hát múa suốt đêm.
Thời gian qua đi, đời sống những người Bana ở làng “bốn bếp” xưa - Thạnh Quang nay đã thêm nhiều đổi mới. Con đường phía Đông sông Côn chạy giữa làng nối Thạnh Quang với các vùng lân cận đã tạo điều kiện để người dân ở đây giao thương, trao đổi hàng hóa.
Thạnh Quang bây giờ, đường, có điện, trường học đã được xây dựng khang trang ngay đầu làng. Cuộc sống mới đã ấm lên những sắc diện xuân.
XUÂN DŨNG