Ăn Tết Thái ở… Vân Canh
Xuân này, người Thái tại Vân Canh sum vầy bên nhau để đón Tết Nguyên đán. Bên cạnh việc chuẩn bị cho một cái Tết theo đúng truyền thống của người Thái, họ còn chuẩn bị các tiết mục văn nghệ như xòe, nhảy sạp… truyền thống để giao lưu với cư dân địa phương.
Vào dịp gần Tết, gia đình ông Lương Trọng Lượng thường thực hiện nghi lễ cúng rước ông bà theo truyền thống.
Di cư đi làm ăn từ những năm thập niên 80-90 của thế kỷ XX, khoảng 30 hộ người đồng bào Thái (ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) với hơn 100 nhân khẩu nay đã dần ổn định cuộc sống tại các xã Canh Thuận, Canh Vinh, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh).
Ông Lương Trọng Lượng, 58 tuổi ở làng Hà Lũy, xã Canh Thuận, kể: Rời xã Lũng Cao, huyện Bá Thước khi còn trai trẻ, ông cùng vợ là bà Hà Thị Dung đã gần 30 lần đón Tết tại huyện Vân Canh. Lúc đến đây, gia đình ông lúc nào cũng sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của người dân và chính quyền địa phương, cộng với nỗ lực của bản thân và gia đình, ông Lượng dần ổn định cuộc sống và nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Ấn tượng đọng lại trong ông Lượng nhiều nhất là sự sẻ chia giữa những người mới định cư với cư dân địa phương. Trong các dịp lễ, Tết, buổi sinh hoạt cộng đồng, điệu múa xòe, nhảy sạp truyền thống của người Thái hòa nhịp với điệu múa cồng chiêng của người Bana, người Chăm tại nhà rông. Đây là cách để thắt chặt nghĩa tình giữa các dân tộc.
Còn bà Lương Thị Hiếm, 76 tuổi, đến từ xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước đang sống ở làng Hà Lũy, có niềm vui đón Tết là được dệt vải, may áo váy, dây xà tích, may khăn đóng theo trang phục truyền thống của đồng bào Thái.
Trang phục truyền thống là tinh hoa văn hóa, hành trang không thể thiếu đối với người Thái khi di cư đi làm ăn nơi khác.
Bà Hiếm tâm tình: Từ đất Bắc vào đây lập nghiệp, trang phục, dụng cụ truyền thống của người Thái mang theo không chỉ là hành trang cần thiết cho cuộc sống mà còn là những nét văn hóa để nhắc nhớ về nguồn cội. Ngoài ra, dịp Tết cũng là dịp để được quây quần bên con cháu với các món ăn truyền thống như mẻ, mác - khén…
Theo ông Lơ O Hòa, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, nhờ cần mẫn, chăm chỉ, tự vươn lên trong cuộc sống, nhiều người Thái đã lập nghiệp thành công trên mảnh đất mới, xây được nhà đẹp, mua phương tiện đi lại tốt hơn, điều kiện kinh tế khá giả như hộ ông Hà Văn Nọng, Hà Văn Tuấn… Có người là cán bộ của xã như ông là Lương Thanh Hưng hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra xã Canh Thuận.
Làng Thái ở Vân Canh những ngày này, không khí náo nức mùa Xuân đã lan tỏa. Trang phục, những món ăn đậm hương vị quê nhà, những bài dân ca Thái thô mộc nhưng thật nao lòng cùng những nét phong tục truyền thống được tái hiện.
Ở đó, mùa xuân về, đậu trong nẻo nhớ của những người xa quê, cùng cái náo nức những ngày vui ở miền đất mới.
PHÚC LỘC