Tết xa nhà của du học sinh
Tết là một từ đặc biệt nhất trong lòng mỗi người Việt. Đối với người Việt xa xứ, nhất là sinh viên, Tết lại càng đặc biệt hơn vì phải tự tưởng tượng ra cái không khí nhộn nhịp, tất bật giữa sự “lãnh đạm, thờ ơ” của những người bản xứ xung quanh. Là du học sinh Boston (bang Massachusetts, Mỹ) chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự lạc lõng này giữa cái lạnh buốt với những cơn bão tuyết rập rình.
Tiệc tất niên do Hội Thanh Niên và Sinh viên Việt Nam vùng Boston tổ chức.
Tết Bính Thân rơi vào trúng tuần thứ ba của học kỳ 2, bài vở bắt đầu chồng chất. Trong khi người thân bạn bè ở nhà đang xúng xính quần áo mới với hình ảnh mua sắm, ăn uống, chơi bời ngập tràn Facebook, chúng tôi bận rộn trong thư viện, tìm lời giải cho những vấn đề học thuật phức tạp. Nhưng điều đó không hẳn là chúng tôi không hưởng thụ tinh thần ngày Tết.
Trước giao thừa một tuần, Hội Thanh Niên và Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng tổ chức một bữa tiệc tất niên cho những người con xa quê tại đại học danh tiếng MIT (Viện Công nghệ Massachusetts - Massachusetts Institute of Technology).
Tham gia bữa tiệc, có những cô bác đã ở Boston hơn 20 năm, cho đến những em 9x vừa mới đặt chân qua Mỹ được vài tháng. Khoảng cách tuổi tác không quan trọng, vì mọi người đến để chia sẻ tình thân, như thể Tết là sợi dây vô hình gắn kết tất cả con cháu Lạc Hồng.
Bữa tiệc có bánh chưng truyền thống và một số món ăn thập cẩm trộn lẫn văn hóa ẩm thực châu Á. Ở xứ người, không dễ dàng có một bữa ăn thuần Việt nhưng chỉ cần có bánh chưng là chúng tôi thấy ấm lòng.
Màn múa của nhóm STAR đem đến bất ngờ cho những du học sinh dự tiệc.
Giữa bữa tiệc, Hội Du học sinh đem đến cho mọi người từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bên cạnh những bài hát về năm mới, mọi người thật sự ấn tượng với màn múa của nhóm STAR, gồm 7 cô gái Việt đang học tập và làm việc ở Boston. Họ mặc áo dài cách tân màu vàng, uyển chuyển cùng những chiếc quạt đa sắc trong nền nhạc dân gian đương đại.
Phần hai của bữa tiệc là chương trình đấu giá. Mỗi bạn có một tài năng nhất định như dạy đàn hay khiêu vũ, vẽ chân dung… đều trưng ra để mọi người “mua” và số tiền kiếm được đến hơn 1.000 USD được dành cho những hoạt động tiếp theo của hội như các chương trình hướng nghiệp, các buổi hội thảo tri thức, các cuộc thi sáng tạo…
Kết thúc bữa tiệc, du học sinh lại quay về cuộc sống hàng ngày tìm lời giải đáp cho những vấn đề học thuật. Ở bên kia trái đất, không khí nhộn nhịp chuẩn bị Tết đang diễn ra.
Không biết quê hương có nhớ mong mình?
HOÀI CHUNG (Du học sinh người Bình Định tại Đại học Havard)