Dân mình, tháng Chạp và ngày ba mươi Tết
Tháng Chạp, buổi sớm trời se se lạnh nhưng rồi trong khoảnh khắc mặt trời lên, từng tia nắng vàng ấm áp, lòng người bâng khuâng rạo rực. Tháng Chạp là tháng chuẩn bị đón Tết, chuẩn bị một mùa xuân mới, một năm mới háo hức, hy vọng và tin tưởng. Có lẽ ai ai cũng mong hoàn tất nốt công việc, tuy thật nhiều vất vả, trong năm cũ, mà đến tháng Chạp là cực điểm, để được thảnh thơi trong ba ngày Tết.
Đường Nguyễn Tất Thành những ngày đợi Tết. Ảnh: VĂN LƯU
Tự dưng tôi thấy bóng dáng mẹ tôi năm nào, tất bật với công việc, với đồng tiền tháng Chạp, để nào mua cho lũ trẻ chúng tôi bộ quần áo mới, nào mua nếp, mua lá gói bánh tét, đổ bánh thuẫn, rồi nào mứt, nào bánh, nào kẹo… Bao nhiêu thứ việc lo toan, bao nhiêu nhu cầu cần được thỏa mãn dồn hẳn lên đôi vai mẹ. Mẹ rất vất vả, nhưng nghĩ đến Tết lại vui. Cái vui như bất kì người bà, người mẹ, người chị nào khác “khi thấy năm hết Tết đến, nhà cửa bình an vui vẻ mà trong mình lại có một số tiền dành dụm được từ trong năm, tạm đủ mua bán cho bằng chị bằng em, hầu ăn một cái tết không to nhưng cũng không quá lùi xùi” . Và ắt hẳn mẹ tôi cũng nghĩ thế. “Người Việt Nam mình quan niệm Tết cao cả lắm, thiêng liêng lắm, đầm ấm lắm… nhưng không thể qua quýt, lùi xùi được. Ừ, dẫu có tiết kiệm gì, thì “ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà” là cái chắc. Tết mà không trang hoàng một tí cho vui cửa vui nhà, và sắm sửa lệ bộ mỗi thứ một ít, lòng nó không yên”.
Hình như, cực điểm cho sự bận rộn của tháng Chạp đó chính là cái ngày ba mươi Tết. Chẳng phải riêng gia đình nào, cứ là người Việt, gia đình Việt, dù ở bất kì đâu, Bắc hay Nam, miền Trung hay ở tận nước ngoài, đều có cái chộn rộn như nhau. Không khí của ngày cùng, năm tận ấy được nhà văn miền song nước Nam Bộ Nguyễn Ngọc Tư miêu tả thật ấn tượng:
“Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực không mà hôm đó cả nhà đều phải làm công chuyện tối mắt tối mũi. Đến nỗi, nhắc tới Tết là thấy chữ “Ba Mươi” chình ình, choán chật cả ký ức.
Đó là cái ngày duy nhất trong năm cả nhà sum họp mà không sum họp. Ai nấy túi bụi với chuyện của mình. Cánh đàn ông con trai (nói cánh cho ham vậy, chỉ hai người thôi, chứ mấy), cánh này quan trọng, lãnh phần dọn dẹp, lau chùi, làm đẹp nhà. Nào là quét mạng nhện trên trần, lau cửa kính, tủ bàn, kỳ cọ mấy cái lư đồng, đem phơi nắng. Mệt phờ. Lúc dọn dẹp, bày biện bàn thờ thì mùi chiên xào dưới bếp bay lên, trời, lại phải bỏ ngang công việc đang làm dở, chuẩn bị mâm bàn cúng rước ông bà. Xế chiều rồi, chớ giỡn…”
Phải, ngày 30 Tết “Đó là cái ngày duy nhất trong năm cả nhà sum họp mà không sum họp”.
Người ta không yên lòng vì từ bao nhiêu đời nay tổ tiên mình, rồi đến ông cha mình tin tưởng, rồi đến mình đây tin tưởng là đất đai cũng như sinh vật ngừng hoạt động trong những ngày cuối năm, lại bắt đầu sống lại, với sự trở về của khí ấm. Từ quan niệm đó, người ta vui mừng trông đợi lúc cây cối và muôn vật trở lại cuộc sống bình thường và ao ước năm mới phải có cái gì mới, một tiến bộ mới.
Thì ra dân mình nghĩ về tết, quan niệm Tết, lo tết… thật ra cũng giản dị như chính cuộc sống của họ. Và vì những điều đơn gản ấy, mà họ quanh năm suốt tháng làm việc, mong cho đến Tết, để khả dĩ đổi thay một điều gì đó trong cuộc sống, trong số phận của họ vào một năm mới là “biểu hiện nguyện vọng của dân tộc muốn cho mọi sự năm mới phải hơn năm cũ”.
Kể cũng thật lạ, lo toan làm ăn, bận rộn trăm bề, người ta hầu như quên bẵng đi quanh mình còn có những người bạn thân, những anh em đi làm ăn, học hành ở xa. Ngay đến một cú điện thoại thăm hỏi vài ba câu họ cũng chẳng màng gọi cho nhau. Thế mà, cái khí trời se lạnh, cái bận rộn, tất tả của những ngày cuối năm, của tháng Chạp năm hết, Tết đến, họ lại sực nhớ ra và da diết với những con người như thế. Phải, không ai bảo ai, đều hướng về quê nhà, về quê ăn Tết. Nào có ai bắt buộc họ đâu, nhưng họ cứ về “vì cách gì trong năm họ cũng phải trở về nhìn lại bàn thờ, ngôi mộ, cây cau, cúng ông bà, thăm họ hàng làng nước một lần, mà lần đó phải là ngày Tết. Về quê ăn Tết, đối với tất cả người Việt Nam tức là trở về nguồn cội để cảm thông với ông bà tổ tiên, với anh em họ hàng, với đồng bào thôn xóm”.
Một nét văn hóa cổ truyền được tái hiện: Dựng nêu đón Tết. Ảnh: VĂN LƯU
Tháng Chạp, chợ Tết quê tôi người đi như trẩy hội. Ai nấy đều vui vẻ bán bán mua mua. Bao nhiêu cái ngon, bao nhiêu đồ đẹp…hình như người ta trưng cả ra đây. Chợt nhớ câu thơ ai đó: Gặp tà áo trắng, bóng xuân sang/ Chợ tết đường quê trẩy hội làng/ Óng ả chồi xuân tràn ngập nắng/ Tơ lòng đan dệt bóng xuân sang. Tôi nhớ tiếng sôi sùng sục của nồi bánh tét đêm ba mươi, là mâm ngũ quả bày trên bàn thờ tổ, là khay mứt bánh trên bàn khách ba ngày xuân, là chậu hoa bày biện ở góc nhà… sao mà ấm cúng, sao mà thân thương quá.
Người thành thị ngày nay quen sắm mua đồ chế biến sẵn. Nào bánh tét, năm mươi ngàn một bánh; nào mứt, bánh vài ba chục nghìn một hộp; hoa giấy, hoa nhựa… tất tất đều sẵn cả. Còn đâu cái thú ngồi canh nồi bánh nghe bà kể chuyện cổ tích; hay anh em xóm giềng bên ấm trà ngày cuối năm, điểm lại việc làm ăn, tâm tình bên nhau để sáng mai, ai cũng trịnh trọng chúc nhau những lời tốt đẹp đầu xuân. Còn đâu mẹ dạy con gái, bà dạy cháu gái làm bánh mứt; hay con đâu con dâu được dịp trổ tài làm bánh mứt kiểu này, kiểu nọ… E đến một lúc nào đó, cái hương vị chợ Tết mất đi chăng?
Tháng Chạp đến rồi, và dần từng ngày, từng ngày. Và Tết đến… Ôi chao, sao mà nhớ thương những ngày tháng Chạp, sao dấu yêu những tháng Chạp thoảng mùi hương đồng nội đến thế…
KHẢ XUÂN
(1): Những đoạn trích trong ngoặc kép dẫn từ “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng.
(2): Tình khúc Ba Mươi, trong sách “Góc nhỏ miền Tây: Bánh trái mùa xưa” của Nguyễn Ngọc Tư, Nxb Hội Nhà văn, 2012, trang 61-62.