Đi chợ Tết ngày cuối năm…
29 Tết. Ngày cuối cùng của năm. Người mua tất bật đi mua sắm những thứ còn thiếu để chuẩn bị đón Tết. Người bán tranh thủ “chốt” hàng để còn kịp về làm mâm cỗ cuối năm. Cứ thế, chợ Tết tấp nập, đông đúc, rổn rảng tiếng nói cười của người bán - người mua.
Quy Nhơn nhỏ bằng lòng bàn tay, không thiếu những siêu thị, trung tâm mua sắm. Nhưng chợ Tết ngày cuối năm vẫn là một “đặc sản” với nhiều người.
Chợ Tết đông vui, nhộn nhịp ngày cuối năm.
1.
Chen vài bước chân, vào bên trong chợ, thấy các gian hàng bày bán la liệt đủ thứ. Dạo khắp các chợ, từ những “địa chỉ” lớn như chợ Đầm, chợ Lớn, chợ khu 6, chợ Quân Trấn… đến những chợ xổm, người bán, người mua đông chen chúc khiến cho phiên chợ những ngày cuối năm trở nên đông vui, nhộn nhịp.
Chợ Tết ngày cuối năm bao giờ cũng được bắt đầu từ rất sớm, có khi mới từ tầm khuya đã nhóm hàng, bày sạp bán. Không chỉ những người bán hàng phải tranh thủ đi từ tờ mờ sáng để có thể tìm cho mình một chỗ ngồi nho nhỏ bày hàng, mà ngay cả những người mua sắm cũng có mặt ở chợ từ sớm để có thể lựa chọn được những thực phẩm tươi, ngon.
Tờ mờ sáng, hàng thịt heo, thịt bò ở chợ Đầm ken kín người. Tiếng dao, tiếng người mua hàng, tiếng người bán hòa vào nhau quyện thành thứ thanh âm rất đặc trưng của ngày giáp Tết.
Lò đổ bánh và mâm bánh thuẫn quyện mùi của bà Bàng giữa chợ Tết.
Bà Nguyễn Thị Kim Lai, chủ sạp hàng thịt lớn nhất nhì chợ cho biết mỗi năm chỉ có mấy ngày cận Tết là chợ đông cả ngày. Ngày cuối năm, bà lại lục tục ra chợ từ giữa đêm để nhận hàng, rồi phân phối hàng bỏ sỉ cho các chợ khắp trong thành phố, phần còn lại thì sắp xếp, bày biện ra sạp để kịp bán sớm cho người đi mua. Ngày thường chỉ cần sạp hàng của bà và con gái là đủ, nhưng càng cận Tết khách đông, bà bảo phải “huy động” thêm mấy người đàn ông trong nhà và cháu chắt đổ ra chợ phụ.
Tầm 8 giờ sáng, hàng laghim của chị Nguyễn Thị Thảo - cô chủ hàng rau Vietgap chuyên bán hàng rau xanh ăn lá và rau gia vị sạch của các hợp tác xã rau an toàn trong tỉnh - đã vơi chỉ còn phân nửa. Mà cũng chỉ còn một số loại củ, quả. Còn rau xanh ăn lá, rau gia vị thì đã hết sạch. Khách quen đến hỏi mua mấy thức nhà hay dùng như bó rau cúc tần, cải xanh, hay cà rốt… cô chủ đều lắc đầu: hết hàng rồi!
Quầy hàng thịt heo, thịt bò ở chợ Đầm ngày cuối năm rất đông khách.
Chị Thảo bảo: “Tranh thủ bán buổi sáng 29 Tết thôi để chiều còn về nhà dọn dẹp, làm mâm cỗ đón ông bà về quê ăn Tết”. Mà nói thì nói vậy, chứ có năm nào mà về sớm được đâu. Cứ hễ dọn hàng vào là y như có khách lại đến hỏi, lại lôi ra bán, lại nấn ná, lại chần chừ. Thế nên, gian hàng ngày cuối năm cũng phải quá tầm trưa mới dọn được. Chợ Tết là vậy!
Vòng một lượt qua chợ trái cây nằm trên đường Tăng Bạt Hổ lại thấy “mọc” thêm cả chục gian hàng bán hoa và trái cây. Rạp cũng được dựng lên để che mưa, che nắng cho hoa quả, cho người mua lẫn người bán. Trái cây năm nay ngoài những loại đã quen thuộc với người Bình Định đã thêm mấy loại để chưng Tết. Này thì quả dưa hấu khủng 15-20kg bán đắt như tôm tươi. Hay quả dư có hình thù như quả điều, với màu vàng ươm đẹp mắt để làm mâm ngũ quả, vừa đẹp mắt vừa cầu mong một năm mới làm ăn có dư, có thừa…
Cô chủ hàng trái cây, mặt mũi bơ phờ mất ngủ vì lo bán Tết. Hai mẹ con “ôm sô” hai sạp trái cây và sạp hoa. Thấy khách quen, cô cười đon đả, bảo cố bán thêm ngày nay nữa, đến chiều là dọn hàng để ăn Tết.
Chợ Tết ngày cuối năm không có tiếng bấc chì như ngày thường. Chỉ có tiếng nói, cười, tiếng chặc lưỡi “đồng tình” của người bán với người mua. Thỉnh thoảng lại chen vào vài lời thăm hỏi nhau giữa những cuộc mua - bán như những người thân thiết…
Bà Phan Thị Kim Huệ, chủ sạp trái cây Huê Đạo (đường Tăng Bạt Hổ, Quy Nhơn), cho biết năm nào trái cây cũng đợi đến ngày giáp Tết mới chộn rộn. Ai cũng muốn chọn cho mình những loại quả vừa đẹp, vừa có ý nghĩa để trang trí mâm ngũ quả ngày tết và những loại trái cây có tên đem lại may mắn như đu đủ, xoài, dưa hấu, sung… được yêu thích lựa chọn.
Đang tìm chọn những loại quả để trang trí mâm ngũ quả ngày Tết, chị Lê Thị Kim Mai (ở phường Trần Phú) chia sẻ: “Thường thì tôi chỉ bày 5 loại trái cây ở mâm ngũ quả, trong đó không thể thiếu đu đủ và sung. Bởi theo phong tục người Việt mình thì mâm ngũ quả cúng Tết không chỉ thể hiện thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính đối với các bậc tổ tiên mà còn thể hiện những ước nguyện của gia chủ trong năm mới, với nhiều sức khỏe, tài lộc và hạnh phúc…”.
Và, không thể thiếu sắc màu rực rỡ của hoa tươi tại chợ. Sắc màu lung linh của muôn loài hoa đã góp phần tô điểm rực rỡ cho sắc xuân. Đi chợ mua hoa đã trở thành niềm háo hức của mọi người mỗi khi tết đến xuân về. Người ta đến chợ không chỉ để mua hoa, ngắm hoa mà còn để cảm nhận không khí của một mùa xuân mới đang đến thật gần. Vì vậy, những sạp hoa rất đông người mua bán.
Một số loại hoa mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc trong năm mới được người mua chọn lựa nhiều như: hoa cúc, hoa đồng tiền, cây phát tài, phát lộc, lay ơn… với quan niệm những mầm non tươi mới của cây là sự thể hiện một năm mới mang nhiều tài lộc sinh sôi cho cả gia đình.
Chợ Tết ngày cuối năm, chộn rộn cả buổi sáng, kéo dài quá tầm trưa, đến chiều 29 Tết thì vơi dần…
2.
Là chợ Tết. Lại là chợ Tết ngày cuối năm nên hẳn nhiên giá cả cũng tăng giá và vô chừng.
Buổi sáng, bó cúc kim cương chỉ 50.000 đồng thì đến chiều đã 70.000 đồng; hoa lay ơn Đà Lạt 50.000 đồng/bó thì đến tầm trưa đã chừng 100 ngàn đồng/bó. Các loại rau ăn lá, rau gia vị cứ tăng vùn vụt đến từng giờ, có loại tăng đến gấp đôi, gấp ba. Dưa leo 36.000 đồng/kg, hạt sen 30.000 đồng/lạng, cà chua 35.000 đồng/kg, khổ qua trong vốn đã 42.000 đồng/kg, còn loại khổ qua xanh thì 60.000 đồng/kg, cải xanh 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, cà rốt, các loại rau cải bó xôi, cúc tần… thì đến 29 Tết đã không còn hàng nhập về để bán.
Chợ trái cây trên đường tăng Bạt Hổ (Quy Nhơn) rộn ràng, đông vui ngày cuối năm.
Hàng thủy sản mấy ngày cận Tết kèm thêm thời tiết bất thường nên cứ mỗi ngày một giá. Mới 28 Tết, cá thu vẫn còn 25.000 đồng/lạng thì đến hôm sau đã tăng lên 40.000 đồng/lạng. Tôm biển loại lớn bình thường chỉ 20.000 đồng/lạng đến giờ cũng tăng gấp đôi. Cô chủ hàng cá vừa đon đả chào mời khách vừa than: “Nói chi đến người mua, ngay như tui đây còn giật thót mình mỗi khi lấy đồ hải sản về bán nè. Mới chiều hôm trước một giá, qua một đêm đã một giá khác. Giá sau luôn cao hơn giá trước. Cứ đà này thì qua tết, giá sẽ lại tăng thêm nữa mà chưa biết có đồ để bán không nữa!”.
Nhưng chợ Tết không có tiếng trả giá, hay nặng nhẹ bấc chì như ngày thường. Chỉ có tiếng nói, cười, tiếng chặc lưỡi “đồng tình” của người bán với người mua. Thỉnh thoảng lại chen vào vài lời thăm hỏi nhau giữa những cuộc mua - bán như những người thân thiết…
3.
Sáng 29 Tết, hàng bánh tét, bánh chưng chợ nào cũng “cháy hàng”. Người bán thì ít, người mua thì nhiều. Mấy thùng bánh vừa vớt ra nghi ngút khói, thơm mùi đậu đỗ, mùi nhân thịt, mùi lá chuối như mê hoặc khách. Nhưng, chỉ được chừng ấy, rồi tất thảy đều chưng hửng. Khách hỏi bao nhiêu một đòn bánh tét, người bán chỉ một câu gọn lỏn: “60.000 đồng, có giấy thì đưa”. Thấy nhiều cô, nhiều chị đi chợ đến lần lượt đưa mảnh giấy nhỏ nghệch ngoạc, rồi nhận bánh, còn lại thì đều lắc đầu. Thì ra, số bánh ấy chỉ đủ cung cấp cho mấy mối hàng đã… đăng ký trước.
Chục năm nay, tầm giáp Tết nào bà Đoàn Thị Bàng (65 tuổi, nhà ở bên kia sông Hà Thanh) cũng đều đốt lò đổ bánh thuẫn tại chợ Đầm. Hôm tôi đến chợ, chị phó ban quản lý chợ bảo, giữa những tất bật của công việc, giữa những chộn rộn, ồn ào của chợ, cứ hôm nào thấy cô Bàng là y như rằng mình có ngay cái không khí tết, lại biết tết đang về. Mùi bột, đường, trứng quyện vào nhau; mùi bánh chín thơm phức bay khắp chọ, khiến khách đi qua chẳng đạng đừng, lại ghé đến hỏi han, cắn miếng bánh của bà chủ đưa thưởng thức; rồi mua vài chục bánh bỏ vào giỏ mang về. Nghe như mùi, hương Tết đã ở đâu đây.
Sáng 29 Tết, bà Bàng vẫn đỏ lửa, khuôn đổ bánh vẫn thanh âm quen thuộc. Bà Bàng đổ xong khuôn bánh thì quay sang chất hàng vào thùng để giao cho khách. Mấy ngày trước thì bán được 150 bánh/ngày, đến bây giờ thì 600 bánh/ngày. Sáng 29 Tết là gom bánh để giao cho khách thôi, chớ không dám nhận thêm nữa. Người ở xa đem chuyển theo xe xuôi vào TP Hồ Chí Minh, ngược lên Gia Lai, rồi bay hẳn qua Mỹ làm quà cho khách.
Bà bảo nghề này là bà ngoại truyền cho mẹ, rồi mẹ lại dạy cho mình. Khách hỏi, bà cứ thiệt tình mà nói, 7 lạng trứng - 1 ký đường - 1 ký bột, không được để già lửa hay non lửa; thêm mấy loại gia vị “bí mật gia truyền”, rồi “canh” là được mẻ bánh ngon, nở đều 5 cánh. Mỗi mùa Tết, bà làm 2,4 tạ đường và bột. Hỏi chuyện nghề nghiệp, bà Bàng cười hào sảng: “Nào có phải nghề nghiệp chi đâu. Bình thường thì ở nhà trông cháu ngoại, cháu nội, đến mấy ngày Tết con cháu nghỉ làm thì tui lại ra chợ bán bánh. Con cháu cũng bảo má lớn tuổi rồi, bán bưng chi khổ, nhưng cứ đến tết là tui lại thêm làm mấy thức bánh này. Vừa được làm, vừa được nói chuyện Tết với mọi người. Vậy là vui!”.
4.
Mặc dù cách sống của thời hiện đại đã có nhiều thay đổi, nhưng đi chợ Tết vẫn là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Việt. Đi chợ ngày cuối năm - tưởng chừng như đã quen thuộc nhưng vẫn có một sức hấp dẫn kỳ lạ.
“Đi chợ Tết không đơn thuần chỉ là đi mua sắm, mà còn là một thú vui để được ngắm hoa, quả cùng với không khí náo nức của mọi người trong những phiên chợ cuối năm. Đi chợ để xem thiên hạ mua bán, để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của sản vật quê hương mình được trưng bày trong dịp Tết cổ truyền. Đi chợ để thưởng thức không khí náo nức của phiên chợ cuối năm. Sáng đi mua, chiều lại lội ra chợ. Một ngày đến mấy bận” - bà Nguyễn Thị Mai, nhà ở đường Trần Hưng Đạo, chia sẻ.
Đó cũng là cái thú chung của những người đi chợ ngày 29 tháng Chạp - chợ Tết ngày cuối năm. Như các bà, các mẹ đã từng. Và, bây giờ là đến chúng tôi…
MAI HOÀNG